Quan điểm sai lầm: Rau là thứ cấp, chỉ người nghèo đói mới ăn rau
TS Từ Ngữ - Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết, trong đời sống ẩm thực của nhiều gia đình Việt hiện nay, lượng rau có trên mâm cơm còn rất ít, mặc dù nước ta là nước nhiệt đới, có đa dạng các loại rau củ quả quanh năm.
Sở dĩ có tình trạng trên là do người Việt đánh giá rất thấp vai trò của rau trong bữa ăn. Nhiều người cho rằng rau không có chất dinh dưỡng, rau là thực phẩm thứ cấp chỉ dành cho người nghèo và để đánh giá chất lượng bữa ăn phải nhìn vào số lượng thịt, cá trên mâm. Ngoài ra, một vấn đề khác cũng khiến nhiều người không dám sử dụng nhiều rau đó là lo ngại tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, phân bón…
Lượng rau trên mâm cơm người Việt hiện nay còn quá ít.
Từ những lý do trên, TS Từ Ngữ cảnh bảo: “Người Việt đang ăn rất thiếu rau so với khuyến nghị 400gram rau/ngày (với người trưởng thành). Hơn nữa, cũng phải nói rõ thêm rằng rau ở đây bao gồm cả rau lá, củ và quả”.
Việc ăn thiếu rau, TS Từ Ngữ cho rằng sẽ để lại hệ lụy rất lớn với sức khỏe, vì vai trò của rau cực kỳ quan trọng, giúp cơ thể khỏe mạnh. Bởi rau cung cấp các vitamin hòa tan trong nước, có các chất oxy hóa ngăn ngừa lão hóa, phòng bệnh ung thư.
Không chỉ có vậy, rau cung cấp chất xơ giúp cho quần thể vi khuẩn có lợi phát triển, tốt cho hệ tiêu hóa. Các chất xơ hòa tan còn làm giảm cholesterol có hại trong các mạch máu nhỏ giảm nguy cơ mắc các bệnh như: bệnh tim, bệnh chuyển hóa, tuần hoàn máu...
“Chất xơ có tác dụng rất lớn quét sạch chất độc trong ruột ra ngoài. Chất xơ còn giúp cho dạ dày co bóp thức ăn tốt hơn nhờ đó mà thức ăn có thể tiêu hoá dễ dàng và hấp thu vào cơ thể", TS Từ Ngữ cho hay.
Người trưởng thành nên ăn đủ 400gram rau củ quả/ngày.
Nấu rau phải biết cách để không mất chất dinh dưỡng
TS Từ Ngữ cho biết nhiều người nấu rau theo thói quen, mua thật nhiều rau được cho là sạch tích trữ ăn dần… Đây là quan điểm sai lầm khiến các chất có trong rau bị biến chất.
Theo vị chuyên gia này, khi lấy rau ngoài vườn hay mua về cần phải sơ chế (nhặt lá vàng, rửa sạch). Điều đặc biệt lưu ý là khi rửa rau không được vò nát rau vì các vitamin sẽ phôi ra hòa tan trong nước.
Không nên luộc rau bằng cách thả trực tiếp vào nước lạnh.
Rau sau khi được rửa sạch nên nấu ngay vì vitamin có trong rau nhất là vitamin C nếu để ở nhiệt độ thường sau 6 giờ sẽ mất đi 50% giá trị. Đặc biệt, khi nấu canh hoặc luộc rau cần đun sôi nước thật già mới cho rau vào, rau chín tới cần vớt ra ngay. “Đối với rau nấu canh, rau luộc cần cho ít nước và khi ăn rau cần uống cả nước vì quá trình luộc, các chất có trong rau đã thôi ra cùng nước”, TS Từ Ngữ lưu ý.
Khi xào nấu rau cũng nên mở vung để các chất như hóa chất bảo vệ thực vật (nếu có) sẽ bay hơi. Bởi các hóa chất bảo vệ thực vật gốc hữu cơ dễ phân hủy khi gặp nhiệt độ cao.
Làm sao để lựa chọn rau an toàn?
Theo hướng dẫn của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khi mua rau người dân không nên mua rau quả trái vụ, bởi rau quả trái vụ không thuận lợi về điều kiện thời tiết để phát triển nên dễ bị sâu bọ, rau cằn cỗi, người trồng sử dụng nhiều hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng.
Ngược lại, cũng không nên mua rau quá mỡ màng, quá non, các loại củ quả quá bỏng bảy vì có thể người trồng sử dụng hóa chất, thuốc kích thích, thuốc bảo quản… Nên chọn rau quả nguyên lành, không dập nát, không có vết nứt, thủng.
Tốt nhất là nên rửa rau dưới vòi nước sạch.
Tốt nhất khi mua rau về nên rửa dưới vòi nước và rửa nhiều lần để trôi tồn dư hóa chất (nếu có). Nên rửa hai lần dưới vòi nước chảy và hai lần trong chậu nhiều nước sẽ giúp 40% - 90% tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật trên rau cải trôi đi.
“Đặc tính của hóa chất bảo vệ thực vật gốc lân hữu cơ là tan nhiều trong nước, vì vậy bằng cách ngâm và rửa trôi, chúng ta hoàn toàn có thể loại bỏ được tồn dư của chúng trên bề mặt lá rau.
Đối với các loại đậu quả, việc ngâm và rửa trôi trước khi nấu đạt hiệu quả khá cao. Đối với quả chín, động tác rửa trước khi bóc vỏ tuy đơn giản nhưng có tác dụng tốt loại trừ tồn dư của hóa chất bảo vệ thực vật” tài liệu Viện Dinh dưỡng Quốc gia hướng dẫn.
Trong quá trình lựa chọn, nếu thấy rau quả có mùi lạ, màu sắc khác thường, thực phẩm mua cùng chỗ mà đã có người ăn bị ngộ độc... mọi người cần dừng ngay không ăn tiếp.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/quan-diem-sai-lam-ve-rau-va-cach-nau-chuan-bai-khien-...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn