Sau dịp Tết Nguyên đán 2019 nhiều dịch bệnh đang có dấu hiệu gia tăng trên cả nước, trong đó đáng chú ý là bệnh sốt xuất huyết . Điều đáng nói, đã có trường hợp tử vong do mắc phải căn bệnh này.
Đó là một trường hợp tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tử vong sau gần 1 tuần điều trị vì mắc sốt xuất huyết. Theo thông tin ban đầu, khi nhập viện điều trị nam bệnh nhân này ở trong tình trạng bị sốc, mạnh nhanh... Qua xét nghiệm, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị sốt xuất huyết.
Tiếp tục tiến hành các kiểm tra y tế khác, bác sĩ phát hiện một số cơ quan nội tạng của bệnh nhân như gan, thận đã bị tổn thương nặng và xuất hiện tình trạng rối loạn đông máu. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM điều trị. Sau 4 ngày nằm điều trị tại đây, nam bệnh nhân đã tử vong do tình trạng quá nặng.
Ngoài trường hợp tử vong trên, các địa phương cũng ghi nhận nhiều trường hợp khác mắc sốt xuất huyết. Trong đó, TP.HCM là địa phương ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng cao nhất. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 6.733 ca sốt xuất huyết, tăng 249% so với cùng kỳ năm 2018 với 1.931 ca.
Người dân cần đến ngay cơ sở y tế kiểm tra khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc sốt xuất huyết.
Ngoài TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng so với cùng kỳ năm 2018. Theo đó, từ tháng 1/2019 đến nay, toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ghi nhận 503 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 25 ca so với cùng kỳ 2018, trong đó có 1 ca tử vong. Riêng TP Vũng Tàu có số ca mắc cao nhất với 220 trường hợp.
Từ thực tế trên, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết ngay tại gia đình và cộng đồng. Để giảm thiểu nguy cơ biến chứng và tử vong khi mắc bệnh, người dân cần đến viện kiểm tra khi có các dấu hiệu mắc bệnh.
PGS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân khi có dấu hiệu bị sốt cao đột ngột, sốt liên tục từ 2-7 ngày thì nghĩ ngay đến sốt xuất huyết.
Biểu hiện của bệnh thường xuất hiện từ ngày thứ 2 hoặc thứ 3 sau khi mắc. Đó là có các nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường ở mặt trước 2 cẳng chân và mặt trong 2 cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím.
Sốt xuất huyết khi gây biến chứng sẽ rất nguy hiểm.
Khi xuất huyết ở niêm mạc, bệnh nhân bị chảy máu mũi, lợi, đôi khi xuất huyết ở kết mạc, tiểu ra máu. Kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn. Nếu xuất hiện các biểu hiện trên, kèm theo tình trạng bứt dứt, vật vã, hiết áp hạ, tiểu ít... thì cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
PGS Phu cũng cho biết, hiện sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Vì thế, người dân cần chủ động phòng bệnh bằng cách mắc màn khi đi ngủ, kể cả ban ngày. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn.
Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn