PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết, bắt đầu từ ngày 2/1 Hà Nội triển khai tiêm vắcxin ComBE Five cho trẻ. Sau 2 ngày triển khai đã có gần 5.000 trẻ được tiêm chủng loại vắcxin này.
Qua công tác kiểm tra tiêm chủng tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cho thấy, các cán bộ tổ chức thực hành tiêm chủng theo đúng quy định của Bộ Y tế. Theo báo cáo của TTYT huyện Ứng Hòa, công tác tổ chức tiêm chủng được chuẩn bị tốt, tuân thủ đúng quy trình nghiêm ngặt, 100% trẻ được theo dõi phản ứng sau tiêm 30 phút tại trạm y tế.
Trong ngày đầu tiêm chủng, địa phương này có 21 trường hợp phản ứng sau tiêm chủng, trong đó có 10 trường hợp hiện đang điều trị tại khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Vân Đình. Qua điều trị, cả 10 trẻ này đều có tình trạng ổn định, không có diễn biến bất thường.
Vắc xin ComBe Five đã được triển khai tiêm ở Hà Nội tử ngày 2/1.
Được biết, các phản ứng sau tiêm vắc xin ComBe Five ở trẻ chủ yếu là sốt, quấy khóc, không có trẻ nào có phản ứng phản vệ.
Nói về các phản ứng sau tiêm của trẻ, bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, bất kỳ loại vắc xin nào khi tiêm cho trẻ cũng đều có thể gây ra một số phản ứng thông thường như trẻ sốt, sưng đau, lười ăn... Đây là phản ứng thông thường sẽ hết sau 1,2 ngày tiêm.
Tuy nhiên, theo bà Hồng nếu các bậc phụ huynh nhận thấy trẻ có biểu hiện bất thường như li bì, sốt cao, quấy khóc kéo dài, phát ban, khó thở, bú ít, nổi ban trên da thì cần lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay, không chủ quan để trẻ ở nhà quá lâu và tự điều trị, đặc biệt những trẻ có bệnh lý nền, cha mẹ cần hết sức lưu tâm.
Cũng liên quan đến việc triển khai vắc xin ComBe Five, PGS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện có 15 tỉnh, thành triển khai tiêm loại vắc xin này với số lượng khoảng 80.000 liều đã được tiêm.
Tiến tới, Bộ Y tế tiếp tục triển khai mở rộng tiêm vắc xin ComBe Five ra các tỉnh, thành khác và đưa vào tiêm miễn phí trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Để đảm bảo công tác tiêm chủng vắc xin ComBE Five an toàn, đạt tỷ lệ cao, ngày 03/01/2019 Bộ Y tế đã có Công văn số 22/BYT-DP gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị triển khai thực hiện một số nội dung sau:
- Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở y tế bố trí nhân lực, phương tiện và thuốc..., phối hợp với các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn tổ chức khám sàng lọc, theo dõi trẻ sau tiêm chủng và triển khai tốt việc cấp cứu, xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng (nếu có).
- Chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc qui trình về tiêm chủng như: khám sàng lọc, tiêm đúng kĩ thuật, theo dõi trẻ sau tiêm 30 phút tại cơ sở tiêm chủng. Thực hiện tốt việc tư vấn, dặn dò các bà mẹ biết cách theo dõi trẻ sau tiêm tại nhà trong khoảng thời gian tối thiểu 48 giờ sau tiêm chủng.
Đặc biệt lưu ý trẻ có biểu hiện bất thường về sức khỏe như: sốt cao trên 39 độ C, quấy khóc kéo dài, li bì, bỏ bú... hãy đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và xử trí kịp thời. Trong những ngày trời rét cần giữ ấm cho trẻ để tránh cho trẻ bị viêm phổi và mắc các bệnh do thời tiết lạnh gây nên.
- Tiếp tục tổ chức việc tập huấn cho các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn, đảm bảo các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, quy trình tiêm chủng và thực hiện đúng các quy định khác của Bộ Y tế về tiêm chủng.
- Tổ chức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để các bà mẹ hiểu được lợi ích của việc tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ, những phản ứng có thể xảy ra sau tiêm chủng, cách theo dõi trẻ và phối hợp tốt với cơ sở y tế đảm bảo tiêm chủng được an toàn, hiệu quả.
- Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc triển khai tiêm chủng trên địa bàn để đảm bảo tiêm chủng an toàn, hiệu quả theo đúng kế hoạch chỉ đạo của Bộ Y tế.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, phản ứng thông thường đối với các vắcxin chứa thành phần ho gà toàn tế bào, trong đó có vắcxin ComBE Five là sốt 38-39°C (44,5%), sưng (38,5%), nóng đỏ tại chỗ tiêm (56,3%), đau (25,6%) và quấy khóc kéo dài (3,5%). Vắcxin ComBe Five 5 trong 1 phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib. Vắcxin do Ấn Độ sản xuất, được Bộ Y tế tháng 12/2018 chính thức đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng để thay thế vắcxin Quinvaxem. |
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn