Thế giới hiện đang phải đối mặt với một đợt bùng phát lạm phát toàn diện khi giá thực phẩm và năng lượng tăng cao ở châu Á, trái ngược hoàn toàn với tình hình vài tháng trước khi các chuyên gia cho rằng khu vực này có thể tránh khỏi cơn sốt giá đang bao trùm Hoa Kỳ và châu Âu.
Chỉ số lạm phát trong toàn khu vực - Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Hàn Quốc - gần đây đã tăng hơn dự báo, trong khi New Zealand tăng lãi suất cao nhất trong 22 năm do lo ngại về giá cả. Và chi phí sản xuất tăng nhanh cho thấy điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra.
Ngân hàng Phát triển Châu Á cho biết vào đầu tháng này, giá hàng hóa tăng cao đã đẩy lạm phát ở châu Á tăng thêm 1 điểm phần trăm lên 3,7% trong năm nay. Mặc dù mức đó tương đối thấp so với Hoa Kỳ, nhưng nó đang buộc các nhà hoạch định chính sách chuyển trọng tâm và gây ảnh hưởng nặng nề đến một số nhà đầu tư.
Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới, đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn về lương thực và năng lượng. Tại quầy bán rau củ tại khu chợ ở ngoại ô Mumbai, người ta có thể thấy vấn đề lạm phát ngay trong túi nhựa đựng rau mà người bán vừa đóng gói cho một khách hàng: Anh ta tính phí 450 rupee, tương đương gần 6 USD (137.000 VND), cao hơn khoảng 80% so với một vài vài tuần trước.
Dữ liệu của chính phủ Ấn Độ cho thấy các mặt hàng bán lẻ đã tăng lên 6,95% trong tháng 3, báo hiệu tương lai giá cả thị trường thực phẩm cũng leo thang. Lạm phát đo bằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cho ra 6,07% trong tháng 2 và nhiều chuyên gia dự đoán con số này đã tăng lên 6,35% trong tháng 3 vừa rồi.
Giá rau củ tăng hơn 11,64%, giá thịt và cá tăng 9,63% so với tháng 2. Nhiều nơi còn báo cáo về tình trạng giá chanh tăng vượt mức. Riêng tại thủ đô Ấn Độ, giá chanh được bán từ 300 - 350 rupee/kg (90.000 - 100.000 VNĐ/kg) và giá bán buôn ở Gujarat thì rơi vào khoảng 300 rupee/kg (90.000 VNĐ/kg).
“Tôi hoàn toàn bất lực,” một người dân Ấn Độ bày tỏ khi nói đến chi phí “không thể tin được” của một bình gas nấu ăn, đã tăng gần 30% lên 960 rupee.
Không chỉ các loại thực phẩm và đồ uống mà phân khúc nhiên liệu và ánh sáng đều tăng 7,52%; quần áo và giày dép tăng 9,40%; phân khúc nhà ở tăng 3,38% và ngay cả nồi chảo, thuốc lá, đồ uống có cồn cũng tăng 2,98%.
Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, Shaktikanta Das, trong bài phát biểu của mình nói rằng, với sự biến động quá mức của giá dầu thô toàn cầu kể từ cuối tháng 2 cùng sự không chắc chắn về những căng thẳng địa chính trị đang gia tăng, bất kỳ dự báo nào về tăng trưởng và lạm phát đều tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là xăng dầu trong tương lai và diễn biến của giá cả hàng hóa.
Không giống như cách một số ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng này, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ quyết định giữ nguyên lãi suất ổn định ngay cả khi lạm phát vượt quá mức và không có dấu hiệu giảm bớt trong tương lai gần.
Nguồn: http://danviet.vn/quoc-gia-giau-manh-cua-chau-a-cung-khung-hoang-dan-di-cho-khong-dam-m...
Tin tức 24h
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn