Ung thư dạ dày hiện đang xếp thứ 2 trong số các căn bệnh ung thư tại Việt Nam (đứng sau ung thư gan), đa số những người mắc căn bệnh này đều được phát hiện ở giai đoạn muộn nên tỷ lệ tử vong ở những người mắc bệnh khá cao.
Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến mắc ung thư dạ dày, PGS.TS Đoàn Hữu Nghị - Chuyên gia ung bướu, nguyên giám đốc Bệnh viện E Trung ương cho biết, nhiễm vi khuẩn, thói quen trong ăn uống, sinh hoạt... là những nguyên nhân và là yếu tố tác động thúc đẩy ung thư dạ dày phát triển.
Nguyên nhân đầu tiên PGS Nghị đề cập đến đó chính là việc nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori). Theo vị chuyên gia này, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người nhiễm vi khuẩn HP cao hơn so với những vùng khác trên thế giới với khoảng 40-59% số người nhiễm. Còn đối với những người trên 50 tuổi, tỷ lệ nhiễm loại vi khuẩn này có thể lên tới 70-80%.
Vi khuẩn HP lây qua đường ăn uống, thậm chí là cả việc ăn chung bát nước chấm.
“Chúng ta cần phải hiểu rằng, không phải ai mắc vi khuẩn HP đều mắc bệnh ung thư dạ dày. Qua các nghiên cứu hiện có khoảng 200 loại vi khuẩn HP khác nhau. Tuy nhiên, chỉ có một số loại mang gen CagA có động lực cao mới làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư”, PGS Nghị cho hay.
Vi khuẩn HP có thể lây qua đường ăn uống vì thế một số thói quen trong ăn uống hàng ngày của người Việt như chấm chung bát nước chấm, ăn rau sống cũng làm tăng nguy cơ nhiễm loại vi khuẩn này.
“Việc cả gia đình chấm chung bát nước mắm hoàn toàn có thể làm lây vi khuẩn HP từ người này sang người khác. Hơn nữa vi khuẩn HP có cả trong phân, mà người Việt thường sử dụng chất thải để chăm bón rau, nhất là rau sống... Bởi vậy, khi ăn rau sống cũng có nguy cơ nhiễm loại vi khuẩn này”, PGS Nghị chia sẻ.
Ngoài vi khuẩn HP gây ung thư dạ dày thì một số loại loại thực phẩm có hàm lượng nitrite cao như dưa muối, cà muối, các loại thịt ướp, cá ướp... nếu sử dụng nhiều cũng là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư dạ dày.
Theo các chuyên gia, bản thân nitrite không dẫn đến ung thư, nhưng khi xâm nhập vào cơ thể nó sẽ liên kết với chất phân giải protein trong dạ dày, hình thành một chất gây ung thư là nitrosamine.
Các loại đồ muối ướp cũng có khả năng gây ung thư.
Tuy nhiên, PGS Nghị cũng cho rằng điều đó chỉ xảy ra khi mọi người ăn quá nhiều đồ ướp muối trong thời gian dài hoặc sử dụng không đúng cách. Ví dụ như các loại dưa muối, cà muối nếu sử dụng khi chưa chín vàng hoặc bị khú thì khả năng làm tăng nguy cơ ung thư cao hơn.
Ngoài các vấn đề trên, việc nhiều người có thói quen thức khuya, căng thẳng (stress), hút thuốc lá, uống rượu bia cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày.
Để phòng căn bệnh này, PGS Nghị cho rằng mọi người nên đi khám sức khỏe định kỳ để các bác sĩ kiểm tra, từ đó có hướng điều trị thích hợp. Ngoài ra, trong cuộc sống hàng ngày cần phải có chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, hợp lý để tránh nguy cơ lây bệnh. Hạn chế ăn các loại đồ ăn nhanh, nhất là các đồ ướp muối như thịt hun khói, cá muối, dưa muối...
Khi đã phát hiện mắc bệnh ung thư dạ dày phải tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Theo đó, qua thăm khám các bác sĩ sẽ có những chỉ định điều trị hợp lý với từng bệnh nhân. Với ung thư dạ dày thường sẽ có chỉ định cắt dạ dày tùy vào tổn thương gây ra, nếu ung thư đã xâm lấn có thể kết hợp hóa trị, xạ trị.
“Người dân tuyệt đối không nên điều trị theo các bài thuốc truyền tai, như vậy sẽ bỏ mất thời gian vàng khi điều trị. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ nghiên cứu nào chi ra rằng các bài thuốc nam có thể điều trị khỏi được ung thư”, PGS Nghị nói.
Mời quý độc giả đón đọc kỳ cuối của tuyến bài Ung thư dạ dày vào 9h sáng ngày 23/3 trên chuyên mục Sức khỏe.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn