Ngày 27-9, bác sĩ (BS) Vũ Trung Kiên, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, bệnh viện (BV) Việt Nam-Thụy Điển (Uông Bí, Quảng Ninh), cho biết BV vừa cấp cứu một bệnh nhi bị chó nhà trọng thương.
Trước đó, khoảng 16 giờ 35 ngày 23-9, BV tiếp nhận bệnh nhi V.H.Đ (4 tuổi, xã Điền Công, Uông Bí, Quảng Ninh) trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc tốt, vùng mặt và cổ trước có nhiều vết thương nham nhở, chảy máu. Mẹ bệnh nhi cho biết, chiều cùng ngày, trong lúc bé Đ. Đang chơi gần nơi xích con chó nhà nuôi bỗng bị chó lao ra cắn.
Trong lúc bé Đ. Đang chơi gần nơi xích con chó nhà nuôi bỗng bị chó lao ra cắn (Ảnh minh họa)
Sau khi thăm khám, các BS chẩn đoán bé Đ. bị đa vết thương vùng mặt, cổ phức tạp do chó cắn. Vết thương vùng cổ trước dài khoảng 6cm, ngoài ra còn nhiều vết thương vùng má, mắt phải. Bệnh nhi đã được chuyển lên phòng mổ để xử lý các vết thương khâu phục hồi.
“Nạn nhân bị hai vết thương sâu tại vùng cổ, nguy cơ tổn thương các mạch máu lớn. Đặc biệt, vết thương vùng thanh khí quản đã làm tổn thương đường thở khiến trẻ bị suy hô hấp do phù nề, chèn ép sặc máu, nguy cơ tử vong cao”, BS Kiên cho biết thêm.
Sau bốn ngày điều trị, hiện bé Đ. đã ổn định sức khỏe, đi lại bình thường. Chiều 27-9, bé được gia đình đưa đến Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hạ Long để tiêm huyết thanh khám phòng dại.
Cũng theo BS Kiên, nếu chẳng may bị chó cắn, việc đầu tiên cần xử lý vết thương bằng nước và xà phòng liên tục trong 15 phút. Nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch, sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70% rồi đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, tiêm phòng dại kịp thời.
Đầu tháng 9 đến nay, BV Việt Nam -Thụy Điển Uông Bí tiếp nhận sáu nạn nhân bị thương do chó cắn. Các BS khuyến cáo người lớn không để trẻ nhỏ tiếp xúc với vật nuôi, chó mèo, đặc biệt là chó mới sinh, đang ăn, bị thương... Chó phải được tiêm vaccine ngừa dại định kỳ, khi thả chó ra khỏi nơi nuôi nhốt chó phải được rọ mõm để đảm bảo an toàn.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn