Trong dịp Tết Nguyên đán, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 2 trường hợp bị viêm phổi nặng nghi do mắc cúm gà (cúm A H51N). Ngay sau khi xuất hiện thông tin trên, nhiều người dân tỏ ra hoang mang lo lắng, bởi nhiều năm nay Việt Nam không ghi nhận trường hợp nào mắc cúm A/H5N1.
Theo đó, hai bệnh nhân nghi mắc cúm gà đều là nam giới. Một bệnh nhân đến từ Hà Nội khởi phát bệnh từ ngày 30/1/2019 và nhập viện ngày 1/2/2019. Bệnh nhân còn lại đến từ Quảng Ninh, khởi phát bệnh ngày 1/2/2019 và nhập viện vào ngày 4/2/2019. Khi vào viện cả hai bệnh nhân đều bị viêm phổi nặng và phải điều trị cách ly.
Ngay sau đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã lấy mẫu xét nghiệm cả hai bệnh nhân trên. Theo kết quả vừa được đơn vị này công bố, cả hai trường hợp đều đồng nhiễm cúm A/H1N1 và cúm B (hay còn gọi là cúm mùa).
Các bệnh nhân nghi bị nhiễm cúm gà vẫn đang được điều trị cách ly.
Chia sẻ về bệnh cúm mùa mà hai bệnh nhân trên mắc phải, PGS. TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đây là loại cúm thường gặp ở Việt Nam. Đây là căn bệnh lây truyền qua đường hô hấp, người lành có thể mắc bệnh trực tiếp khi hít phải giọt bắn nước mũi, nước bọt khi người bệnh hắt hơi, ho hoặc gián tiếp qua bàn tay khi cầm nắm các vật dụng có nhiễm nước mũi, nước bọt của bệnh nhân (thành giường, tay nắm cửa, điện thoại…) hoặc do dùng chung dụng cụ với bệnh nhân (cốc chén, bát đũa, thau chậu…).
PGS Phu cho biết, đa phần khi mắc cúm người bệnh sẽ tự khỏi. Ở giai đoạn đầu bệnh thường kéo dài khoảng 3 ngày với các triệu chứng sốt, lạnh run, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, ăn không ngon.
Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng hô hấp sẽ xuất hiện như ho khan, sổ mũi, đau họng. Sốt là triệu chứng quan trọng, nhiệt độ thường tăng nhanh và cao đến 40 – 41 độ C, sốt thường kéo dài 3 ngày đầu, nhưng có thể lên tới 4 - 8 ngày.
Khi mắc bệnh thường có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi...
Tuy nhiên một số trường hợp bệnh có thể tiến triển ác tính với sốt cao, khó thở, tím tái, phù phổi do suy tim và có thể gây tử vong. Vì thế, khi có các triệu chứng tiến triển cần phải đến viện để được thăm khám kịp thời. Đặc biệt là những trường hợp mắc bệnh mãn tính như suy thận, đái tháo đường...
Phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất cúm mùa theo PGS Phu đó là tiêm phòng vắc xin cúm. Ngoài ra, người dân cần tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Che miệng và mũi khi ho, hắt hơi bằng tay áo, hoặc dùng khăn giấy sau đó bỏ vào thùng rác, nếu che bằng tay thì cần rửa tay ngay sau khi ho, hắt hơi nhằm trách lây nhiễm sang vật dụng khác.
Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hoá chất sát khuẩn thông thường. Người dân nên tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng…thì thông báo cho trường học, cơ quan, đoàn thể nơi đang học tập, công tác và cơ sở y tế địa phương. Nếu được xác định mắc cúm thì cần được cách ly và đeo khẩu trang.
Những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh. Tránh tiếp xúc với người mắc hoặc nghi mắc bệnh cúm. Không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng vi rút như Tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn