Tiểu đường, béo phì không tùy tiện ăn bánh trung thu
Tết trung thu đang đến rất gần, trên thị trường cũng xuất hiện nhiều loại bánh trung thu khác nhau được bày bán. Ngoài những loại bánh của những thương hiệu nổi tiếng, cũng xuất hiện những loại bánh nhập khẩu, thậm chí là bánh tự làm được bán trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, một điểm chung của các loại bánh trung thu đó là đều có vị rất ngọt. Điều này khiến không ít người bị các bệnh mãn tính như tiểu đường, béo phì… cảm thấy tiếc nuối, không dám sử dụng những loại bánh này vì sợ bệnh càng trầm trọng hơn.
Bánh trung thu là đồ ăn không thể thiếu trên mâm cỗ trong tết trung thu của mỗi gia đình.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, Ths.BS Dzoãn Thị Tường Vi – Viện phó Viện Dinh dưỡng lâm sàng cho rằng, những lo ngại như 2 trường hợp trên là hoàn toàn có lý. Bởi khi mắc tiểu đường, béo phì các bác sĩ sẽ khuyến cáo không nên ăn nhiều đồ ngọt.
“Bánh trung thu thường rất ngọt và đa số được sử dụng đường Saccarose để sản xuất, vì thế người tiểu đường hay thừa cân béo phì nếu sử dụng loại bánh trung thu này sẽ không tốt.
Vì khi sử dụng đường huyết sẽ tăng lên, điều này rất nguy hiểm với sức khỏe, đặc biệt là làm tăng nguy cơ xảy ra biến chứng với những người đang mắc bệnh”, BS Vi chia sẻ.
BS Tường Vi chia sẻ về vấn đề sử dụng bánh trung thu hợp lý cho người tiểu đường.
Chọn bánh phù hợp và ăn đúng cách
BS Tường Vi cũng cho rằng, nếu biết cách lựa chọn bánh phù hợp, ăn bánh đúng cách thì những người bị béo phì, tiểu đường, ăn kiêng vẫn hoàn toàn sử dụng được bánh trung thu.
Theo phân tích của vị chuyên gia này, hiện nay một số hãng sản xuất bánh trung thu lớn như Hữu Nghị, Kinh Đô… đã sản xuất một số loại bánh dành cho người ăn kiêng. Loại bánh này được sản xuất từ đường không năng lượng, vì thế dù là mắc bệnh tiểu đường vẫn có thể ăn được bánh trung thu.
Những người bị béo phì, tiểu đường nên chọn cho mình bánh trung thu phù hợp.
“Đường không năng lượng là sản phẩm tự nhiên được chế biến hoàn toàn từ củ cải đường, có năng lượng rất thấp (chỉ 2kcalo/gram), độ ngọt của nó chỉ bằng 1/2 so với loại đường mà chúng ta sử dụng hàng ngày. Vì thế, những người tiểu đường, béo phì, ăn kiêng có thể lựa chọn loại bánh này”, BS Tường Vi nói.
Dù được sản xuất từ đường không năng lượng, nhưng BS Vi vẫn khuyến cáo, những người mắc các bệnh như đã kể trên vẫn cần phải ăn có điều độ.
“Bản chất bánh trung thu vẫn sử dụng nhiều tinh bột, mà tinh bột thì có chỉ số đường huyết rất cao. Như vậy có hàm lượng cacbohydrat nhất định, vì thế chỉ nên sử dụng ở mức độ vừa phải, chứ không nên lạm dụng”, BS Tường Vi cảnh báo.
Đồng thời, BS Vi cũng khuyên, khi ăn bánh trung thu mỗi người chỉ ăn 1/4 hoặc 1/8 chiếc bánh và nên ăn vào buổi sáng hoặc buổi chiều vì sau đó, qua quá trình vận động sẽ làm tiêu hao năng lượng.
“Nếu ăn vào buổi tối, năng lượng nạp quá nhiều. Trong khi cơ thể ít hoạt động, như vậy ngay cả người bình thường cũng sẽ không tốt, chứ chưa nói đến những người đang có bệnh mãn tính”, BS Vi khuyên.
Cuối cùng, BS Vi cho rằng, dù là bánh trung thu gì, khi chọn mua sản phẩm cũng nên để ý mẫu mã, thương hiệu để tránh mua phải hàng kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn