3 diễn biến
Thời điểm này, khi Việt Nam nối lại các đường bay quốc tế, các nước mở cửa, nhiều học sinh, sinh viên vội chuẩn bị giấy tờ cần thiết để trở lại học tập. Dịch Covid-19 khiến học sinh, sinh viên tại Việt Nam gặp khó khăn khi đến các nước du học, bởi nhiều lý do như: không có chuyến bay, lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại, phải cách ly tập trung… Tuy nhiên, hiện nay, du học sinh Việt có thể trở lại nhiều nước trên thế giới. Trong các hội nhóm, du học sinh Việt bàn tán sôi nổi về chính sách, những thay đổi khi nhập cảnh ở các nước.
Lựa chọn mới khi du học Mỹ
Hiện, các Trường ĐH tại Mỹ đã cho ra kết quả đợt tuyển sinh sớm, kết quả cho thấy không có sự đột biến nhiều trong lượng thí sinh nộp hồ sơ và đậu rớt so với năm 2020. Năm nay, tỉ lệ chấp thuận ở vòng lựa chọn sớm giữ ổn định, Trường ĐH Harvard là 8%, MIT chỉ có 5%, Georgetown 10%, Yale và Dartmouth khoảng 20%, các trường khác dao động 24%-30%. Do Mỹ đã mở rộng cửa cho sinh viên quốc tế từ tháng 8 nên thí sinh mong muốn du học ở nước này có thời gian hoàn thiện hồ sơ, những thí sinh nộp hồ sơ ở vòng lựa chọn sớm thường là thí sinh toàn diện, hồ sơ rất đẹp.
Tuy nhiên, trong năm 2021 vấn đề lớn của thí sinh tại Việt Nam là các kỳ thi chuẩn hóa bị gián đoạn, bị hủy như SAT (Scholastic Assessment Test), kéo dài từ tháng 5 đến tháng 12, nhiều em không kịp thi nên bỏ lỡ cơ hội du học. Theo bà Trần Phương Hoa, Giám đốc Tổ chức Giáo dục Summit, thành viên Hiệp hội Tư vấn Du học quốc tế, những phụ huynh có con nộp hồ sơ du học trong năm 2022 nên rút kinh nghiệm, chuẩn bị cho các em tham gia sớm kỳ thi chuẩn hóa.
Diễn giả, học sinh, sinh viên trao đổi trong một hội thảo về những thay đổi của mùa du học năm 2022 ở Mỹ
Năm nay, xu hướng không bắt buộc có SAT trong hồ sơ được nhiều Trường ĐH Mỹ lựa chọn. Học sinh, sinh viên không thể tham gia kỳ thi SAT đã lựa chọn bỏ qua chứng chỉ này. Em Huỳnh Thị Ngọc Phương trúng tuyển ĐH Franklin & Marshall (Mỹ) cho biết từ đầu năm lớp 11 em có dự định đi du học Úc nhưng đến cuối năm lớp 12 em quyết định chuyển hướng sang Mỹ do Úc đóng cửa vì dịch Covid-19. Chỉ có vài tháng chuẩn bị hồ sơ, Ngọc Phương lựa chọn không thi SAT để thời gian tập trung cho bài luận và điểm IELTS.
Trước đây, muốn ứng tuyển vào ĐH Mỹ, thí sinh phải bắt buộc có điểm SAT trong hồ sơ. Nhưng từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, các cuộc thi chuẩn hóa bị hủy, nhiều Trường ĐH ở Mỹ đã đưa ra quyết định điểm SAT không còn nằm trong danh sách những điều bắt buộc khi ứng tuyển.
Phải có giấy xét nghiệm âm tính
Bên cạnh Mỹ, Canada cũng là thị trường du học lớn của sinh viên Việt. Từ tháng 6-2021, chính phủ Canada đã thông báo mở cửa biên giới giai đoạn 1. Khi nhập cảnh vào nước này, du học sinh đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Pfizer, Moderna, AstraZeneca/COVISHIELD, Janssen sẽ không phải cách ly tại ký túc xá. Kèm theo đó, du học sinh phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR âm tính. Nếu du học sinh chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đủ liều sẽ được đăng ký để hoàn tất tiêm chủng nhưng phải cách ly 14 ngày và tự chi trả chi phí.
Bạn Nguyễn Ngọc Minh Thư, vừa sang du học tại bang New South Wales (Úc), cho hay trước khi nhập cảnh em đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin AstraZeneca nên không cần cách ly. Nhưng để bảo đảm an toàn, Thư lựa chọn tự cách ly tại phòng 7 ngày và làm xét nghiệm nhanh.
Minh Thư thông tin dù Úc mở cửa cho du học sinh từ ngày 15-12-2021 nhưng dịch Covid-19 ở đây vẫn còn phức tạp, do đó lực lượng an ninh sẽ kiểm soát chặt chẽ du học sinh khi nhập cảnh. Những du học sinh Việt trước khi sang Úc cần chuẩn bị giấy chứng nhận vắc-xin 2 mũi song ngữ, khai báo thông tin cá nhân, scan hộ chiếu, lịch sử di chuyển trong 14 ngày, địa chỉ nơi ở tại Úc…
Tại các nước châu Á, du học sinh phải cách ly tại nơi ở trong 14 ngày khi nhập cảnh. Ở châu Âu, du học sinh đến từ Việt Nam được lựa chọn cách ly tự nguyện, không bắt buộc.
Nguồn: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/nhung-thay-doi-khi-du-hoc-trong-nam-moi-2022011521...
Thời gian sắp tới, Việt Nam sẽ sớm mở thêm nhiều chuyến bay để du học sinh sang Úc tiếp tục con đường học tậpDu học Úc luôn là chủ đề được bàn tán bởi những học sinh muốn trải nghiệm, tìm kiếm đam mê tại một đất nước phát triển hàng đầu về giáo dục. Việt Nam hiện đứng thứ tư trong nhóm 5 nước có nhiều sinh viên đang theo học tại Úc nhất, sau Trung Quốc, Ấn Độ và Nepal.
Vừa qua, Hội Sinh viên Việt Nam tại Úc (SVAU) đã phối hợp với Hội Sinh viên Việt Nam TP HCM tổ chức thành công sự kiện “Ngày hội Du học Úc” theo nền tảng trực tiếp và trực tuyến.
Tại đây, phụ huynh học sinh, sinh viên được lắng nghe, chia sẻ về cuộc sống du học Úc từ khách mời của sự kiện là cựu du học sinh, du học sinh tiêu biểu tại Úc…; đồng thời được cập nhật tình hình, những đổi mới khi du học Úc từ đại diện của cơ quan chuyên môn nhà nước về giáo dục, ngoại giao.
Tại buổi hội thảo, bà Rebecca Ball, Phó Tổng Lãnh sự Thương mại Úc tại Việt Nam, cho biết du học sinh Việt là một phần quan trọng của cộng đồng Úc. Do đó, chính phủ Úc luôn chào đón các em đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 trở lại trường học tập.
"Chính phủ Úc sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác giáo dục quốc tế nhằm giảm thiểu tác động của Covid-19, bao gồm việc tìm ra cách để hợp tác với các bang và vùng lãnh thổ cùng với cơ sở giáo dục nhằm hỗ trợ những em có mong muốn du học tìm kiếm thông tin dễ dàng" - bà Rebecca Ball nói.
Đại diện của các trường sẽ tư vấn ngành học, cách thức đăng ký, nộp hồ sơ
Việt Nam đã có một số chuyến bay thương mại đến Úc. Tham gia hội thảo, đại diện nhiều hãng hàng không cho biết thời gian tới sẽ mở lại nhiều chuyến bay đến Úc, giúp các em thuận tiện hơn và có nhiều lựa chọn khi quay trở lại nước này học tập.
....những học bổng cho học sinh, sinh viên
Ông Nguyễn Phúc Bình, Chủ tịch SVAU - tham gia trực tuyến từ Sydney, cho hay 2 TP lớn là Sydney và Melbourne luôn có tỷ lệ sinh viên Việt đến học tập rất đông vì đây là 2 trung tâm kinh tế lớn nhất của Úc. Cơ hội được tuyển dụng rất nhiều, mở ra hàng ngàn cơ hội việc làm cho tất cả sinh viên sau khi tốt nghiệp.
"SVAU luôn sát cánh, hỗ trợ du học sinh Việt từ khâu chuẩn bị hồ sơ du học đến đón tiếp khi các em qua Úc và hoà nhập với môi trường ở đây" - ông Bình chia sẻ.
Trong buổi hội thảo, các học sinh, sinh viên được trao đổi trực tiếp với đại diện tuyển sinh các trường ĐH tiêu biểu nằm trong khối G8 - nhóm 8 trường hàng đầu của Úc: ĐH Adelaide, ĐHQG Úc, ĐH Melbourne, ĐH Monash, ĐH New South Wales, ĐH Queensland, ĐH Sydney, ĐH Tây Úc (UWA)...
Nguồn: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/uc-mo-cua-don-du-hoc-sinh-viet-20220117093503689.h...
Mới đây, chính phủ New Zealand đã chính thức thông báo về việc mở cửa lại biên giới cho các đối tượng, bao gồm du học sinh quốc tế. Đây là một bước tiến tích cực cho lĩnh vực giáo dục quốc tế.
Lộ trình mở cửa biên giới gồm 5 giai đoạn, thực thi từ ngày 28/02/2022, bắt đầu với việc cho phép công dân New Zealand từ Úc, và sau đó là từ các nước khác, được trở về nước. Tiếp đến, từ ngày 14/3/2022, các sinh viên có visa thuộc các chương trình đặc cách nhập cảnh đặc biệt trước đó có thể được tự cách ly tại nhà khi đến New Zealand, thay vì tại các cơ sở cách ly tập trung, trong điều kiện đáp ứng và tuân thủ tất cả những yêu cầu về sức khỏe và quy định xuất nhập cảnh. Những đối tượng đang có thị thực tạm thời còn hiệu lực, bao gồm học sinh, sinh viên, và đáp ứng đủ các điều kiện thị thực cũng được quay trở lại New Zealand từ ngày 13/4/2022.
Ngoài ra, Chính phủ New Zealand cũng công bố chương đặc cách nhập cảnh lần thứ tư, cho phép 5.000 du học sinh có thể đến New Zealand từ tháng 4 năm 2022 để bắt đầu kỳ nhập học thứ hai của năm học vào tháng 7 năm 2022. Trước đó vào năm 2020 và 2021, Chính phủ New Zealand cũng đã có 3 đợt đặc cách nhập cảnh cho 2.250 du học sinh quốc tế.
Từ tháng 10 năm 2022, quy trình xét duyệt thị thực sẽ trở lại bình thường, cho phép du học sinh quốc tế có thể nhập học New Zealand vào năm 2023.
Ông Grant McPherson - Tổng Giám đốc Điều hành của Cơ quan Giáo dục New Zealand (gọi tắt là ENZ) khẳng định: “Mảng giáo dục quốc tế đã cho thấy sự kiên cường trước bối cảnh biên giới được kiểm soát nghiêm ngặt để hạn chế những nguy cơ từ đại dịch COVID-19. Thông báo của Chính phủ là một cơ hội để tái xây dựng và tái định hình lại giáo dục quốc tế, sẵn sàng cho những thử thách còn ở phía trước. Các giai đoạn trong lộ trình mở cửa biên giới cho phép các đơn vị giáo dục từng bước chào đón sự trở lại của các nhóm du học sinh trong năm 2022. Thông tin chi tiết về chương trình đặc cách nhập cảnh mới nhất dành cho du học sinh sẽ được công bố bởi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Bộ trưởng Bộ Di trú trong thời gian tới.”
Các giai đoạn trong lộ trình mở cửa biên giới cho phép mảng giáo dục quốc tế của New Zealand từng bước chào đón sự trở lại của du học sinh trong năm 2022
Ông Grant McPherson cho biết sự đổi mới và đa dạng hóa các sản phẩm giáo dục thông qua hình thức giảng dạy trực tuyến, du học bán phần và du học tại chỗ trong những năm gần đây, vẫn sẽ giữ vai trò quan trọng trong tương lai của ngành giáo dục quốc tế. “Các đơn vị giáo dục New Zealand luôn đánh giá cao việc xây dựng các mối quan hệ đối tác quốc tế, cũng như mong muốn phát triển những cách tiếp cận giáo dục mới để đáp ứng nhu cầu của học sinh sinh viên. Đây là những yếu tố mang tính quyết định cho sự phát triển bền vững trong tương lai, và chất lượng đầu ra của giáo dục.”
Anh Trần Quang Tánh - nghiên cứu sinh bậc Tiến sĩ tại Đại học Otago, một trong những sinh viên Việt Nam được đặc cách nhập cảnh ngay trong đợt đầu tiên, chia sẻ: “Việc quay trở lại New Zealand để tiếp tục công việc học chính là niềm vui và hạnh phúc của mình và vợ. Mình đã trải qua khoảng thời gian một năm tại Việt Nam trước khi quay trở lại New Zealand. Trong khoảng thời gian đó, mình vẫn duy trì được công việc từ xa và giao tiếp với các Giáo sư hướng dẫn thông qua các phương tiện kết nối trực tuyến. Tuy nhiên, mình đã không thể thực hiện được những nghiên cứu cần thiết, một phần vì sự thiếu hụt thiết bị, cùng với những khó khăn khác. Vì thế, việc được trở lại New Zealand để tiếp tục nghiên cứu là điều quan trọng đối với mình và giúp giảm bớt sự lo âu của gia đình”.
New Zealand là một trong những quốc gia được ghi nhận có chính sách kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.
Học sinh, sinh viên Việt Nam có thắc mắc về chương trình đặc cách nhập cảnh của Chính phủ nên liên lạc với trường mình muốn theo học hoặc các đơn vị tư vấn du học, hoặc có thể vào trang web NauMai NZ để tham khảo những thông tin hữu ích dành cho du học sinh quốc tế tại New Zealand, cũng như chuẩn bị cho hành trình du học. Bên cạnh đó, người học cũng có thể tìm hiểu thêm về hệ thống giáo dục, cơ hội học bổng, cũng như các chương trình học phù hợp tại New Zealand trên trang web StudywithNewZealand.
Bên cạnh một số quốc gia mở cửa đón du học sinh như Úc hay New Zealand, tình hình du học tại một số quốc gia châu Á lại chưa có dấu hiệu khả quan.
Tại Trung Quốc, các hoạt động du học Trung Quốc đang tạm lắng. Trên các diễn đàn, hội nhóm..., du học sinh liên tục hỏi thăm nhau về thông tin trở lại trường nhưng không có câu trả lời. Được biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, Trung Quốc sẽ cắt giảm học bổng nên mức độ cạnh tranh sẽ khó khăn hơn. Nếu muốn xin được suất học bổng tốt, học sinh sinh viên cần có chứng chỉ tiếng trình độ cao và kết quả học tập cũng như những thành tích hoạt động ngoại khóa "ghi điểm".
Về phía Nhật Bản, quốc gia này đã cấm nhập cảnh với người nước ngoài không cư trú kể từ ngày 30/11/2021, có hiệu lực ít nhất đến cuối tháng 2/2022. Tình hình này khiến cho nhiều du học sinh rơi vào cảnh chờ đợi. Thời gian chờ đợi quá lâu được cho là nguyên do khiến một số lượng lớn học sinh, sinh viên bày tỏ không còn muốn đến Nhật để học tập nữa.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/du-hoc-trong-nam-moi-uc-new-zealand-mo-cua-tai-nhi...
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/du-hoc-trong-nam-moi-uc-new-zealand-mo-cua-tai-nhi...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn