Ifrah Ahmed đã từng trải qua hủ tục cắt âm vật khủng khiếp từ năm 8 tuổi nhưng cô không muốn bị coi là một nạn nhân. "Tôi không muốn là một nạn nhân, tôi muốn là người lên tiếng", nhà hoạt động 35 tuổi nói.
Ifrah là một trong những phụ nữ đầu tiên lên tiếng công khai về tục cắt âm vật (FGM) ở Somalia, một quốc gia ở Đông Phi. Người ta ước tính khoảng 98% phụ nữ tại quốc gia này đã trải qua nghi lễ đó. Theo tổ chức Y tế Thế giới WHO, cắt bỏ bộ phận sinh dục ngoài của phụ nữ (FMG) liên quan đến những thủ tục cắt bỏ một phần hoặc nhiều phần bộ phận ngoài của nữ bằng một con dao cạo sắc. FMG phần lớn được thực hiện ở các bé gái có độ tuổi từ sơ sinh cho đến 15 tuổi. Đôi khi, đây cũng là hủ tục được thực hiện ở những người phụ nữ đã trưởng thành.
Hành trình từ một nạn nhân bất lực trở thành hình mẫu quyền lực của Ifrah đã trở thành nguồn cảm hứng để các nhà làm phim xây dựng nên bộ phim "A Girl From Mogadishu".
Trong 10 phút đầu tiên của phim, Aja Naomi King, người đóng vai Ifrah năm 15 tuổi đã bị các binh lính Somalia cưỡng hiếp tập thể. Sau đó, cô thực hiện hành trình nguy hiểm từ Somalia đến Ireland để xin tị nạn.
Khi Ifrah đến Ireland, một bác sĩ phụ khoa khám cho cô đã vô cùng bàng hoàng. Ông cố tìm hiểu xem điều khủng khiếp gì đã xảy ra với cô bé này. Tuy nhiên, cô không thể giải thích được với nam phiên dịch viên, chỉ biết giàn giụa nước mắt. Nhưng sau đó, với sự giúp đỡ của những người phụ nữ khác, Ifrah bắt đầu tìm thấy tiếng nói của mình. Cuối phim, cô nói về FGM trước mặt Tổng thống Barack Obama, phát biểu tại Liên hợp quốc và được Tổng thống Somalia khen ngợi.
Đối với Ifrah, người dành cả cuộc đời để vận động chống lại FGM và tác động lên lệnh cấm thực hiện hủ tục này tại Ireland năm 2012, bộ phim chính là cơ hội để những người sống sót sau FGM được thấu hiểu. "Tôi không muốn mọi người coi tôi là nạn nhân. Tôi muốn mọi người thấy tôi trao quyền cho những phụ nữ khác. Tôi muốn cho mọi người thấy rằng dù phụ nữ Somalia đã trải qua những gì, chúng ta cũng có thể mạnh mẽ vượt qua", cô nói.
Ifrah hy vọng những phụ nữ từng bị FGM sẽ xem bộ phim và cảm thấy bớt cô đơn hơn. "Thật khó để phụ nữ lên tiếng về FGM. Vì vậy, khi 2 cô gái trẻ Somalia đến gặp tôi sau khi xem bộ phim tại Edinburgh, họ ôm tôi và nói: "Ifrah, chị đã lên tiếng cho tất cả chúng em", tôi cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào".
Phải can đảm lắm Ifrah mới có thể mở lòng với đạo diễn và biên kịch của phim, Mary McGuckia. "Thật không dễ dàng để chia sẻ câu chuyện của bạn với thế giới. Nhưng nếu nó giúp phụ nữ nhận ra đây là gì thì chúng ta nên nói đến", cô chia sẻ.
Khi đó, Ifrah bị bà giữ chặt trong một túp lều nhỏ để người chú thực hiện nghi lễ được kể lại trong một cảnh bóng gió với con dao bẩn thỉu dính đầy máu, tiếng la hét đau đớn của một đứa trẻ: "Đó có thể là câu chuyện của tôi, nhưng cũng là chuyện của nhiều cô gái trẻ. Đó là những người mà tôi đang đấu tranh cho họ".
Dù là công dân Ireland nhưng Ifrah vẫn điều hành một quỹ vận động chính phủ ở Somalia để biến FGM thành bất hợp pháp. Vào năm 2018, cô đã thực hiện một bộ phim tài liệu ngắn về bé gái 10 tuổi bị chảy máu mũi đến tử vong sau khi bị cắt âm vật. Bộ phim nhanh chóng lan truyền và thôi thúc các bậc phụ huynh đưa con gái đến bệnh viện kiểm tra. Tại đây, Ifrah đã tạo điều kiện để chăm sóc y tế cho các bé gái. "Trong năm ngoái, chúng tôi đã cứu 20 cô gái khỏi bị chảy máu, nhưng đã mất đi 7 cô bé", Ifrah chia sẻ.
Ifrah quyết tâm lên tiếng về FGM ở Somalia và điều hành các chương trình cộng đồng để giáo dục các gia đình: "Khi chỉ có phụ nữ ở trong phòng, tất cả đều đồng ý FGM là một vấn đề. Nhưng nếu chỉ có một người đàn ông ở đó thì tất cả họ đều không lên tiếng". Ifrah hy vọng rằng chính phủ Somalia sẽ ra luật để biến FGM thành tội hình sự, để các gia đình thực hiện nghi thức này phải bị truy tố.
Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào kết quả tham vấn của chính phủ với các nhà lãnh đạo tôn giáo có ảnh hưởng. "Tôi hy vọng trước khi dự luật được đưa ra quốc hội, các nhà lãnh đạo tôn giáo sẽ hiểu vấn đề và ủng hộ luật", Ifrah nói.
Ifrah biết rằng lời nói của mình có sức mạnh như thế nào ở Somalia vào thời điểm đó: "Tôi có thể lên TV và nói về nó, có thể tranh luận với các nhà lãnh đạo tôn giáo và kể cho họ nghe về những trải nghiệm của riêng mình". Và cô đã chiếm được trái tim của những học giả tôn giáo. Họ đã thể hiện sự ủng hộ nhiệt thành với cô gái trẻ.
Nhưng Ifrah biết rằng không phải tất cả mọi người tại Somalia đều cảm thấy như vậy và cô đang mạo hiểm cả sinh mạng của mình khi sống ở đó. "Có giết chóc, có đánh bom và rất nhiều vấn đề ở đây. Tôi có thể trốn đến Ireland nhưng điều khiến tôi tiếp tục mỗi ngày là tôi tạo ra sự khác biệt", cô nói.
Ifrah không nản lòng trước vấn đề mình đang phải đối mặt. Lịch sử FGM ở Somalia đã có từ hơn 400 năm và bộ phim cũng cung cấp một chút về lý do khiến những người phụ nữ tiếp tục cắt âm vật của con gái họ. Trong một cảnh gần cuối phim, Ifrah đã có cơ hội hỏi người bà yêu quý của mình rằng tại sao lại cắt âm vật cho nhiều cô gái trong nhà. Người bà trả lời: "Đây là truyền thống của chúng ta, văn hóa của chúng ta. Vào buổi sáng sau đêm tân hôn, nếu cô gái không còn trinh trắng thì chồng sẽ đào một cái hố (bên ngoài túp lều của gia đình cô dâu) để báo hiệu cô ấy chưa bị cắt". Những cô dâu này sau đó bị từ chối, gửi trả về nhà mẹ đẻ và khiến dòng họ nhục nhã.
FGM cũng được coi là cách để bảo vệ các cô gái khỏi những hành vi tồi tệ của người chồng tương lai. "Để giữ cho cô ấy trong trắng trong lúc anh ta đi xa, chỗ đó sẽ bị khâu lại. Khi anh ta trở lại, họ sẽ lại giống như trong đêm tân hôn", bà của Ifrah nói với cô.
Ifrah nói rằng cô muốn bộ phim này lan truyền khắp thế giới: "Hy vọng của tôi là nâng cao nhận thức. Những gì đã xảy ra với tôi không thể thay đổi được. Quá khứ của tôi là của riêng tôi. Nhưng những gì tôi có thể làm là thay đổi tương lai".
Nguồn: https://phununews.nguoiduatin.vn/hu-tuc-cat-phan-duoi-cho-be-gai-nhung-noi-dau-cung-cuc...
Chuyện lạ thế giới
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn