Hôn mê nguy kịch vì uống thuốc người lớn
Thông tin từ khoa Cấp cứu chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, khoa này vừa tiếp nhận 3 cháu bé ở Mỹ Đức (Hà Nội) nhập viện cấp cứu trong tình trạng ngộ độc khá nặng. Theo đó, hai chị em ruột là N.T.M (4 tuổi) và N.T (3 tuổi) cùng em họ là N.T.T (3 tuổi) đều nhập viện trong tình trạng li bì, hôn mê sâu.
Theo lời kể của gia đình, ngày 6/1 trong quá trình chơi đùa với nhau, 3 cháu nhỏ thấy lọ thuốc điều trị thần kinh của để trong hộp xốp nên đã tưởng là kẹo và lấy ra ăn.
Sau đó cả 3 cháu đều ngủ lịm đi không biết gì. Khi người lớn đi làm về phát hiện ra thì đưa các cháu đi viện ngay. Khi nhập viện, các cháu vẫn đang trong tình trạng li bì, đánh thức không dậy, gọi hỏi không đáp ứng.
Trẻ nhỏ uống nhầm thuốc người lớn sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng.
Ths.BS Ngô Anh Vinh - Khoa Cấp cứu Chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, sau khi nhập viện cả 3 bệnh nhi đã được xử trí theo hướng tiên đoán trẻ bị ngộ độc thuốc, rửa dạ dày, truyền dịch để đào thải các chất độc trong cơ thể, lấy máu để xét nghiệm.
Hiện tại, sau hai ngày điều trị, M và T đã ổn định sức khỏe, bé có thể đi lại và tỉnh táo nói chuyện và tương tác tốt, nên đã được cho về nhà. Riêng cháu H, hiện vẫn còn mệt mỏi, hạn chế trong vận động và giao tiếp nên tiếp tục giữ lại để theo dõi thêm.
Làm sao để sơ cứu trẻ bị uống nhầm thuốc
Các bác sĩ cho biết, việc uống nhầm thuốc hoặc uống thuốc quá liều không chỉ trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn cũng có thể gây ra tình trạng ngộ độc. Riêng với trẻ nhỏ do cơ thể, hệ thần kinh còn đang phát triển nên việc uống nhầm thuốc của người lớn có thể gây ảnh hưởng đến thần kinh rất nặng nề nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Khi biết con bị ngộ độc thuốc cần giữ trẻ ở tư thế ngồi hoặc đứng để các chất trong dạ dày không trào lên thực quản. Không đặt trẻ ở tư thế nằm. Nếu đang còn tỉnh, bất kể là đã uống nhầm loại gì cũng cần nhanh chóng gây nôn bằng cách móc họng.
Khi trẻ uống nhầm thuốc cần phải tìm mọi cách để gây nôn cho trẻ.
Đồng thời, cho trẻ uống nhiều nước ấm rồi lại tiếp tục móc họng gây nôn nhằm rửa sạch dạ dày, giải độc ra khỏi cơ thể, giảm bớt tác hại của thuốc hay hóa chất. Trong trường hợp bé hôn mê, co giật thì không nên gây nôn.
Sau sơ cứu ban đầu cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới bệnh viện ngay để được các bác sĩ tiếp tục cấp cứu, giải độc. Mang theo vỏ loại thuốc hoặc chai hóa chất mà người bệnh đã uống nhầm để các bác sĩ có hướng xử lý kịp thời và chính xác.
Phòng tránh trẻ không uống nhầm thuốc, hóa chất
Các bác sĩ cho biết, đa số các trường hợp trẻ uống nhầm thuốc người lớn, uống nhầm hóa chất đều xuất phát từ chính những bậc phụ huynh khi để đồ không cẩn thận. Chính vì thế để phòng tránh hậu quả của việc uống nhầm thuốc và hóa chất các bậc phụ huynh cần:
- Để các loại thuốc, hóa chất xa tầm tay của trẻ. Tốt nhất là để ở những hộp riêng, có khóa, không để trẻ em lấy được.
Tuyệt đối để thuốc, hóa chất ở xa tầm tay trẻ em.
- Không nên đựng hóa chất trong vỏ chai đựng nước uống như lavie, vital… nhằm tránh các nhầm lẫn có thể xảy ra. Các chai, lọ đựng hóa chất nên dán chú thích rõ ràng, đặt xa tầm tay trẻ em.
- Nên tránh tái sử dụng những chai nhựa màu, vỏ đục, khó quan sát màu sắc của chất bên trong để đựng hóa chất.
- Không đựng các đồ uống vào các chai lọ vốn là bao bì đựng hóa chất.
- Không để chung thuốc uống với những thuốc khử khuẩn, dùng ngoài
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn