Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, không có vaccine và thuốc đặc trị. Đến nay, loại virus này đã xâm nhập vào 17 quốc gia và vùng lãnh thổ. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT, các chuyên gia trong nước, quốc tế chia sẻ với Báo Giao thông về biện pháp ứng phó của Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Xây dựng kế hoạch cụ thể về phòng chống dịch tả lợn châu Phi
Nếu để xảy ra dịch tả lợn châu Phi thì hậu quả khôn lường. Do đó, các ngành liên quan phải rà soát lại Đề án Phòng chống dịch bệnh từ này đến cuối năm, đặc biệt xây dựng chương trình, kế hoạch chi tiết, cụ thể về phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, Cục Thú y cần kịp thời hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương để giám định nhanh các dịch bệnh trong chăn nuôi để có kết luận sớm nhất; tăng cường hợp tác chặt chẽ, liên tục có thông tin, kinh nghiệm của các nước để có biện pháp phòng chống dịch bệnh kịp thời. Bên cạnh đó, tăng cường theo dõi, giám sát lâm sàng đối với các đàn lợn; kịp thời phát hiện, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với lợn bị bệnh, nghi bị bệnh. Tuân thủ các quy định về quản lý vận chuyển, kiểm dịch vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường
Ngoài ra, tăng cường năng lực chẩn đoán xét nghiệm, điều tra và ứng phó dịch bệnh của các cơ quan chuyên môn. Trong trường hợp phát hiện, cần phải xử lý triệt để ổ dịch ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan; tiêu hủy đàn lợn nhiễm bệnh và các đàn lợn xung quanh có nguy cơ nhiễm bệnh; khoanh vùng dịch, vùng đệm; cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn, kể cả các sản phẩm đã qua chế biến chín ra khỏi vùng dịch; hỗ trợ tài chính cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy.
Ngay sau đây cần phát động phong trào tất cả địa phương tham gia tổng vệ sinh môi trường chăn nuôi trong 1 tháng. Trong chiến dịch này cần tập trung khử trùng tiêu độc tại các địa điểm nhạy cảm như chuồng trại chăn nuôi, chợ, điểm giết mổ... bằng vôi bột. Đây là phương pháp vừa hiệu quả vừa rẻ tiền lại không gây ra tác dụng phụ. Chỗ nào mật độ chăn nuôi đông thì cơ quan chức năng có thể khử khuẩn bằng hóa chất chuyên ngành.
Ông Ken Inui, Trung tâm Khẩn cấp kiểm soát bệnh động vật lây truyền qua biên giới (thuộc FAO): Lợn đã nhiễm bệnh nên tiêu hủy, không điều trị
Khác với bệnh cúm hay lợn tai xanh, virus dịch tả heo châu Phi không tự ý lây lan phát tán mà do yếu tố của con người tác động thông qua việc vận chuyển lợn và các sản phẩm bệnh, nghi mắc bệnh. Đáng chú ý, loại virus này có thể tồn tại thời gian dài trong điều kiện khắc nghiệt. Điển hình như Tây Ban Nha phải mất 35 năm mới đẩy lùi được căn bệnh này.
Bệnh tập trung nhiều ở heo trên 12 tuần tuổi, tất cả các lứa tuổi khác cũng có nguy cơ nhiễm bệnh. Hiện, chưa có vaccine và thuốc điều trị loại virus này. Khi lợn đã mắc bệnh, xác suất chết gần như 100%. Do vậy, trong trường hợp phát hiện lợn mắc bệnh, không nên điều trị mà cần tiêu hủy ngay, xử lý triệt để ổ dịch trong vòng bán kính 3,5km. Để phòng ngừa dịch bệnh, người chăn nuôi không dùng thức ăn thừa cho đàn lợn, không sử dụng kim tiêm để tiêm cho cả đàn lợn bởi đây là đường lây lan rất lớn. Cần thực hiện biện pháp cách ly, tiêu độc khử trùng, đặc biệt phải thực hiện chăn nuôi theo tiêu chuẩn an toàn sinh học.
GS. TS. Đậu Ngọc Hào, Chủ tịch Hội Thú y Việt Nam: Kiểm soát chặt con người, phương tiện từ vùng dịch
Bệnh dịch tả lợn châu Phi, triệu trứng bệnh lý giống với dịch tả lợn cổ điển nhưng mức nguy hiểm của 2 loại virus hoàn toàn khác nhau. Không phải không có vaccine mà thực tế vaccine đã được chế tạo nhưng không có hiệu quả. Đây chính là khó khăn trong việc phòng ngừa loại dịch bệnh này.
GS. TS. Đậu Ngọc Hào
Hiện, Trung Quốc đã xuất hiện ổ dịch và có xu hướng lan về các tỉnh gần biên giới Việt Nam. Vì vậy, chúng ta phải có biện pháp phòng bệnh từ xa. Ở địa bàn biên giới giáp Trung Quốc, lực lượng hải quan, thú y, biên phòng cần phối hợp chặt chẽ để ngăn chặn nhập lậu thịt lợn, sản phẩm từ thịt lợn, khi bắt được các lô hàng lập tức phải tiêu hủy ngay.
Hơn nữa, cơ chế lây lan của vius dịch tả châu Phi chủ yếu qua người và phương tiện vận chuyển. Do vậy, tất cả phương tiện dù không mang lợn và các sản phẩm từ lợn song nếu xuất phát từ vùng có dịch cũng phải kiểm soát, khử trùng tiêu độc.
Ông Lý Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn: Chốt chặn 24/24h lối mở gần biên giới
Những năm qua, Lạng Sơn là địa bàn trọng điểm ngăn chặn dịch nguy hiểm từ Trung Quốc, đặc biệt là dịch cúm gia cầm H7N9 và đến nay đã thành công. Do đó, tỉnh sẽ phát huy những kinh nghiệm, kết quả làm được.
Từ đầu năm đến nay, chưa có doanh nghiệp, cá nhân nào làm thủ tục nhập khẩu lợn và sản phẩm từ lợn đi qua cửa khẩu tại Lạng Sơn. Thời gian tới, Lạng Sơn sẽ tăng cường kiểm soát vận chuyển hàng hóa qua đường mòn lối mở và cửa khẩu, tổ chức điểm chốt chặn 24/24h qua các lối mở.
Ông Lý Quang Vinh
Qua các cửa khẩu chính, tỉnh tăng cường kiểm soát cả người lẫn hàng hóa, phòng tình trạng giấu sản phẩm động vật trong hàng hóa khác; tổ chức đoàn kiểm tra tại địa bàn trọng điểm tuyến biên giới, nhất là đường mòn lối mở... Sang tuần tỉnh sẽ ban hành kế hoạch phòng chống dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn.
Ông Đỗ Ngọc Cảnh, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389: Lợn Trung Quốc đổ về Việt Nam không phải vì lợi nhuận
Quan sát thị trường Trung Quốc cho thấy, kể từ khi có dịch tả lợn châu Phi, giá thịt lợn tại nước này đã tăng lên. Hiện mức giá trung bình đang khoảng 49 nghìn đồng/kg lợn hơi. Trong khi đó, tại Việt Nam, giá lợn hơi đang xê dịch từ 52-53 nghìn đồng/kg.
Ông Đỗ Ngọc Cảnh
Như vậy, rõ ràng về mặt giá không có sự chênh lệch lớn song tại sao thời điểm này lợn Trung Quốc vẫn được nhập vào Việt Nam? Vấn đề đặt ra ở đây có một áp lực chứ không phải vì lợi nhuận buôn bán. Đây cũng chính là mối nguy dẫn tới virus dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào Việt Nam. Thiết nghĩ, trong việc phòng ngừa dịch bệnh, Bộ NN&PTNT đóng vai trò đầu mối và rất cần sự vào cuộc đồng bộ từ bộ ngành khác như: Biên phòng, hải quan, quản lý thị trường…
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn