Từ ngày còn bé, Mạc Mai Sương đã luôn biết mình sẽ làm nhạc. Không chỉ nhạc, cô còn muốn hát, muốn nhảy múa, thích cả làm phim. Sương lớn lên cùng tình yêu nghệ thuật, phát triển tự do như loài cỏ dại.
Sương bắt đầu tập tành viết nhạc từ năm 15 tuổi. Năm đó, cô tự đăng ký thử giọng vào nhóm nhạc do Đại sứ quán Pháp bảo trợ, thường đi diễn vào thứ Bảy cuối cùng hàng tháng.
Mạc Mai Sương.
Lên đại học, Sương sang Pháp học làm phim, với suy nghĩ môn Nghệ thuật thứ 7 này có thể bao trùm luôn cả những đam mê khác như âm nhạc (Nghệ thuật thứ 2) hay nhảy múa (Vũ kịch - Nghệ thuật thứ 5). Nhưng chuyến đi không như Sương mong đợi, không có cảm giác rưng rưng xúc động như khi được quay trở về "mái nhà" thứ 2, không có cảm giác tự do như cá biển chim trời.
Sương của tuổi 18 mang trong mình cảm giác lạc lõng, với nhận thức rõ ràng rằng mình chỉ là người nhập cư, rằng mình đang rất cô đơn nơi xứ người. "Em thật sự đã không thích nổi lối sống này", cô hồi tưởng. Đúng giai đoạn ấy, bố của Sương lâm bệnh, việc học của cô vì thế càng khó có thể chu toàn.
Trong khoảng thời gian khó khăn đó, Sương rơi vào trầm cảm. Cô không còn hát được, đầu óc luôn quay cuồng trong những cơn bão mờ mịt về hiện tại, về tương lai, về sự bất an, cùng vô vàn câu hỏi không tên.
Những suy nghĩ rối rắm tối đen chất chồng cứ thế ùa ra bao trùm lấy tâm trí Sương: "Em đã chẳng biết mình sống để làm gì, chỉ ăn rồi ngủ, và cứ mãi loay hoay với những câu hỏi về ý nghĩa của sự sinh tồn. Nhưng cũng chính vì vậy mà em có thể thành thật với lòng mình. Em có thể nhìn được sâu trong lòng, tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi: Điều mình thực sự muốn làm nhất là gì?".
Và điều Sương muốn nhất chính là "âm nhạc". Cô quyết định từ bỏ thành phố hoa lệ ấy để quay về.
Dù bắt đầu viết nhạc từ rất sớm, nhưng Sương nhận thấy chỉ sau cú khủng hoảng đầu đời thì âm nhạc của mình mới dần có chiều sâu. Sương biết nhiều ngoại ngữ, cho rằng cái hay của việc có thể sử dụng nhiều thứ tiếng chính là có thể liên đới những tầng ý nghĩa của ngôn từ, của các nền văn hóa đa dạng với nhau, phần nào giúp cô rèn giũa tư duy của kẻ viết lời.
Cho đến giờ, Sương vẫn đang thử nghiệm nhiều thể loại âm nhạc, cũng chọn viết về đa dạng chủ đề. Cô viết về nỗi cô đơn, những niềm háo hức nhỏ bé, điểm chung nhất là chúng đều đem đến cảm giác nhẹ nhàng, chút vui vừa đủ, chút buồn vừa đủ, chút lãng đãng mơ màng cũng vừa đủ nốt.
Với Sương, âm nhạc không phải, và không thể chỉ là đam mê: "Là đam mê, thì chẳng cần ai công nhận. Người làm nghệ thuật có thể thỏa mãn đam mê bằng cách tạo ra những gì mình mong muốn, và thế là đủ. Nhưng em muốn biến nó thành nghề". Nói thẳng ra, Sương muốn âm nhạc của mình được đón nhận, có thể kiếm ra tiền để nuôi chính nó. "Tất nhiên là em vẫn muốn sáng tác những gì mình thích, sẽ rất tuyệt nếu công chúng có thể tiếp nhận và yêu thích nhạc của Sương. Em muốn làm nhạc một cách chân thành. Bởi em tin những điều chân thành sẽ có cách tự đi đến nơi cần đến, mà ta không phải cố quá nhiều".
Ngày mới quay về Hà Nội, Sương từng muốn đi xuyên Việt và viết nhạc, với niềm tin mình có thể dạy tiếng Pháp để kiếm tiền cho cả chuyến đi. Tuy dự định đã không thành, nhưng hiện tại cũng không mấy khác biệt. Sương vẫn đang làm rất nhiều việc để "nuôi âm nhạc" như dạy tiếng Pháp, làm host của các chương trình âm nhạc, đi show dọc đất nước. Nhưng bản thân Sương hiểu, nếu không toàn tâm toàn ý vào âm nhạc thì cũng không thể kiếm được tiền từ âm nhạc. Sương không thể "sống bằng nhạc" nếu vẫn tiếp tục lửng lơ.
Trong kế hoạch của mình, Sương sẽ dùng năm 2022 để hoàn tất những công việc bên lề còn dang dở, chuẩn bị cho album đầu tay ra mắt vào nửa cuối năm. Sau đó, Sương sẽ bỏ hết những công việc kia và hoàn toàn tập trung vào làm nhạc. "Nếu em vẫn còn giữ những công việc khác, thì cục diện sẽ là: bản thân kiếm sống bằng những công việc đó, còn 'làm nhạc' chỉ là để 'cho vui'. Em không muốn mình sẽ mãi làm nhạc kiểu như vậy".
Sương cho hay, trước hết cô muốn trở thành một nghệ sĩ solo toàn diện và đa tài, rồi sau đó sẽ là một nghệ sĩ đủ tầm để có thể dẫn dắt được lớp trẻ.
"Em nghĩ mình khá tham lam, và mọi thứ sẽ còn rất lâu mới có thể thành hình. Nhưng khi đã có một vị trí nhất định trên thị trường âm nhạc, em muốn lập hãng đĩa riêng của Mạc Mai Sương, rồi mở công ty phát triển tài năng, ứng dụng những mô hình đào tạo mới và phù hợp nhất với thế hệ trẻ. Có những người có thể làm nhạc được rất tốt, và có những người có thể thể hiện một cách hoàn hảo những bài hát đưa cho mình. Quan trọng là họ cần một nơi có thể hướng dẫn để phát triển khả năng theo đúng hướng".
Có lẽ, khi nghĩ về thời điểm bắt đầu của bản thân, lúc hành trang làm nhạc chỉ có tình yêu nghệ thuật, không người chỉ dẫn, chỉ hát một cách bản năng và tự nhiên như hơi thở, Sương đã hình thành mong muốn bản thân trở thành người có thể đem đến những lời giải đáp cho thế hệ nghệ sĩ trẻ sau này.
Thành tựu lớn nhất bây giờ là yêu được giọng của chính mình
Từng đề cập đến điều này trong một vài bài phỏng vấn, Sương đã có thời điểm không thích giọng hát của bản thân. "Em từng có một 'mối quan hệ yêu ghét' với giọng của mình. Mà trước đây, bố cũng từng nói giọng em không đủ đặc biệt để làm ca sĩ".
Thế nhưng, với quyết tâm không thể dập tắt, cô gái nhỏ đã viết cho bố mình 1 bức thư: "Giọng con có thể không đặc biệt, giọng con không bao giờ có thể như giọng của Céline Dion, nhưng giọng con là giọng của Sương". Sẽ không có một giọng của Sương thứ 2 nào trên đời, nội điều đó thôi đã làm cho giọng hát này trở thành đặc biệt và duy nhất.
Khi bắt đầu đi hát, Sương cùng cách hát đầy bản năng của mình đã nhận về nhiều khen chê. Có người nói giọng Sương yếu, cô tiếp thu và cố gắng điều chỉnh. Nhưng sự "tập trung quá mức vào cách hát" khi ấy lại khiến những màn trình diễn của Sương "cứng" và "thiếu đi cảm xúc", như lời cô tự nhận. Dần dần về sau, khi đã tích lũy cho mình tương đối nhiều bản lĩnh, Sương mới có thể thả lỏng hơn và tận hưởng hết mình trên sân khấu.
Mạc Mai Sương cho biết, đến giờ thành tựu lớn nhất của bản thân cô là đã có thể hiểu điểm mạnh, điểm yếu và yêu được giọng hát của mình, cũng như không ngại bộc lộ giọng hát và âm nhạc của mình ra với thế giới.
Còn về bố, Sương chia sẻ: "Sau nhiều năm nỗ lực và gặt hái những thành công 'nho nhỏ', bố cũng dần chuyển sang hoàn toàn ủng hộ con gái. Chính bố là người đã mua đàn cho em", cô mỉm cười.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/mac-mai-suong-cai-ten-la-tai-nhung-khong-la-lam-tr...
Show truyền hình
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn