Xã Đông Thạch, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang – nơi cô gái Mỹ Tú (thuộc thế hệ 9X) sinh sống được biết tới là vùng đất bị nhiễm mặn, gây ra nhiều khó khăn cho bà con nơi đây trong việc trồng trọt cũng như sinh hoạt. Vậy nhưng, bằng khả năng tìm tòi, học hỏi và nghiên cứu, cô gái trẻ đã vượt qua thử thách khắc nghiệt của môi trường và làm nên vườn dưa lưới sai trĩu trịt khiến ai nấy đều ngưỡng mộ.
Vườn dưa do Mỹ Tú tự tay gây dựng.
Cô gái trẻ bên thành quả của mình trồng.
Mỗi trái dưa đều được gắn nơ nhiều màu sắc.
Cô gái chia sẻ, mảnh vườn có diện tích 30m2, ban đầu Tú trồng dưa leo baby và cà chua trái cây Nova tuy nhiên Tú thấy những loại rau quả này có giá trị không cao. Đến cuối năm 2020, cô quyết định trồng thử nghiệm dưa lưới, một loại quả cả huyện An Minh chưa ai trồng thành công do không phù hợp với đất nhiễm mặn.
Toàn bộ ý tưởng làm vườn đều do Mỹ Tú tự nghĩ ra sao cho phù hợp với không gian cũng như môi trường đang sống. Việc đầu tiên cô phải vượt qua là khắc phục nhược điểm đất trồng. Suốt nhiều tuần sau đó, Tú mày mò đọc tài liệu trên mạng, học hỏi kinh nghiệm từ những thành viên của hội trồng dưa trên các hội nhóm và quyết định chọn cách trồng dưa trên giá thể xơ dừa.
Những tưởng có kế hoạch cụ thể mọi khâu sẽ thuận lợi và cây phát triển tốt nhưng do quá trình xử lý xơ dừa chưa đúng cách cộng với tưới nước máy có độ PH cao nên lúc mới đầu cây còi cọc. Chưa hết, Tú còn dùng lại giàn dây từ vụ cà chua trước để trồng dưa nên khi ra trái, trọng lượng dưa nặng gây sập giàn, phải mất nhiều thời gian để dựng lại giàn.
Cô học cách tự ủ các loại phân hữu cơ như phân bã đậu nành, phân đạm cá để đảm bảo dinh dưỡng cho vườn dưa. Chưa kể, khi hoa thụ phấn cho đến lúc thu hoạch, Mỹ Tú còn ủ trứng gà và sữa thành dung dịch phân trứng sữa tưới cho cây tạo hương vị thơm ngọt cho trái dưa.
Cô gái nói: “Để làm được loại dung dịch này, mình chuẩn bị 100 quả trứng gà, loại dập vỏ bị các thương lái loại bỏ với 50 lít sữa tươi gần hết hạn để giảm chi phí. Mình còn mua thêm sữa chua, men tiêu hóa và chế phẩm khử mùi hôi. Trứng sau khi được đánh tan trong thùng to sẽ cho sữa vào khuấy tan rồi đổ các thành phần còn lại vào làm một.
Trong quá trình ủ, hỗn hợp được khuấy đều mỗi ngày và giảm dần tần suất cho đến khi sử dụng được. Sau một tháng, dung dịch trứng sữa đã có thể bón trực tiếp lên cây, pha loãng với nước theo tỷ lệ định sẵn để phun vào gốc và qua lá. Phân được tưới ngay sau thời điểm hoa thụ phấn và bón hàng tuần”.
Nhờ nguồn dinh dưỡng “đặc biệt” nên mỗi gốc dưa cho ra khá nhiều trái song Tú chỉ giữ lại một trái. Cô cho rằng, nếu giữ lại nhiều trái thì các quả chín không đều. Để hạn chế tình trạng thối, hỏng khi trái vừa ra Tú đã treo ngay lên giá đỡ, không để chúng bị chạm xuống đất. Với những trái non, cô dùng để làm muối chua hoặc chế biến thành món ăn.
Nhờ chăm sóc cẩn thận nên dưa lưới trong vườn có vị ngon ngọt tự nhiên. Sau hơn 2 tháng trồng thử nghiệm, Tú thu về hơn một tạ quả mùa đầu tiên, mỗi quả nặng từ 1,5-3 kg.
Với những trái dưa to, tròn đều, có lưới nổi lên đẹp Tú tỉ mẩn khắc các chữ như Phúc, Lộc, Thọ, An khang thịnh vượng tạo thành quà tặng ý nghĩa mỗi dịp lễ Tết.
Với những trái dưa to, tròn đều, có lưới nổi lên đẹp Tú tỉ mẩn khắc các chữ như Phúc, Lộc, Thọ...
Mỗi ngày, Mỹ Tú sẽ dành 3 tiếng chăm sóc vườn dưa sau khi đi làm về. Dù bận rộn nhưng cô vẫn luôn tự tay làm mọi việc. Theo cô gái trẻ, chỉ cần biết sắp xếp sinh hoạt thì vườn dưa sẽ được quan tâm, chăm sóc mỗi ngày.
Được biết, ngoài trồng cây, cô gái trẻ còn nuôi thêm cá, tôm dưới ao, trồng 40 cây nho các loại như ngón tay đen, mẫu đơn, hạ đen…
Trông vườn dưa lưới không chỉ để thỏa mong ước trồng trọt, mục tiêu lớn hơn mà cô muốn đó là một môi trường sống ý nghĩa, giúp các thành viên trong nhà cảm thấy vui vẻ, thư giãn thảnh thơi đầu óc.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/co-gai-kien-giang-dung-trung-va-sua-cho-vuon-dua-vang...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn