Mỗi năm vào buổi chiều 30 Tết, người dân lại chuẩn bị lá mùi già để đun nước tắm. Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, tắm nước lá mùi già ngày tất niên là một trong những nét đẹp văn hóa của người Việt từ lâu đời vẫn được nhiều gia đình duy trì cho đến tận ngày nay.
Theo đó, nồi nước đun với lá mùi già bốc lên mùi hương thơm ngát, mọi vận hạn đen đủi của năm cũ dường như được gột bỏ và giữ lại một cảm giác thanh sạch, khoan khoái. Một thứ mùi vị đặc trưng của đồng đất quê hương sẽ mãi lưu luyến, vương vấn trong cả năm để nhắc nhở mọi người về cội nguồn, về gốc rễ.
Thậm chí, có nhiều người mua lá mùi về đun ngày tất niên để xông nhà, cầu mong tài lộc cho năm mới vì mùi rất thơm. Họ mong muốn mùi thơm của nước lá mùi có thể rửa sạch những điều xấu của năm cũ, và hướng tới một năm mới hạnh phúc, may mắn.
Rau mùi chiều 30 Tết bán đắt như tôm tươi. Ảnh: Lê Phương.
Không chỉ có ý nghĩa về mặt quan niệm, tâm linh. Việc tắm nước lá mùi già theo các chuyên gia y tế nó còn có nhiều tác dụng cho sức khỏe. Ths.lương y đa khoa Vũ Quốc Trung (Hội Đông y TP Hà Nội) cho biết, rau mùi là một vị thuốc, được sử dụng trong đời sống ẩm thực hàng ngày.
Rau mùi có vị cay, tính ấm, không độc, có tác dụng tiêu thực, thông đại tiểu tiện, chống mệt mỏi, tác dụng lưu thông khí huyết, giải toả căng thẳng thần kinh phục hồi sức khỏe.
Rau mùi có ích cho những người bị suy nhược thần kinh, trầm cảm, đau nhức nửa đầu, căng thẳng, làm dịu cơn đau cơ. Rau mùi giúp giảm đau trong chứng phong thấp, thấp khớp, cơn co rút cơ và cũng được dùng chữa trị cảm.
Nước lá mùi già tắm rất tốt cho cơ thể.
Đối với cây mùi già, Ths. Trung cho rằng cây mùi, đặc biệt là trong hạt mùi có một số hoạt chất sinh học có tác dụng kháng khuẩn, làm sạch da, không bị mẩn ngứa, dị ứng rất tốt cho sức khỏe.
Ngoài ra, trong rau mùi còn có chất chống oxy hóa, có tác tác dụng giảm viêm trong trường hợp nhiễm siêu vi và vi trùng đường hô hấp, tiêu hóa, viêm đường tiểu.
Không chỉ có vậy, rau mùi còn có mùi thơm rất dễ chịu vì thế người dân thường dùng để đun nước tắm. “Thực tế không chỉ chiều 30 Tết, mà bất cứ khi nào có điều kiện cũng có thể tắm nước mùi già được. Nếu làm thường xuyên sẽ rất tốt cho cơ thể”, Ths. Trung cho hay.
Tuy nhiên, Ths. Trung cũng cho rằng, khi đun nước lá mùi già để tắm cũng cần phải lưu ý. Đó là phải rửa sạch trước khi đun nước để tránh nhiễm khuẩn. Không nên tắm nước lá mùi quá đặc và có thể pha loãng chúng ra bằng cách hòa thêm nước nóng lạnh để tắm được thoải mái hơn.
Đặc biệt, nếu ai bị dị ứng với hoạt chất có trong rau mùi thì cũng không nên tắm lá mùi. Ngoài ra, người đang mắc bệnh liên quan đến da như viêm da cơ địa, da trày xước, bong tróc da, nhiễm trùng da… không nên tắm nước lá mùi.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn