Vào năm 1993, châu Phi trải qua nạn đói tồi tệ bậc nhất lịch sử nhân loại. Cho đến tận ngày nay, bức ảnh "Kền kền chờ đợi" của phóng viên ảnh Kevin Carter vẫn còn khiến người ta phải rùng mình vì lột tả được sự thật tàn khốc lúc bấy giờ. Trong ảnh là một bé gái người Sudan với thân hình gầy rộc tàn tạ, gần như chỉ còn da bọc xương vì đói, không còn chút sức lực nào, gục xuống mặt đất. Phía xa xa, một con kền kền đang chờ đứa trẻ chết đi để rỉa xác.
Vào ngày 26/3/1993, khi những bức ảnh ghi lại nạn đói ở Sudan của Kevin được tờ New York Times đăng tải, độc giả đã có phản ứng vô cùng dữ dội. Nhiều người nói rằng phóng viên ảnh Kevin quá vô nhân đạo, lẽ ra anh phải bỏ camera xuống để chạy đến cứu cô bé trước sự rình rập của con kền kền. Cuộc tranh cãi bùng lên chỉ vài tháng sau khi Kevin giành được giải Pulitzer cho bức ảnh này. Trước áp lực khủng khiếp của dư luận, đến cuối tháng 7/1994, nhiếp ảnh gia này đã qua đời.
Nhờ gạt bỏ cảm xúc mà Kevin Carter cùng những phóng viên ảnh khác đã chứng kiến vô số thảm kịch và tiếp tục công việc của mình. Phản ứng dữ dội của thế giới với bức ảnh "Kền kền chờ đợi" dường như là sự trừng phạt cho điều đó. Trong thực tế, Kevin không hề vô cảm. Những sự thật đau lòng bày ra trước mắt đã tác động sâu sắc và nặng nề tới nhiếp ảnh gia này.
Kevin Carter lớn lên tại Nam Phi trong thời kỳ phân biệt chủng tộc. Anh trở thành một phóng viên ảnh để có thể ghi lại cách đối xử tồi tệ giữa người da trắng với người da đen, giữa người Xhosas với người Zulus.
Cùng một số phóng viên ảnh khác, Kevin bắt tay vào hành động để có được những tấm ảnh để đời. Một tờ báo Nam Phi đã đặt biệt danh cho nhóm những phóng viên này là CLB Bang-Bang. Đây là những người vạch trần tình trạng bạo lực cực đoan đang xảy ra tại những thị trấn ở Nam Phi.
Chỉ trong một vài năm ngắn ngủi, Kevin và đồng nghiệp đã chứng kiến vô số vụ giết người với những hình thức vô cùng tàn bạo, đẫm máu. Khi đến nhận nhiệm vụ đặc biệt ở Sudan, anh đã có cơ hội chụp lại bức ảnh đắt giá "Kền kền chờ đợi".
Kevin dành vài ngày đi tham quan những ngôi làng đầy rẫy người chết đói. Trong suốt thời gian đó, những binh sĩ Sudan có vũ trang luôn vây quanh để ngăn người phóng viên này can thiệp. Rất nhiều bức ảnh là bằng chứng cho thấy ngay cả khi Kevin muốn giúp đỡ cô bé trong ảnh thì những người lính cũng không cho phép điều đó xảy ra.
Sau khi có nhiều độc giả gọi điện và gửi thư đến tòa soạn để hỏi về kết cục của cô bé trong ảnh, tờ New York Times đã có một động thái cực hiếm đó là đăng ghi chú của biên tập viên, nói rõ: "Nhiếp ảnh gia cho biết cô bé đã phục hồi để tiếp tục cuộc hành trình sau khi con kền kền bị xua đi. Không rõ sau đó cô bé có tới được trung tâm (phát chẩn đồ ăn) hay không".
Hầu hết công chúng đều không hiểu tại sao Kevin Carter và các thành viên nhóm Bang-Bang lại liều lĩnh làm công việc đó từ ngày này qua ngày khác. Và nó mang đến cho họ nhiều thiệt hại, trường hợp của Kevin chính là một ví dụ.
Hàng ngày, nhiếp ảnh gia này phải sử dụng cocaine và các loại ma túy khác để không bị ám ảnh bởi những gì mình chứng kiến. Anh thường tâm sự với một người bạn của mình là phóng viên chiến trường Judith Matloff. Câu chuyện của họ sẽ xoay quanh "tội lỗi về những người mà anh ấy không thể giúp, anh ấy đã chụp lại cảnh lúc họ bị giết". Tất cả mọi thứ trở thành một vòng xoáy trầm cảm. Bạn bè đều thấy được Kevin đang biến thành một kẻ trốn chạy.
Sau đó, người bạn thân nhất của Kevin là Ken Oosterbroek bị bắn chết khi đang tác nghiệp. Kevin tự dằn vặt cho rằng người chết lẽ ra phải là anh. Ngày hôm ấy, anh không có mặt tại hiện trường vì bận tham gia trả lời phỏng vấn về giải Pulitzer. Cùng tháng đó, Nelson Mandela trở thành tổng thống Nam Phi.
Suốt cuộc đời mình, Kevin Carter tập trung vào việc vạch trần những tệ nạn của chế độ phân biệt chủng tộc. Anh ấy không biết làm gì với cuộc sống của mình. Hơn hết, anh cảm thấy mình cần sống xứng đáng với giải Pulitzer đã nhận được. Tuy nhiên ngay sau đó, khi rơi vào chán nản cùng cực, Kevin đã mắc phải một sai lầm khủng khiếp.
Khi được phân công chụp hình cho tạp chí TIME, Kevin đã tới Mozambique. Trên chuyến bay trở về, anh đã bỏ quên tất cả 16 cuộn phim của mình trên máy bay. Chưa đầy một tuần sau đó, Kevin lái xe tới một công viên, rồi tự tử bằng khí độc carbon monoxide và qua đời ở tuổi 33.
Tin Kevin Carter qua đời làm rúng động thế giới. Lúc này, người ta mới tìm hiểu sự thật đằng sau bức ảnh khiến anh bị đả kích nhiều nhất. Phóng viên Arenzana, người có mặt tại hiện trường cùng Kevin lúc đó cho biết đứa trẻ trong bức ảnh lúc ấy chỉ còn cách trung tâm phát chẩn có vài mét. Xung quanh em không chỉ có con kền kền mà còn có bố mẹ và các nhân viên y tế.
Sau đó, phóng viên Alberto Rojas người Tây Ban Nha còn tìm gặp bố của đứa bé trong ảnh và biết được đứa trẻ không chết vì nạn đói năm ấy. Nhưng 14 năm sau, đứa trẻ này đã bị sốt rét và qua đời. Như vậy, không hề có chuyện đứa trẻ chết đói và trở thành mồi cho con kền kền như nhiều độc giả suy diễn. Điều đáng tiếc là Kevin không biết được sự thật này. Anh đã trải qua những ngày tháng cuối đời sống trong dằn vặt, tội lỗi không lối thoát.
Việc giành giải Pulitzer đã gây áp lực cho Kevin nhưng nó không trực tiếp dẫn đến cái chết của anh. Nó chỉ làm tăng thêm cảm giác tội lỗi mà anh tích lũy khi ghi lại những góc khủng khiếp nhất của thế giới. Nhưng chính nhờ những bức ảnh ám ảnh ấy mà nạn đói ở Sudan được thế giới biết đến. Kevin Carter đã để lại một dấu ấn không bao giờ phai mờ trên hành tinh này.
.content .btn-cv19-link *{box-sizing:border-box}.content .btn-cv19-link{max-width:700px;margin:20px auto}.btn-cv19-link{border-top:1px solid #dfdfdf;margin:20px 0}.btn-cv19-link p{display:flex;padding:15px 0 0;margin:0 -5px !important}.btn-cv19-link p a{flex:0 0 33.33%;max-width:33.33%;padding:0 5px;position:relative}.btn-cv19-link p a img{vertical-align:middle;height:36px !important}.btn-cv19-link p a:before{content:"";position:absolute;top:-16px;left:0;width:100%;height:2px;background:#e28aa5;transition:all ease .5s;transform:scale(0)}.btn-cv19-link p a:hover:before{transform:scale(1)}
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/nhiep-anh-gia-chup-buc-anh-ken-ken-cho-doi-ra-di-o...
Tin tức 24h
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn