Đó là trường hợp nam bệnh nhân N.V.T. (28 tuổi, làm nghề lái xe) nhập viện điều trị trong tình trạng lo âu, suy nghĩ quá nhiều trước và sau khi lấy vợ. Theo TS Dương Minh Tâm (Viện sức khỏe Tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai), khi vào viện qua khai thác bệnh sử bệnh nhân cho biết, trước khi cưới vợ anh T. lo nghĩ rất nhiều về việc cưới xin. Điển hình như việc lo liệu tổ chức đám cưới có tốn kém không, liệu mình có đủ tiền để lấy vợ không...
Sau khi cưới xong, anh T. tiếp tục rơi vào trạng thái lo âu, mất ngủ vì không biết phải sống ra sao với vợ mới cưới, không biết mình với vợ có hợp nhau không. Đặc biệt, anh T. còn liên tưởng cả những điều không may xảy ra với mình sau khi lấy vợ, như lo sợ lái xe gặp tai nạn vì thế sau cưới anh T. không dám ra đường.
TS Dương Minh Tâm chia sẻ về ca bệnh nhập viện sau khi lấy vợ.
“Qua thăm khám bệnh nhân phát triển tâm thần vận động bình thường. Không mắc bệnh lý nội khoa thần kinh mạn tính. Không có tiền sử dụng chất kích thích. Gia đình không có tiền sử mắc bệnh tâm thần.
Về cảm xúc, bệnh nhân này khí sắc giảm, cảm xúc căng thẳng, bồn chồn, lo lắng. Tính cách thì hay tính toán, cầu toàn, lo âu hay khái quát và trừu tượng hóa. Sau khi khám lâm sàng và kiểm tra một số tiêu chí, chúng tôi chẩn đoán bệnh nhân bị stress rối loạn lo âu lan tỏa và cho nhập viện điều trị”, TS Tâm chia sẻ.
Theo TS Tâm, những trường hợp giống như nam bệnh nhân trên không hề hiếm gặp, thậm chí còn gia tăng trong thời gian gần đây. Dẫn chứng một ca bệnh khác cũng nhập viện trong tình trạng tương tự như bệnh nhân T., đó là trường hợp của một nữ kế toán 38 tuổi.
Ngày càng nhiều bệnh nhân nhập viện do stress trong công việc và cuộc sống.
Trước khi chẩn đoán bị rối loạn stress dạng cơ thể, bệnh nhân đã đau đầu suốt 4 năm trời. Đi khám khắp nơi không tìm được nguyên nhân. Qua khai thác tiền sử thì được biết, bệnh nhân lấy chồng năm 26 tuổi, sau khi lấy chồng bệnh nhân xây nhà, nhưng do chồng đi làm xa nên không đỡ đần được trong việc làm nhà và trông con.
Điều này khiến cho bệnh nhân phải lo nghĩ nhiều việc, xuất hiện biểu hiện hay căng thẳng lo lắng, đau đầu 2 bên thái dương và lan ra khắp đầu, kèm theo ngủ kém, đêm bệnh nhân khó vào giấc chỉ ngủ được 1-2h/đêm.
“Bệnh nhân đã đi khám khắp nơi kết quả bình thường, về nhà uống thuốc nhưng bệnh nhân thấy không đỡ nên lại đi khám bệnh ở cơ sở khác. Bệnh nhân được chuyển tới Viện sức khỏe tâm thần và được chẩn đoán bị rối loạn stress dạng cơ thể”, TS Tâm nói.
Cảnh báo về vấn đề này, TS Tâm cho biết hiện mỗi ngày viện tiếp nhận khoảng 200 trường hợp nghi ngờ có rối loạn stress. Rối loạn stress hiện nay đang tăng ở Việt Nam và mọi nhóm tuổi đều có nguy cơ mắc.
“Stress thường xảy ra với những người hay lo lắng suy nghĩ, dễ xúc động, khó làm chủ được bản thân, tính các cầu toàn, cẩn thận, kỹ tính. Một nhân cách yếu hoặc những người có tính cách chi ly, cầu toàn thì có thể bị bệnh chỉ sau một stress nhẹ, bệnh chậm hồi phục”, TS. Tâm khuyến cáo.
Để phòng stress, TS Tâm cho biết mọi người cần xây dựng lối sống lành mạnh, kết hợp làm việc và tập luyện thể thao, giải trí cân bằng trong cuộc sống. Đặc biệt, khi có các dấu hiệu như bồn chồn, lo âu, mất ngủ, căng thẳng...cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn