Hơn 1 tuần kể từ khi phát hiện mình nhiễm COVID-19, chị H.Giang (27 tuổi, Bình Thạnh) tính nhẩm sơ sơ cũng đã tiêu tốn 7 triệu đồng cho tất cả chi phí điều trị, xét nghiệm và ăn uống. Dù rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp đã lần lượt nhiễm bệnh từ đợt bùng dịch của biến chủng mới đến đầu tháng 3/2022, cô nhân viên văn phòng trẻ tuổi này mới thực sự hiểu sự "càn quét" của dịch bệnh.
"Số tiền này vừa là tiền thuốc men và vừa chi tiêu cho cả thực phẩm bồi bổ", chị H.Giang nói. Triệu chứng mắc phải có phần nặng và khó chịu hơn nhiều người xung quanh nên thay vì chỉ uống các loại vitamin và điều trị bởi thuốc được cấp bởi y tế phường, cô gái 27 tuổi phải tìm mua thuốc điều trị COVID-19 để giảm ho, sưng đau họng.
"Mình không thể mua tại các cửa hàng thuốc chính thống vì nhiều yêu cầu và một số cửa hàng hết thuốc nên đành nhờ người quen tìm mua bên ngoài với giá 2 triệu 8/hộp cho liều 5 ngày 40 viên. Mình mua sẵn 10 que test nhanh với giá 110.000 đồng, tổng chi hơn 1 triệu. Tính sơ qua đã gần 4 triệu chưa kể một số vitamin, hoa quả, đồ để xông người...", cô kể. Tuy khá tốn kém, nhưng chị H.Giang cho biết chị vẫn chưa khỏi hoàn toàn, các cơn ho vẫn còn và khi test nhanh vẫn hiện dương tính nên trong thời gian tới, số chi phí chị phải tiếp tục bỏ ra để bồi bổ chưa biết sẽ dừng lại ở con số nào.
Test nhanh sau khi kết thúc chuyến công tác tại Hà Nội, Khánh Ly (30 tuổi, Tân Bình) cũng nhận về kết quả 2 vạch. Ngay lập tức cô sắp xếp công việc để cách ly, điều trị tại nhà. Vì không kịp chuẩn bị thức ăn và thuốc men nên Khánh Ly gọi cứu viện từ bạn bè, 2 triệu đồng đầu tiên chi ra cho việc mua trái cây và các loại thực phẩm bổ dưỡng bởi cô dự định sẽ tự nấu ăn trong những ngày sống chung với COVID-19.
Khánh Ly phát hiện mình nhiễm COVID-19 sau chuyến công tác Hà Nội. Ảnh NVCC
Trái ngược với nhiều người, Ly liên tục cảm thấy thèm ăn mặc dù cô cũng xuất hiện các triệu chứng như sốt nhẹ, đau nhức người. "Mình ăn nhiều hơn lúc khoẻ, ăn vẫn rất ngon miệng. Chỉ khó chịu vì người nhức mỏi, chỉ muốn nằm trên giường chứ không ngồi một chỗ lâu được", Ly kể lại quá trình cách ly tại nhà.
Ngoài việc nấu nướng, mỗi khi thèm ăn cô lại gọi giao hàng rồi nhờ bảo vệ đem lên để trước cửa phòng. Cô còn đặt mua các loại tinh dầu xông, thiết bị xông, nước sát khuẩn, các loại trà thanh nhiệt, giải độc... Chi tiêu mạnh tay cho việc đẩy lùi virus bởi với đặc thù riêng, Ly khó giải quyết công việc khi ở nhà. Cô mong muốn nhanh khoẻ lại để đi làm, có thu nhập cho tháng sau, nếu ở nhà quá lâu sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất và lương thưởng trong tháng.
Xông với các loại chanh, sả, gừng được nhiều người áp dụng trong quá trình điều trị COVID-19
May mắn hơn nhiều F0 khác, anh Tuấn Mạnh (24 tuổi, TP Thủ Đức) không tốn quá nhiều chi phí ăn uống khi cách ly tại nhà vì sống chung với gia đình. Bố mẹ anh thay phiên đi chợ, cơm nước rồi để trước cửa phòng, anh chỉ tốn tiền làm xét nghiệm PCR và mua một số loại thuốc men điều trị. Anh Mạnh cho biết, anh không xét nghiệm thường xuyên để tiết kiệm que test nhanh. 6 ngày sau khi nhiễm bệnh, anh nhận kết qủa âm tính, tuy vậy chàng trai này vẫn tiếp tục xin làm việc tại nhà thêm 10 ngày mới quay trở lại công ty.
Anh cho biết nhiều bạn bè sống riêng hoặc thuê trọ tại thành phố gặp áp lực tài chính khi trở thành F0 điều trị tại nhà. Người nhiều thì cả chục triệu, bèo bọt tiết kiện ít cũng 3,4 triệu cho việc sắm sửa các loại thuốc men, thực phẩm. Chưa kể một số có tình trạng sức khoẻ không đảm bảo để làm việc nên nguồn thu nhập sẽ bị hụt.
Kết quả test PCR cho biết chính xác các chỉ số CT. Chuẩn xuất viện của bệnh nhân COVID-19 là xét nghiệm PCR cho kết quả âm tính hoặc kết quả dương tính với Ct > 30.
So với người độc thân, những người đã có gia đình lại càng phải tiêu tốn nhiều hơn khi cả nhà đều cùng là F0 đang tự chữa trị tại nhà. Chị Ngọc Hà (37 tuổi, Phú Nhuận) đau đầu khi vừa phải lo lắng chăm sóc cho chồng và hai con nhỏ cùng nhiễm bệnh, lại phải tính toán chi tiêu sao cho hợp lý nhất.
Chồng chị phát hiện mắc COVID-19 đầu tiên trong nhà, vì để nhận hỗ trợ từ công ty nên bắt buộc phải thực hiện xét nghiệm PCR. 5 ngày sau tới lượt chị và hai con (đứa lớn 11 tuổi, đứa nhỏ 8 tuổi) cũng bắt đầu có triệu chứng. 4 xét nghiệm PCR tiêu tốn hơn 2 triệu đồng với mỗi lần là 550.000 đồng.
Tiếp theo sau đó, chị Hà phải liên tục bổ sung dinh dưỡng và các thực phẩm tốt cho các con để tăng sức đề kháng. Chưa kể các chi phí liên quan đến thuốc, que test nhanh, đồ sát khuẩn cũng làm chị tiêu tốn hàng triệu đồng. Kể từ ngày đầu tiên đến ngày cuối cùng khi cả nhà đều đã khoẻ lại, chị Hà cộng sổ thấy chi tiêu gần 15 triệu đồng trong vòng chưa đầy 10 ngày.
Nhiều F0 sau khi khỏi bệnh mắc di chứng hậu COVID-19, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống
Tuy nhiên với người phụ nữ nội trợ này, việc thiệt hại về tài chính không quan trọng bằng những ảnh hưởng tiêu cực hậu COVID-19. "Đưá lớn nhà chị sau khi khoẻ lại có vẻ chậm chạp hơn bình thường, cháu hay quên và chểnh mảng học hơn trước đây. Chị đang tìm các gói khám sức khoẻ hậu COVID-19 để cả nhà kiểm tra và kịp thời chữa trị nếu có vấn đề không ổn, chị Hà nói.
Di chứng hậu COVID-19 là điều mà tất cả những ai từng là F0 đều quan tâm, nhiều người than phiền sau khi khỏi bệnh luôn cảm giác mệt mỏi, mất ngủ, hụt hơi, mắc chứng lo âu, rụng tóc... ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Chính vì vậy, trong quá trình điều trị, nhiều F0 không tiếc bỏ tiền để bồi bổ sức khoẻ và mua các loại thuốc, thực phẩm chức năng đắt đỏ phục vụ cho việc chữa trị.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/f0-ton-kem-khi-dieu-tri-tai-nha-nua-tien-thuoc-nua...
Dịch COVID-19
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn