Giấc mơ tan vỡ, hạnh phúc nửa vời của cô giáo trẻ
Đang là một cô giáo trẻ đầy nhiệt huyết nhưng căn bệnh lạ đã khiến những ngày đứng lớp của chị thưa dần. Gia đình cố gắng chạy chữa khắp nơi nhưng không được. Những lúc phát bệnh, chị thường la hét rồi lao ra đường lớn hoặc lao mình xuống dòng nước chảy xiết... Cực chẳng đã, người nhà đành xích chị lại để lo thuốc thang.
Đang từ một cô giáo trẻ, chị Huyên mắc bệnh lạ và phải sống trong cảnh xiềng xích
Đấy là câu chuyện của chị Nguyễn Thị Huyên (SN 1974, trú tại thôn Tân Tiến, xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa).
Theo lời chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến nhà chị Huyên. Ngôi nhà nhỏ, đơn sơ nằm tít mãi gần chân núi. Cạnh đó là chiếc chòi rộng khoảng 4m2 được ghép bằng ván gỗ, nơi đang xiềng xích cô giáo mầm non ngày trước.
Biết chúng tôi là phóng viên, bà Lê Thị Hiển (71 tuổi, mẹ đẻ chị Huyên) tâm sự: “Tội nghiệp lắm các chú ạ, những ngày trái gió trở trời, nó thường gào thét và quậy phá. Cực chẳng đã nên chúng tôi phải xích nó lại để chăm nom, mong con sớm bình phục”.
Trên khóe mắt sâu hõm của người đàn bà gần đất xa trời bắt đầu đong dần những giọt lệ. Bà khóc thương cho số phận hẩm hiu của đứa con gái mình, bà sợ rằng một ngày nào đó bà mất đi sẽ không còn ai lo cơm nước cho đứa con tội nghiệp này nữa.
Căn chòi nhỏ, nơi trú ngụ của chị Huyên từ ngày phát bệnh.
Bà Hiển kể, năm 1994, sau khi học xong chương trình sư phạm, Huyên về làm giáo viên mầm non tại xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh. Đến năm 1997, Huyên lấy chồng cũng là giáo viên. Hạnh phúc thêm đong đầy khi đôi vợ chống trẻ đón đứa con đầu lòng.
Cuộc sống cứ thế êm ả trôi đi. Thế nhưng bỗng một ngày, tai họa ập đến ngôi nhà nhỏ khi Huyên mắc phải chứng bệnh lạ. Gia đình mang chị đi chữa trị tại bệnh viện Tâm Thần Thanh Hóa.
Sau ba tháng chữa trị, bệnh tình chị Huyên thuyên chuyển nên gia đình xin cho về. Khoảng thời gian này, chị Huyên vẫn lên lớp nhưng không thường xuyên vì những cơn đau đầu kỳ lạ thường xuyên xảy ra.
Càng về sau, số buổi đứng lớp của chị càng thưa dần bởi những cơn đau đầu hành hạ. Đến năm 2002, cô giáo mầm non đã phải bỏ bục giảng.
Bi kịch chưa dừng lại ở đấy, từ ngày chị Huyên phát bệnh, người chồng đã ôm con bỏ đi không một lời từ biệt. Một mình chị không tự chăm sóc được bản thân. Thương con, bà Hiển cưu mang để lo thuốc thang mong con sớm ngày bình phục.
Thân già nuôi con tâm thần, chồng bại liệt
Bao nhiêu tài sản của gia đình, tiền của làm được, bà Hiển đều đổ vào thuốc thang cho con gái. Tuy nhiên, bệnh tình của chị Huyên không những không thuyên giảm mà còn có dấu hiệu tăng thêm. Những lúc lên cơn, chị thường gào thét và chạy trốn. Lúc thì chạy vào rừng, lúc lao xuống dòng suối chảy siết… vô cùng nguy hiểm.
“Có lần ở đây xảy ra lũ ống to lắm, con Huyên đang trong nhà thì ôm đầu hét lớn rồi chạy vụt ra suối khiến tôi không kịp giữ. Nó nhảy xuống dòng nước dữ trong sự bàng hoàng của mọi người. Nước lũ cuốn trôi nó đi nhưng nó may mắn thoát chết khi dạt vào bờ và được dân bản tìm thấy”, bà Hiển nhớ lại.
Thấy con phát bệnh, thường làm những chuyện điên rồ nguy hiểm đến tính mạng, cực chẳng đã, bà Hiển đã nhờ hàng xóm dựng một cái chòi cạnh nhà, rồi xích con lại để trông nom.
Cũng từ ngày bị xích, chị Huyên trở nên dữ tợn hơn, liên tục chửi bới, đập phá chẳng khác nào con thú bị xích. Có những lần, chị còn đưa sợi dây xích lên miệng cắn đến mức mồm miệng xước xát, máu chảy đầm đìa.
Một mình bà Hiển lo toan gia đình, nuôi con tâm thần, chồng bại liệt.
Khi bệnh tình của chị Huyên chưa có chuyển biến thì bố chị lại bị tai biến, liệt nửa người hơn 10 năm nay. Bao nhiêu lo toan trong nhà giờ dồn hết lên đôi vai người đàn bà đã ở cái tuổi “thất thập cổ lại hi”.
Bà Lò Thị Nương, hàng xóm cho biết: “Gia đình bà Hiển tội nghiệp lắm, con thì bị bệnh tâm thần, chồng lại bại liệt. Mọi lo toan trong nhà đều một mình bà gánh vác”.
Giờ đây, cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và khoản tiền hỗ trợ 450 nghìn đồng/tháng của chính quyền.
Dù đã tuổi xế chiều, nhưng bà Hiển chưa một ngày được nghỉ ngơi. Bà lo sợ khi bà mất đi, người chồng bị liệt và đứa con tội nghiệp sẽ ra sao? Nhiều lúc mệt mỏi nhưng thương chồng, thương con bà lại gắng gượng đi làm để có tiền đong gạo.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn