Thời gian vừa qua thời tiết liên tục thay đổi khi nóng lạnh thất thường, chính điều này khiến cho không ít người đổ bệnh, trong đó số lượng trẻ mắc cúm gia tăng đáng kể.
Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Thiện Hải (Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em - Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, trong tháng 10 và 11, trung tâm ghi nhận tới 820 ca nhập viện. Trong đó riêng tháng 11 có khoảng 500 ca. So với mọi năm, số trẻ mắc cúm nhập viện được ghi nhận tăng từ 10%-20% so với các năm trước.
Tính đến thời điểm hiện tại, trung tâm vẫn đang điều trị cho khoảng 50 ca, trong số này có nhiều bệnh nhi biến chứng nặng lên não, viêm phổi, viêm cơ tim… phải thở máy. Tiến sĩ Hải cũng cho biết, đa số trẻ mắc phải hai chủng cúm là cúm A và cúm B, thông thường khi mắc cúm có thể sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, với những trẻ có sức đề kháng kém, trẻ có sẵn các bệnh lý nền thì cúm sẽ là tác nhân khiến bệnh nặng thêm, dễ gây biến chứng.
Đã có không ít trẻ mắc cúm có biến chứng nặng, để lại di chứng.
Bé Nguyễn Thanh Hồng (tên BN đã được thay đổi) 9 tuổi, ở Thái Bình bị mắc cúm A nhưng biến chứng lên não sau một thời gian điều trị hiện đã qua cơn nguy kịch, tuy nhiên thời gian tới vẫn cần phải điều trị phục hồi.
Theo chia sẻ của gia đình bệnh nhân, trước khi nhập viện bé Hồng mệt mỏi, sốt cao dù đã hạ sốt nhưng không đỡ, sau khi sốt kèm theo những cơn co giật gia đình đã đưa đến bệnh viện thăm khám. Tại bệnh viện bé Hồng được chẩn đoán bị nhiễm cúm A, có biến chứng lên não.
Đặc biệt, bệnh nhi này bị biến chứng nặng như nhận thức kém, ý thức lơ mơ, không thể ngồi dậy hay tự chủ trong sinh hoạt. Sau khi được can thiệp, điều trị tích cực, bệnh nhi đã dần phục hồi và tiếp tục phải theo dõi, điều trị thêm.
Tiến sĩ Đỗ Thiện Hải cho biết, trong các biến chứng của bệnh cúm, biến chứng đường hô hấp là thường gặp nhất, trong đó biến chứng viêm phổi rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong.
Ngoài biến chứng gây viêm phổi, viêm não, gần đây bắt đầu xuất hiện những ca mắc cúm biến chứng viêm cơ tim. Với trường hợp trẻ bị cúm biến chứng viêm cơ tim thường có biểu hiện đau ngực, buồn nôn, sốt cao, nhịp tim nhanh… có thể gây tử vong đột ngột.
Cách phân biệt cúm và một số bệnh khác.
Điều đáng nói trong đợt cúm này, đa số là bệnh nhi còn nhỏ tuổi, hoặc những trẻ không được tiêm phòng vắc xin phòng cúm theo định kỳ hàng năm. Một vấn đề bác sĩ Hải cũng hết sức lưu ý đối với các bậc phụ huynh đó là việc tự ý điều trị hoặc điều trị theo đơn cũ của bác sĩ. Trong đó tình trạng tìm mua thuốc Tamiflu để điều trị cúm rất phổ biến.
Tuy nhiên, đây không phải là thuốc bắt buộc dùng điều trị cúm mà chỉ làm giảm sự nhân lên của virus nên sau khi đủ liệu trình vẫn có thể còn virus trong đường hô hấp. Vì vậy, thuốc Tamiflu chỉ dùng cho ca đặc biệt nặng và dùng tại bệnh viện theo chỉ định của bác sĩ.
Để phòng cúm cho trẻ, các chuyên gia cho rằng phụ huynh có thể thực hiện: - Tiêm ngừa vắc xin cúm hàng năm: Việc tiêm nhắc vắc xin cúm hàng năm sẽ gúp trẻ được cập nhật các chủng virus cúm lưu hành của năm đó, từ đó trẻ được bảo vệ một cách đầy đủ và tốt nhất. - Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh. Trẻ có bệnh cúm mà không có chỉ định nhập viện cần được cách ly tại nhà ít nhất 24 giờ sau khi hết sốt. - Che mũi và miệng với khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi và cho khăn vào thùng rác ngay. Nếu không có khăn giấy, chúng ta có thể dùng cánh tay và khuỷu tay để che miệng và không được dùng bàn tay để che miệng vì có thể làm lây lan virus sang các bề mặt, vật dụng. - Rửa tay thường xuyên với nước và xà phòng. Nếu không có nước và xà phòng, có thể dùng các dung dịch rửa tay nhanh có chứa lượng cồn trên 60 độ. - Tránh chạm bàn tay vào mắt, mũi, miệng để tránh lây lan virus. - Rửa và sát trùng các bề mặt vật dụng có khả năng bị lây nhiễm virus bằng cồn 70 độ. |
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/500-tre-nhap-vien-1-thang-do-cum-2-bien-chung-cua-cum...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn