Chiều 22/6, Bệnh viện Phụ sản TP.Cần Thơ tiếp nhận khám thai cho sản phụ Trần Thị G. (29 tuổi, ngụ Bình Thủy, Cần Thơ) với chẩn đoán con lần 2, thai 39 tuần, ngôi đầu chưa chuyển dạ và giảm tiểu cầu (36.000/mm3).
Trong quá trình đánh giá sức khỏe thai phụ và theo dõi biểu đồ tim thai, các bác sĩ phát hiện tình trạng bất thường. Vì vậy, bệnh viện nhanh chóng tiến hành hội chẩn mổ lấy thai với sự phối hợp chặt chẽ của các chuyên khoa để có kế hoạch can thiệp một cách nhanh chóng.
Trong quá trình đánh giá sức khỏe thai phụ và theo dõi biểu đồ tim thai, các bác sĩ phát hiện tình trạng bất thường
Sau 1 tiếng tập trung, ca phẫu thuật “mẹ tròn con vuông” với sự chào đời của bé gái nặng 3300gram. Đặc biệt, bác sĩ quan sát thấy bé gái có dây rốn thắt nút và quấn cổ 1 vòng.
Sau sinh, bé gái được đội ngũ khoa Sơ sinh thăm khám, đánh giá toàn diện và thực hiện da kề da với mẹ nhằm duy trì thân nhiệt để sớm ổn định sức khỏe cho hai mẹ con. Hiện sức khỏe mẹ và bé đã ổn định, tiếp tục được theo dõi.
Bác sĩ quan sát thấy bé gái có dây rốn thắt nút và quấn cổ 1 vòng
BS.CKI. Vũ Đăng Khoa – Trưởng khoa Sản bệnh cho biết tình trạng dây rốn thắt nút chiếm tỷ lệ 0,3-2,2% của các ca sinh. Riêng tỷ lệ tử vong của các thai nhi có dây rốn thắt nút tăng gấp 4 lần so với thai nhi bình thường.
“Trường hợp của sản phụ G. xảy ra đột ngột, nếu không kịp thời phát hiện thì thai nhi có thể tử vong trong vài giờ. Bởi dây rốn thắt nút trong tử cung rất khó phát hiện khi khám thai.
Khi chưa vào chuyển dạ, thông qua siêu âm Doppler động mạch rốn và động mạch não giữa thai nhi và đo biểu đồ tim thai có thể giúp phát hiện suy thai, kịp thời cấp cứu”, bác sĩ Khoa nói.
Để làm giảm những biến chứng nguy hiểm của thắt nút dây rốn, các sản phụ nên theo dõi cử động thai mỗi ngày, đặc biệt trong những tuần cuối thai kỳ. Sản phụ hãy đến khám tại các bệnh viện có uy tín để đánh giá sức khỏe thai nếu phát hiện cử động thai ít hoặc yếu.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn