Theo thông tin từ Bộ Y tế, trước đây trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, nước ta sử dụng vắc xin phối hợp 5 trong 1 (Quinvaxem) để tiêm cho trẻ từ 2 đến 4 tháng tuổi. Tuy nhiên, từ năm 2016 nhà sản xuất đã dừng sản xuất loại vắc xin này, vì thế chúng ta phải tìm vắc xin để tiêm thay thế.
Loại vắc xin được Bộ Y tế quyết định sẽ sử dụng là ComBE Five do Công ty Biological E. Ltd Ấn Độ sản xuất, có thành phần tương tự vắc xin Quinvaxem.
Hai bé tử vong sau tiêm chủng ở Nam Định
Tính đến ngày 27/12/2018, đã có 12 tỉnh triển khai tiêm vắc xin ComBE Five gồm: Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Giang, Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ngãi, Kon Tum, Bà Rịa Vũng Tàu, Kiên Giang, Long An với tổng số trẻ được tiêm là 69.929 trẻ.
Vắc xin ComBE Five sẽ thay thế vắc xin Quinvaxem để tiêm cho trẻ trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Theo báo cáo của các địa phương, ngoài phản ứng thông thường như sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc..., đã ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài ở Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Bình Định, Quảng Ngãi, Kon Tum với tỷ lệ khoảng 0,05% - 5,5%. Các trường hợp này đều đã ổn định sau khi được cán bộ y tế theo dõi, điều trị.
Riêng tại tỉnh Nam Định, có hai trường hợp trẻ tử vong tại nhà sau tiêm chủng từ 36 đến 48 tiếng. Ngày 25/12/2018, hai trẻ đều được khám sàng lọc và tiêm vắc xin ComBE Five, uống vắc xin bại liệt tại trạm y tế, sau tiêm được theo dõi 30 phút tại trạm đúng quy định và không có biểu hiện bất thường.
Sau khi về nhà, trẻ có biểu hiện sốt nhẹ, gia đình tự cho uống thuốc hạ sốt, không đưa đến cơ sở y tế. Sang ngày 26/12, gia đình thấy trẻ tím tái, khó thở nên đưa cháu đến bệnh viện huyện. Tuy nhiên khi tới bệnh viện, hai cháu đã tử vong.
Sở Y tế Nam Định đã tiến hành điều tra nguyên nhân và họp Hội đồng Tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân. Hội đồng đã có kết luận hai trường hợp trẻ tử vong sau tiêm chủng không nghĩ đến phản ứng phản vệ nặng sau tiêm vắc xin, không liên quan đến thực hành tiêm chủng và Hội đồng tư vấn chuyên môn xác định trẻ tử vong chưa rõ nguyên nhân.
Sau tiêm chủng trẻ cần được theo dõi sát sao. Ảnh minh họa.
Theo các chuyên gia, vắc xin ComBe Five có chứa thành phần ho gà toàn tế bào, nên sau khi tiêm sẽ có những phản ứng như: sốt từ 38-39°C chiếm tới 44,5%, phản ứng sưng 38,5%, nóng đỏ tại chỗ tiêm có thể tới 56,3%, đau 25,6%, các phản ứng khác như quấy khóc kéo dài là 3,5%.
Hiện nay, Bộ Y tế đã có quy định rất rõ về việc thực hành tiêm chủng vắc xin cho trẻ. Theo đó, trước khi tiêm trẻ được khám sàng lọc, sau khi tiêm trẻ được theo dõi 30 phút tại cơ sở tiêm chủng, đồng thời nhân viên y tế phải tư vấn cho các bậc cha mẹ biết cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng.
Chăm sóc trẻ sau tiêm chủng như thế nào?
Theo đó, trong vòng 1 đến 2 ngày sau khi tiêm chủng, phải theo dõi trẻ thường xuyên tại nhà về các dấu hiệu như tinh thần, ăn, ngủ, nhiệt độ, phát ban, phản ứng tại chỗ tiêm… để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về sức khỏe.
Quan sát trẻ thường xuyên, chú ý không chạm, đè vào chỗ tiêm. Người theo dõi trẻ phải là người trưởng thành và biết chăm sóc trẻ. Nếu trẻ sốt, cần cặp nhiệt độ và theo dõi, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế.
Sau tiêm chủng, trẻ có thể gặp phản ứng tại chỗ như sưng, đau tại chỗ tiêm…Đây là một phần đáp ứng miễn dịch của cơ thể và phản ứng này thường tự khỏi. Nếu vết tiêm có dấu hiệu sưng, đau lan rộng, trẻ quấy khóc nhiều, sốt cao trên 39 độ, người tím tái, li bì... phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được cán bộ y tế thăm khám và xử trí kịp thời.
Để đảm bảo an toàn tiêm chủng cho trẻ, các bà mẹ cần biết những việc cần thực hiện khi đưa con đi tiêm chủng và biết cách chăm sóc và theo dõi trẻ sau tiêm chủng theo các bước dưới đây.
1. Giữ gìn phiếu/ sổ tiêm chủng của trẻ để theo dõi quá trình tiêm chủng của trẻ, mang theo phiếu, sổ tiêm chủng khi đưa con đi tiêm chủng hoặc khi đi khám bệnh, chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như đang ốm, sốt đang dùng thuốc hoặc có tiền sử phản ứng mạnh đối với loại vắc xin trong lần tiêm chủng trước, đề nghị cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm chủng.
2. Chủ động hỏi cán bộ y tế về loại vắc xin được tiêm chủng lần này và những phản ứng có thể gặp, bế và giữ trẻ đúng tư thế theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
3. Sau tiêm chủng cho trẻ ở lại theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng để phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm có thể xẩy ra, tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng, người theo dõi trẻ phải là người trưởng thành và biết chăm sóc trẻ. Các dấu hiệu cần theo dõi sau tiêm chủng bao gồm tinh thần, tình trạng ăn, ngủ, dấu hiệu về nhịp thở, nhiệt độ, phát ban, các biểu hiện tại chỗ tiêm để có thể phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường về sức khỏe của trẻ.
4. Quan sát trẻ thường xuyên và chú ý không chạm, đè vào chỗ tiêm;không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm. Nếu trẻ sốt cần cặp nhiệt độ và theo dõi ; cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của cán bộ y tế.
5. Đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để theo dõi, điều trị nếu có những biểu hiện bất thường như sốt cao (trên 39°C), co giật, quấy khóc kéo dài, khóc thét, bú kém, bỏ bú, phát ban, tím tái, khó thở, sưng đỏ lan rộng tại chỗ tiêm...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn