4 diễn biến
Tại Hội nghị trực tuyến về phòng chống dịch COVID-19 TP Hải Phòng, ông Bùi Văn Kiệm – Giám đốc Sở GD&ĐT thông tin, tích lũy đến nay ngành giáo dục ghi nhận có 22.652 ca (1.288 giáo viên và 21.364 học sinh) dương tính SARS-CoV-2. Trong đó, 6.104 bệnh nhân chưa tiêm vắc xin.
Ông Bùi Văn Kiệm đánh giá, việc trẻ đến trường hay ở nhà thì nguy cơ nhiễm bệnh như nhau vì vẫn có tiếp xúc với ông bà, bố mẹ, người thân có nguy cơ mang bệnh. Ông Kiệm nêu quan điểm, ngành giáo dục và nhà trường luôn mở cửa, sẵn sàng đón dạy dù chỉ 1 học sinh đến lớp.
Sở đã triển khai các kịch bản giảng dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến tới từng cơ sở, trường học. Cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục đều đã được tiêm vắc xin, xét nghiệm trước khi đi làm.
Đồng thời, Sở cũng phối hợp với ngành y tế đảm bảo điều kiện an toàn phòng chống dịch tại trường lớp do đó, các phụ huynh có thể yên tâm khi đưa con em tới trường.
Trường học các cấp ở Hải Phòng dạy trực tuyến trở lại từ ngày 14/2.
Ông Bùi Văn Kiệm thông tin, qua kiểm tra các cơ sở giáo dục ngày đầu dạy trực tuyến trở lại, các trường đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch và thận trọng khi đón trẻ. Theo thống kê, tỷ lệ học sinh đến trường mầm non (15%), tiểu học (28%), trung học cơ sở (43%).
Ở các cấp mầm non, nhà trường đón trẻ trên tinh thần tự nguyện của gia đình, trong chương trình giáo dục không đặt nặng kiến thức, chủ yếu ôn tập và rèn luyện kỹ năng.
Ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng nhận định, số ca mắc COVID-19 sau Tết tăng cao so với trước do đó, yêu cầu các quận huyện tăng cường hơn nữa công tác phòng chống dịch, tập trung tuyên truyền để người dân không chủ quan, hoang mang, đặc biệt đối với việc tự ý sử dụng thuốc.
Ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng kết luận tại cuộc họp trực tuyến công tác phòng chống dịch.
Ngành giáo dục thực hiện kế hoạch tổ chức học trực tiếp kết hợp trực tuyến dựa vào tình hình từng trường, lớp như đã triển khai. Trường hợp học sinh, giáo viên là F0 thì sẽ điều trị tại nhà. F1 xét nghiệm âm tính được tiếp tục đi học. Tất cả các trường mở cửa đón học sinh, trường nào tổ chức học bán trú tiếp tục thực hiện bán trú.
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cũng yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo lực lượng thanh tra tổ chức kiểm tra các quầy bán thuốc điều trị COVID-19, xử lý nếu thực hiện không đúng quy định.
Nguồn: https://tienphong.vn/hon-22-600-hoc-sinh-giao-vien-hai-phong-mac-covid-19-post1416255.t...
Ngày 15/2, thông tin từ UBND Tp.Vinh, tỉnh Nghệ An, đơn vị vừa có Thông báo số 54/TB-UBND về cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn. Theo đó, có 22/25 phường, xã ở cấp độ 4; 1 phường cấp độ 3 và 2 phường, xã cấp độ 2.
Các phường, xã cấp độ 4 gồm: Trường Thi, Hưng Bình, Cửa Nam, Nghi Phú, Bến Thủy, Hưng Dũng, Đông Vĩnh, Lê Lợi, Trung Đô, Nghi Ân, Hưng Hòa, Hưng Lộc, Lê Mao, Quang Trung, Hưng Đông, Vinh Tân, Nghi Liên, Đội Cung, Hưng Phúc, Hồng Sơn, Hưng Chính và Nghi Đức.
Phường Quán Bàu cấp độ 3, phường Hà Huy Tập và xã Nghi Kim cấp độ 2.
UBND Tp.Vinh yêu cầu các phường, xã căn cứ cấp độ dịch được công bố để nghiêm túc triển khai các biện pháp hành chính "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" theo quy định.
Ở thời điểm này, toàn tỉnh Nghệ An đang có 99 phường, xã, thị trấn được đánh giá cấp độ 4 (nguy cơ rất cao); 51 phường, xã, thị trấn cấp độ 3 (nguy cơ cao); 165 phường, xã, thị trấn cấp độ 2 (nguy cơ) và 145 phường, xã, thị trấn cấp độ 1 (bình thường mới).
Lực lượng ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.
Sau kỳ nghỉ Tết, tình hình dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp, số ca nhiễm trong cộng đồng tăng nhanh. Nguyên nhân chủ yếu do một số nơi chưa triển khai quyết liệt, triệt để các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là việc theo dõi, quản lý, xét nghiệm cho người từ ngoại tỉnh về địa phương; một số bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là, tập trung đông người, không thực hiện nghiêm khuyến cáo "5K" của Bộ Y tế...
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tăng cường chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Cùng với đó, khẩn trương, quyết liệt triển khai thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch năm 2022.
Lũy kế từ đầu mùa dịch đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 35.566 ca mắc COVID-19. Lũy kế số bệnh nhân điều trị đã khỏi bệnh, ra viện 16.699 bệnh nhân. Lũy kế số bệnh nhân tử vong 62 bệnh nhân. Số bệnh nhân hiện đang điều trị 18.805 bệnh nhân.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/tpvinh-cong-bo-cap-do-dich-2225-phuong-xa-la-vung-do-a543037...
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn có công văn 628 trả lời Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch cho ý kiến về dự thảo Công văn tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường (theo công văn số 353/BVHTTDL-VHCS ngày 28/1).
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe người dân, Bộ Y tế đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cân nhắc bổ sung vào nội dung dự thảo công văn một số nội dung.
Theo Bộ Y tế, việc hoạt động trở lại các hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường cần căn cứ trên kết quả đánh giá cấp độ dịch bệnh tại mỗi địa phương, khu vực có hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường.
Ngoài ra, nơi thực hiện hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường thường là nơi có không gian kín nên dễ xảy ra lây nhiễm COVID-19. Do vậy, theo góp ý của Bộ Y tế, khi hoạt động trở lại cần tăng cường các biện pháp vệ sinh, phòng chống lây nhiễm tại khu vực cung cấp dịch vụ karaoke, vũ trường (khử khuẩn, thông khí, …).
Công văn của Bộ Y tế cũng nêu, lưu ý, với người tham dự cần thực hiện nghiêm 5K, tiêm phòng vắc-xin đủ liều, không cung cấp dịch vụ cho người đang có các triệu chứng mắc COVID-19 (ho, sốt…).
Cùng với đó, địa phương, nơi cung cấp dịch vụ karaoke, vũ trường cần có kế dự phòng, đáp ứng với các tình huống dịch bệnh có thể xẩy ra trong khu vực cung cấp dịch vụ để khoanh vùng gọn, không để lây lan rộng ra cộng đồng (nếu ghi nhận ổ dịch).
Trước đó, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch có dự thảo công văn gửi UBND các tỉnh, Tp. trực thuộc Trung ương về tổ chức các hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường sau thời gian tạm đóng cửa phòng dịch COVID-19.
Theo đó, cơ quan này đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị định số 54 ngày 19/6/2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.
Xây dựng phương án cho phép các doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường được hoạt động trở lại khi đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, an ninh trật tự và phòng, chống cháy nổ.
Bộ này cũng đề nghị các tỉnh, thành tổ chức triển khai phương án kiểm tra, rà soát, thẩm định và chỉ cho phép hoạt động đối với cơ sở kinh doanh đáp ứng đủ điều kiện và kịp thời điều chỉnh hoạt động của các đơn vị phù hợp với cấp độ dịch ở địa phương... Đặc biệt cần tăng cường công tác thanh tra, quản lý, chấn chỉnh, xử lý các doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường không chấp hành các quy định phòng, chống dịch.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/can-nhac-bo-sung-quy-dinh-mo-lai-karaoke-vu-truong-a543016.h...
Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Nam Định diễn biến rất phức tạp, số ca nhiễm tăng cao, bình quân ghi nhận trên 1.200 ca/ngày (gấp gần 3 lần so với tuần trước).
10/10 huyện, thành phố của tỉnh Nam Định liên tiếp ghi nhận các chùm ca bệnh cộng đồng có yếu tố dịch tễ phức tạp, có liên quan đến khu công nghiệp, chợ, doanh nghiệp, cơ quan, nơi tập trung đông người.
Cụ thể ngày 14/2 ghi nhận 1.362 ca mắc, trong đó có 1.031 ca cộng đồng, trước đó ngày 13/2 ghi nhận 1.894 số ca mắc cao kỷ lục tại địa phương này.
Nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 tại Nam Định tăng cao trong những ngày qua được cho là do trong dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu giao thương, lễ hội nên việc đi lại, tập trung đông người của người dân tăng cao.
Ý thức người dân trong chủ động phòng, chống dịch bệnh COVID-19 chưa cao, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Đồng thời một số đơn vị, địa phương có lúc còn lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch…
Sau Tết, Nam Định liên tiếp nằm trong top đầu cả nước về số ca mắc COVID-19.
Nhằm tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 tỉnh Nam Định yêu cầu các huyện, thành phố:
Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19
Tuyên truyền nâng cao nâng cao ý thức người dân, tự giác thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng, nhất là việc thực hiện yêu cầu 5K + vaccine khai báo y tế, chủ động xét nghiệm khi có các triệu chứng như ho, sốt, khó thở...
Vận động người dân hạn chế di chuyển đến các tỉnh, thành phố khác, nơi tập trung đông người khi không thực sự cần thiết; không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, các lễ cưới chỉ tổ chức trong phạm vi gia đình, tổ chức lễ tang với quy mô nhỏ gọn và cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện nghiêm nội dung trên và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội trên địa bàn tỉnh.
Đẩy nhanh công tác tiêm phòng vaccine COVID-19
Nam Định yêu cầu các huyện, thành phố đẩy nhanh công tác tiêm phòng vaccine COVID-19, cụ thể hoàn thành tiêm mũi 3 vaccine COVID-19 cho những người từ 18 tuổi trở lên trong tháng 3/2022.
Các huyện, thành phố phải tổ chức ít nhất 01 địa điểm tiêm cố định, liên tục 7/7 ngày trong tuần; thông báo rộng rãi, công khai địa điểm, thời gian để mọi người dân đến tiêm khi đủ điều kiện được tiêm và báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Y tế, Văn phòng UBND tỉnh) trước ngày 16/02/2022.
Tiếp tục tổ chức các tổ lưu động khẩn trương tiêm vét vaccine ngay tại nhà cho những người chưa được tiêm đủ vaccine vì lý do sức khỏe không thể đến nơi tiêm tập trung; đảm bảo không bỏ sót người đủ điều kiện mà không được tiêm vaccine.
Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi khi có hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Y tế.
Tăng cường quản lý, điều trị F0 tại nhà
Các địa phương trong tỉnh Nam Định thực hiện nghiêm việc cách ly F1, điều trị F0 nhẹ hoặc không triệu chứng tại nhà phải đảm bảo các điều kiện theo hướng dẫn của ngành y tế; đồng thời kiểm soát nghiêm nghặt việc cách ly, điều trị tại nhà theo quy định.
Đảm bảo các điều kiện để duy trì hoạt động các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở thu dung, điều trị để kịp thời phục vụ các trường hợp không đủ điều kiện cách ly y tế, điều trị tại nhà.
Đảm bảo đầy đủ các điều kiện vận hành trạm y tế lưu động để hỗ trợ người dân được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, được theo dõi, chăm sóc y tế và được dùng thuốc điều trị đầy đủ. Công bố công khai số điện thoại đường dây nóng của trạm y tế, trạm y tế lưu động để kịp thời tư vấn, hỗ trợ, xử lý các trường hợp cấp bách.
Khẩn trương triển khai mua sắm, lắp đặt hệ thống ô xy trung tâm theo quy định để phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng vừa và nặng.
Sẵn sàng phương án ứng phó các tình huống dịch bệnh trong trường học
Nam Định tiếp tục triển khai tốt phương án tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục đảm bảo an toàn, chủ động, sẵn sàng ứng phó với các tình huống của dịch bệnh.
Gia đình phụ huynh cần thường xuyên phối hợp với nhà trường trong việc thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Các cơ sở giáo dục chủ động bố trí, sắp xếp chương trình học tập phù hợp với tình hình diễn biến dịch COVID-19.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/so-ca-mac-cao-ky-luc-nam-dinh-khan-truong-chong-dich-16922021...
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/covid-19-152-hon-22600-hoc-sinh-giao-vien-duong-ti...
Dịch COVID-19
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn