Theo lời kể của chị N.T.N.A (27 tuổi, quê Phú Yên), trước nhập viện khoảng 5 tháng, bé C.M.Đ (11 tháng tuổi, con chị A) bắt đầu xuất hiện tình trạng ọc sữa, khò khè, nhiều khi sốt cao suốt vài ngày không dứt. “Tôi đưa bé đi khám ở nhiều bệnh viện nhưng không khỏi. Bệnh viện nào cũng nói bé bị viêm phế quản, viêm phổi. Khi con sốt cao suốt 7 ngày liên tục, tôi liền đưa bé đến BV Nhi đồng 1 TPHCM để thăm khám”, chị A nói.
Theo bác sĩ Nguyễn Thế Huy – Phó khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM – bé Đ. được đưa đến bệnh viện trong tình trạng sốt cao, khò khè, bị sặc khi uống nước, không đau ngực, cổ, X-Quang ngực, nội soi thực quản, khí quản không thấy dị vật. Tuy nhiên, khi tiếp tục chụp CT ngực cho bé, các BS thấy khí quản bé bị tổn thương dạng túi thành dày đoạn cổ, ngực thông với thành bên khí quản, phim chụp ghi nhận một vật thể lạ dính chặt, xơ hóa ở cả thực quản, khí quản.
“Tình trạng bé lúc ấy đã bị nhiễm trùng, phần vật thể lạ nghi dị vật chèn ép khiến khí quản bị hẹp, thực quản và khí quản có một lỗ thủng cách thanh môn 1cm gây rò khí. Các BS đã hội chẩn và đi đến quyết định chia làm hai ê-kíp bác sĩ xử lý khâu vá khí quản và thực quản để xử lý bệnh cho bé.”, ThS BS Đào Trung Hiếu, Giám đốc BV Nhi đồng 1 TPHCM nói.
Ngày 11/3, ê-kíp đầu tiên đã tiến hành bóc tách khối viêm nhiễm, tách mô bám ở khí quản, khâu vá lỗ thủng khoảng 3cm, làm sạch vết thương cho bệnh nhi. Các BS cho biết bên trong vật thể là một mảnh nhựa nằm ngay giữa khoảng trống giữa khí quản và thực quản của bé Đ.
Ê-kip còn lại tiếp tục xử lý bóc tách mô bám xung quanh thực quản của bé, phát hiện toàn bộ mặt trước thực quản bị rách toạc, miếng nhựa quá nhiều góc cạnh khiến vết thương phức tạp. Sau khi xử lý lấy được dị vật ra ngoài, các bác sĩ quyết định khâu, tạo hình lại thực quản, tạo một vách ngăn giữa thực quản, khí quản cho bé Đ. Ca mổ diễn ra trong vòng 7 giờ và đã thành công, hiện sức khỏe bé đã hồi phục tốt.
Theo các BS, nguyên nhân tình trạng tổn thương nghiêm trọng thực quản của bé Đ có thể do lúc bé chơi đồ chơi, một mảnh nhựa bị bể rồi trôi vào thực quản mà người nhà không biết. Miếng nhựa có nhiều góc cạnh nên bị vướng lại gây nhiễm trùng, tổn thương thực quản. “Bên cạnh đó, do không có biểu hiện lâm sàng của hóc dị vật, chụp phim không thấy dị vật, kèm theo người nhà không biết bé có từng bị hóc dị vật hay không nên bác sĩ không thể tìm ra bênh trong suốt thời gian dài”, BS Hiếu nói.
Hình ảnh miếng nhựa đồ chơi lấy ra từ phế quản bé trai.
Nói về những biểu hiện khi hóc dị vật, các BS cho rằng khi trẻ hóc dị vật thường có triệu chứng tại chỗ như ho sặc sụa, nôn ói, đau cổ, tức ngực, tái tím,… Tuy nhiên, có trường hợp trẻ không có biểu hiện gì.
Hiện sức khỏe bé đã ổn định.
Tuy nhiên, nếu trẻ thường xuyên cảm thấy vướng, khó nuốt khi ăn, chảy nước bọt, đau, nôn ói. Nếu không được phát hiện, trong một thời gian trẻ sẽ bị sụt cân, sốt, viêm phổi, áp xe trung thất, xuyết huyết tiêu hóa, thủng thực quản, phụ huynh cần nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế để có biện pháp xử lí kịp thời.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn