Acid benzoic được phép sử dụng trong thực phẩm ở Việt Nam
Những ngày gần đây thông tin về việc tương ớt Chinsu bị thu hồi ở Nhật Bản vì có chất cấm đang khiến dư luận hoang mang. Bởi lẽ loại tương ớt này được rất nhiều gia đình sử dụng phổ biến.
Theo thông báo của cơ quan chức năng Nhật Bản, Chinsu vi phạm về Luật Vệ sinh thực phẩm Nhật do acid benzoic không được cho phép sử dụng trong tương ớt ở Nhật Bản.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định, acid benzoic là chất có trong danh mục phụ gia bảo quản thực phẩm của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế mà cả Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên.
Loại tương ớt bị Nhật Bản thu hồi.
Cục an toàn thực phẩm cho biết thêm, hiện việc sử dụng phụ gia trong thực phẩm đa số các nước (186 nước) đều dùng theo tiêu chuẩn chung của Codex, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, đó là tiêu chuẩn chung, còn về thực tế có nước cho phép sử dụng, nhưng có nước lại cấm không cho sử dụng.
“Riêng đối với chất acid benzoic ở Việt Nam được phép sử dụng trong thực phẩm. Tuy nhiên, việc sử dụng chất này được quy định cụ thể và hàm lượng khi đưa vào các sản phẩm”, vị lãnh đạo này nói.
Được biết, chất acid benzoic đã được quy định tại Văn bản hợp nhất số 02 của Bộ Y tế (VB 02/VBHN-BYT) Hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm ngày 15/6/2015 (trước đây được quy định trong Thông tư số 27/2012/TT - BYT ngày 30/11/2012).
Theo đó, acid benzoic nằm trong danh mục chất bảo quản được phép sử dụng tại Việt Nam với ngưỡng ML (max level) là 1000mg/kg (tại trang 154 của Văn bản trên).
Acid benzoic là chất bảo quản có mã 210 được Bộ Y tế Việt Nam cho phép sử dụng.
Dùng nhiều acid benzoic có nguy hiểm không?
Việc việc Nhật Bản thu hồi tương ớt Chinsu vì nước này cấm không cho sử dụng acid benzoic trong tương ớt, nhiều người đặt ra câu hỏi về việc acid benzoic có nguy hiểm không và dùng như thế nào thì nguy hiểm?
Các chuyên gia về an toàn thực phẩm cho rằng, ở Việt Nam chất này được sử dụng trong bảo quản thực phẩm vì thế nó chỉ gây hại trong trường hợp hàm lượng vượt quá ngưỡng cho phép.
“Không chỉ acid benzoic mà bất kể chất gì, thực phẩm gì dù được cho phép sử dụng hay sạch đến mấy dùng nhiều cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Có những chất sẽ ảnh hưởng ngay lập tức (cấp tính), nhưng có những chất sẽ tích tụ dần dần sau này mới mắc bệnh”, PGS Nguyễn Duy Thịnh – Chuyên gia về công nghệ thực phẩm nói.
PGS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, chỉ khi dùng vượt ngưỡng mới gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Theo vị chuyên gia này, benzoic là loại acid có tác dụng chống lại các vi sinh vật, nấm mốc. Nếu không có chất bảo quản này thực phẩm sẽ rất nhanh bị hỏng. PGS Thịnh cũng cho rằng, không chỉ tương ớt mà acid benzoic còn được sử dụng trong nhiều thực phẩm khác như các sản phẩm từ trái cây, sữa lên men, bánh kẹo, rau thanh trùng...
Về những tác hại với con người khi sử dụng vượt ngưỡng cho phép, PGS Thịnh cho biết lượng gây ngộ độc ở người khi sử dụng acid benzoic là 6mg/1kg trọng lượng cơ thể, tức là một người lớn nặng khoảng 50kg sẽ phải tiêu thụ 300mg acid benzoic mới có thể gây ngộ độc. “Nếu ăn nhiều axit benzoic, cơ thể sẽ bị ảnh hưởng vì glucocol dùng để tổng hợp protein sẽ bị mất do tác dụng với axit benzoic để giải độc.
Ngoài ra acid benzoic có thể gây kích ứng dạ dày, viêm dạ dày, tác động đến đường hô hấp, hệ thần kinh... cho người sử dụng. Nếu dùng với hàm lượng lớn thì có thể gây ngộ độc, tuy nhiên trường hợp này là rất hiếm gặp.
Bởi tương ớt không thể sử dụng được nhiều như một số thực phẩm khác, mà họ chỉ dùng như một loại gia vị, không có thể ăn hết hàng lít tương ớt một lúc, nên mọi người không nên quá lo ngại”, PGS Thịnh nói.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn