Clip BS Phương chia sẻ về thời khắc mình nghe được âm thanh sau một thời gian bị điếc.
Bác sĩ Hoàng Thị Phương (SN 1988) đang công tác tại BV Trung ương quân đội 108 có lẽ chẳng bao giờ nghĩ rằng, bản thân là một bác chuyên khoa tai mũi họng lại có ngày mắc phải căn bệnh điếc đột ngột do biến chứng của bệnh quai bị.
Chia sẻ với chúng tôi, BS Phương vẫn bàng hoàng khi nhắc tới căn bệnh bản thân mình mắc phải. Căn bệnh diễn biến quá nhanh, đến ngay một bác sĩ như chị cũng không thể lường trước được.
BS Phương vẫn bàng hoàng khi kể lại giai đoạn mình mắc bệnh.
“Bệnh tật không chừa một ai, nhưng tôi không thể nghĩ rằng mình lại mắc căn bệnh mà hàng ngày vẫn tư vấn, điều trị cho những bệnh nhân khác. Đúng là sinh nghề tử nghiệp”, BS Phương chia sẻ.
Cách đây 2 năm, BS Phương không may bị lây quai bị từ bệnh nhân trong quá trình chữa bệnh. Sau khi mắc bệnh 2 ngày, bỗng nhiên BS Phương thấy thính lực mình có vấn đề.
“Bệnh đến nhanh như một cơn gió. Chỉ sau 2 ngày tôi mất thính lực hoàn toàn cả 2 tai. Khi đó, dù lãnh đạo khoa, lãnh đạo bệnh viện dành mọi sự quan tâm đối với tôi nhưng thính lực vẫn không thể phục hồi”, BS Phương nhớ lại.
Trước khi mắc bệnh, BS Phương (áo xanh đứng giữa) từng là cây văn nghệ số 1 tại BV 108.
Từ một bác sĩ, chỉ trong vài ngày lại trở thành bệnh nhân. Không chỉ có vậy, BS Phương còn là một bệnh nhân “không thuốc chữa”. “Đó thật sự là cú sốc rất lớn đối với cuộc đời tôi. Tôi nghĩ rằng mình đã mất tất cả, tương lai và mọi dự định chẳng còn gì”, BS Phương nói.
Thời điểm BS Phương bị điếc hoàn toàn 2 tai, lúc đó con gái chị chưa tròn 10 tháng tuổi. Một người mẹ yêu thương con hết mực, nay lại chẳng thể nghe tiếng con khóc, con cười. BS Phương chia sẻ, lúc đó chị như bất lực hoàn toàn, chị sống thu mình với tất cả mọi người, thậm chí đôi lúc những suy nghĩ tiêu cực đã lóe lên trong đầu chị.
“Khi đó, tôi giao tiếp với mọi người trong gia đình bằng cách viết ra giấy, hoặc nói qua một thiết bị có thể chuyển giọng nói qua văn bản. Tai điếc, giọng nói của tôi cũng không thanh thoát được như trước, tôi thấy mọi thứ với mình méo mó hết cả”, BS Phương tâm sự.
BS Phương từng có những suy nghĩ tiêu cực khi không thể nghe thấy âm thanh.
Không chịu đầu hàng số phận, khi con gái BS Phương bắt đầu bi bô tập nói, chị khao khát được nghe tiếng con gọi mẹ đầu đời của con. “Thời điểm đó, cứ nhìn thấy con, nghĩ về con là tôi lại khóc, tôi nghĩ rằng mình phải làm gì đó để nghe được tiếng con nói và tôi quyết định sẽ đi cấy ốc tai điện tử”, BS Phương chia sẻ.
Được sự giúp đỡ từ chính các đồng nghiệp của mình, tháng 10/2016 BS Phương đã được cấy ốc tai điện tử bên tai phải, sau đó 1 năm chiếc ốc tai điện tử còn lại được cấy vào bên tai trái.
Khi cấy xong, BS Phương chưa thể nghe được ngay mà bác sĩ phải học nghe như một đứa trẻ học từ âm thanh đầu tiên đến khi nghe rõ, định hình được âm thanh.
Nhớ lại giây phút nghe được tiếng con gọi mẹ, BS Phương nghẹn ngào rơi nước mắt.
“Tôi vẫn nhớ thời điểm khi bắt đầu có dấu hiệu âm thanh đầu tiên, tôi mừng đến phát khóc. Về đến nhà, tôi nghe tiếng con bi bô tập nói. Quả thật, tôi không thể diễn tả được cảm xúc lúc đó, chỉ biết ôm con vào lòng và khóc. Vậy là, cuộc đời tôi đã bước sang trang một mới”, BS Phương nghẹn ngào rơi nước mắt khi nhớ về thời khắc lịch sử của đời mình.
Cuối cùng, chia sẻ về chặng đường sắp tới, BS Phương cho rằng, việc từ một bác sĩ trở thành bệnh nhân là điều rất đặc biệt trong cuộc đời. Điều đó khiến nữ bác sĩ này có thể hiểu hơn với những nỗi khổ mà người bệnh bị mất thính lực phải chịu đựng.
“Với những gì mình trải qua, tôi đã xác định lại mục tiêu trong cuộc sống của mình. Thành công không phải là điều quan trọng, mà hạnh phúc trong cuộc sống của mình và việc mình làm được gì cho bệnh nhân, cho cuộc sống của mình mới là điều quan trọng nhất”, BS Phương giãi bày.
Ths. BS Nguyễn Minh Ngọc – Phó Chủ nhiệm khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, trường hợp bệnh nhân mắc quai bị biến chứng mất thính lực chỉ chiếm 1/10.000. Tuy nhiên, việc bệnh tiến triển nhanh như của BS Phương không phải là nhiều. BS Nguyễn Minh Ngọc chia sẻ về ca cấy ốc tai điện tử cho BS Phương. Đối với việc cấy ốc tai điện tử, BS Phương là trường hợp đầu tiên được thực hiện tại BV 108. Kể từ ca đầu tiên đó, đến nay bệnh viện đã thực hiện phương pháp này cho hơn 20 bệnh nhân, giúp họ có thể nghe được âm thanh và cuộc sống bên ngoài. Được biết, mỗi ca thực hiện cấy ốc tai điện tử sẽ đòi hỏi kinh phí khá nhiều (ít nhất 500 triệu). Tuy nhiên, tuổi thọ có thể kéo dài tới 70 năm, tức một vòng đời con người. |
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn