Theo lời kể của bệnh nhân N.K.T (21 tuổi, Đồng Nai), trong lúc đang sang nhà bà con ở Bình Dương chơi thì chị bất ngờ bị vỡ ối, được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng ối vỡ hoàn toàn, đau bụng từng cơn, 2 chân, mông, phần dưới của thai nhi thò hết ra ngoài.
“Trước đó, tôi cũng có thăm khám tại bệnh viện và được biết về trình trạng ngôi thai ngược của mình. Nhưng do tôi chủ quan nghĩ không sao lại không theo dõi chặt chẽ nên mới xảy ra tình trạng trên”, thai phụ T nói.
Sau khi nhập viện, các bác sĩ kiểm tra và chẩn đoán nếu không xử lý kịp thời bằng các thủ thuật sẽ dễ dẫn đến việc thai nhi kẹt đầu hậu, tầng sinh môn rách nhiều. Ngay lập tức, kíp trực nhanh chóng cho sản phụ tiếp tục cuộc sinh.
Hai mẹ con sản phụ T.
Sau những giờ phút căng thẳng, các bác sĩ đã thở phào nhẹ nhõm khi một bé gái ngôi mông nặng 3.3kg chào đời. Bé hồng hào, thở đều, khóc to và vận động tốt. Hiện tại, sản phụ sinh đã dần khỏe, tầng sinh môn rách ít và máu mất không nhiều.
Theo các bác sĩ, bình thường khi sinh, phần đầu của bé sẽ ra trước, nếu phần chân ra trước được gọi là ngôi ngược. Đây là một dạng bất thường của thai nhi.
“Tỉ lệ sinh con ngôi mông khá thấp, chỉ chiếm 3-4% trong các ca sinh nở. Thai ngôi mông, ối vỡ sớm có thể dẫn đến hậu quả khôn lường như dẫn đến sa dây rốn, gây suy thai cấp, ngạt bé nguy cơ tử vong nếu không cấp cứu kịp thời; hoặc làm tầng sinh môn không dãn tốt nguy cơ rách tầng sinh môn phức tạp, gây kẹt đầu thai.”, Bác sĩ Sản khoa Lê Hoàng Nhựt thông tin.
Những biện pháp phòng ngừa các rủi ro khi sinh đối với thai ngôi mông được các bác sĩ khuyến cáo:
- Các bà bầu khi mang thai cần thăm khám, quản lý thai kỳ chặt chẽ và làm xét nghiệm đầy đủ để theo dõi quá trình phát triển của thai nhi.
- Khi thấy các triệu chứng bất thường cần đến ngay bệnh viện chuyên khoa gần nhất để thăm khám và xử trí kịp thời tránh tình huống đáng tiếc xảy ra.
- Nếu trường hợp thai phụ và gia đình ở xa, khó tiếp cận bệnh viện kịp thời, nên tới bệnh viện nhập viện chờ sinh từ sớm.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn