Sau khi đăng loạt bài “Xin đi Mỹ điều trị, BV gây khó dễ khiến bệnh nhân tử vong”, tòa soạn đã nhận được nhiều phản hồi của độc giả, trong đó có không ít những ý kiến của các nhà chuyên môn. Chúng tôi xin trích đăng bài viết của BS Phạm Đình Tuần (BV Đa khoa Nông nghiệp).
Câu chuyện lá đơn tố cáo BV Chợ Rẫy của mẹ bệnh nhân Nguyễn Duy Hưng về cái chết nhanh chóng của con mình cụ thể ra sao cần có các cơ quan chức năng làm rõ.
Trước hết tôi xin chia buồn sâu sắc về sự mất mát to lớn của chị và tuyệt đối không suy nghĩ, hay có lời nói bao biện với việc làm sai. Nhưng thực tế không ít câu từ của chị ấy trong lúc đau buồn tột cùng vì mất người con trai yêu dấu vô bờ nên cũng có nói quá như: "truyền 1 chai muối loãng giá 11.000 đồng, luồn 1 cái ống to đùng vào phổi, cắm vào mũi con tôi sợi dây khí ô xy mỏng manh, cái máy chụp CT thời Bảo Đại cởi truồng tắm mưa"...
Rồi chị ấy cũng không hiểu chuyên môn khi cho rằng bệnh cậu con trai cần "chọc hút tụy". Chị đang sống ở nước Mỹ nên nhìn bệnh viện Việt Nam đúng là còn nhiều thứ thua rất xa, nên chị thiếu thiện cảm.
Nhưng chị nghĩ có thể đưa con kịp sang Mỹ chữa trị thì cũng nên biết rằng, nước xa khó có cứu được lửa gần.
Thực tế tỷ lệ tai biến y khoa vẫn tồn tại ngay cả ở những quốc gia giàu có, với có nền y học phát triển rất cao. Ở Canada thậm chí tỷ lệ này được báo cáo lên đến 16,6% .
Bất cứ xã hội nào mà không riêng gì ở ta, việc kiện tụng liên quan đến tai biến y khoa, tố cáo vi phạm y đức, quy chế này nọ là điều khó tránh khỏi.
Ngay sau khi nhận được thông tin, BV Chợ Rẫy đã tiến hành họp và có buổi họp báo công khai bác bỏ những cáo buộc mà mẹ bệnh nhân đưa ra
Nguyên nhân là vì khi sự cố xảy ra người ta thường đổ lỗi cho cá nhân cán bộ y tế mà không nghĩ rằng có những sự cố bất khả kháng, ngay cả những nước có nền y học tiên tiến cũng không tránh khỏi. Đặc biệt, những sự cố đe dọa tính mạng người bệnh thường xảy ra ở khoa hồi sức cấp cứu, tim mạch, sọ não....
Khi một người phải vào bệnh viện nhất là khi phải vào phòng mổ hay hồi sức cấp cứu bao giờ cũng là nỗi lo lắng cuộc cả gia đình và bạn bè chờ đợi bên ngoài.
Nhưng trước những ca bệnh phức tạp cũng là sự trăn trở của mỗi người thầy thuốc, bởi điều họ luôn suy nghĩ, đây là công việc thiêng liêng. Bất cứ bác sỹ nào cũng mong muốn đưa ra giải pháp xử lý tốt nhất để cứu chữa cho người bệnh vì đấy là sự sống, mà sự sống thì không có gì quý giá bằng. Nhưng thực tế bất cứ một bác sỹ nào, dù họ có giỏi đến mấy thì cũng không thể khẳng định 100% các ca bệnh được thành công.
Điều này cũng giống như không ai nói tài khi cầm vô lăng vậy, bởi mỗi ngày vẫn có hàng trăm vụ tai nạn xảy ra. Tuy nhiên không bác sỹ nào muốn sự cố y khoa xảy ra vì thành công mỗi ca bệnh nặng chính là niềm vui mà người thầy thuốc luôn mong đợi.
Ở những quốc gia có nền y học rất cao, quy trình khám chữa bệnh rất chặt chẽ nhưng họ cũng khó tránh khỏi các sự cố y khoa xảy ra. Trước khi làm phẫu thuật hay xử lý bất kỳ thủ thuật can thiệp y khoa nào người bác sỹ đều hội chẩn chuyên môn, tuân thủ đúng chỉ định chặt chẽ và luôn giải thích cặn kẽ mục đích và những tai biến có thể xảy ra.
Hầu hết những thầy thuốc khi đang hành nghề luôn luôn muốn cho người bệnh của mình nhanh khỏi bệnh, muốn người bệnh của mình được cứu chữa. Nhất là trước những ca bệnh khó và diễn biến phức tạp hay những ca bệnh thập tử nhất sinh, điều đó sẽ mang lại hạnh phúc rất lớn cho người thầy thuốc. Tuy nhiên có những sự cố y khoa xảy ra ngoài khả năng kiểm soát của người thầy thuốc và của cả kíp làm việc. Có những khi phải đứng trước trường hợp cấp bách, lương tâm của người thầy thuốc khiến họ không chần chừ đương đầu với những rủi ro có thể xảy ra với mình để cứu người bệnh. Trong trường hợp người bệnh qua khỏi thì rất tuyệt vời vì bình thường chỉ có vài % cơ hội, nhưng ngược lại không thành công mà người nhà không hiểu và không thông cảm thì đó là vấn đề rắc rối.
Trong câu chuyện buồn này, tôi chưa có thông tin chắc chắn về đúng sai và phán quyết của cơ quan chức năng sẽ như thế nào.
Nhưng tôi có một lưu ý, căn bệnh viêm tụy cấp hoại tử xuất huyết là rất nặng, diễn biến nhanh chóng, phức tạp và tỷ lệ tử vọng cao. Nó gây ra tình trạng sốc nhiễm khuẩn do cơ thể bị nhiễm trùng nặng, sốc do chính men tụy tăng rất cao, gây viêm phúc mạc, xuất huyết, suy đa phủ tạng...
Hầu hết các ca bệnh còn không thể kịp chuyển bệnh nhân lên tuyến cao nhất vì rất dễ tử vong trên đường vận chuyển.
Bệnh viện mạnh như Chợ Rẫy ở nước ta đếm trên đầu ngón tay mà cũng chịu áp lực phải điêu đứng vì dư luận. Vậy những bác sỹ các ở bệnh viện thấp hơn trong điều kiện đất nước còn khó khăn sẽ phải lo lắng như thế nào trong quá trình hành nghề?.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn