Vấn đề đột tử liên quan đến hoạt động thể thao dù đã được các chuyên gia, bác sĩ cảnh báo rất nhiều lần tuy nhiên thực tế vẫn ghi nhận không ít trường hợp đáng tiếc xảy ra. Đa số các trường hợp bị đột tử liên quan đến thể dục thể thao là do không biết cơ thể có bệnh lý mãn tính tiềm tàng, hoặc thực hiện những bài tập quá sức, thậm chí là những thói quen gây hại cho cơ thể như tập luyện ở nơi lưu thông kém, tắm ngay sau khi tập luyện xong...
Cơ chế dẫn đến nguy cơ đột tử khi tập luyện thể dục thể thao
TS.BS Võ Tường Kha - Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, liên tục và duy trì thành thói quen là rất tốt với cơ thể. Theo đó, tập thể dục thể thao thường xuyên làm tăng trương lực phó giao cảm, làm giãn mạch, mạch giảm, huyết áp giảm, cung lượng tim và lưu lượng tuần hoàn tăng, tần số hô hấp giảm, dung tích sống, thông khí phổi tăng, thể tích khí cặn giảm.
Do vậy tập thể dục thể thao sẽ có tác dụng chữa bệnh tim mạch, hô hấp, rối loạn chuyển hoá mãn tính, giúp cơ thể chống được lão hóa, kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên, người tập luyện thể dục thể thao cũng cần phải hết sức lưu ý, đặc biệt là việc lựa chọn nơi tập luyện, bài tập, môn thể thao làm sao cho phù hợp với cơ thể, nhất là người mắc bệnh lý mãn tính.
TS Võ Tường Kha cho biết việc tập luyện thể dục thể thao không đúng cách dễ dẫn đến nguy cơ đột tử.
TS Võ Tường Kha phân tích, trong một buổi tập, lúc đầu huyết áp nhịp thở tăng lên do cường thần kinh giao cảm, nếu cường độ vận động tăng đột ngột lúc đầu thì huyết áp nhịp thở tăng rất nhanh, nguy cơ tai biến cao, do vậy cường độ vận động chỉ nên tăng dần trong một buổi tập.
Khi tập luyện thể thao cũng sẽ làm giãn mạch ngoại vi, tăng tuần hoàn ngoại vi, dẫn đến giảm tuần hoàn trung tâm, gây thiếu máu, thiếu oxy tổ chức mô tim, não. Trường hợp bị nhiễm lạnh hoặc tắm lạnh sau khi tập thể dục thể thao có thể gây co mạch ngoại vi làm tăng tuần hoàn trung tâm, tăng lưu lượng máu, tăng áp lực tuần hoàn trung tâm, hệ tim mạch chưa thích nghi kịp gây vỡ những điểm yếu mạch hoặc vỡ các dị dạng mạch bẩm sinh gây ra tình trạng đột quỵ.
“Thông thường sau khi tập thể dục trương lực động mạch giãn, mạch ngoại vi co lại nên làm tăng tuần hoàn trung tâm như não, tim, cơ quan nội tạng... Nếu cơ thể có bệnh tiềm tàng về tim mạch, huyết áp thì rất nguy hiểm, thậm chí là đột tử”, TS Võ Tường Kha cảnh báo.
Việc tắm khuya hay tắm ngay sau khi tập thể dục tuyệt đối không nên.
Không tắm ngay sau khi tập thể dục, không tập ở nơi yếm khí
Một vấn đề khác TS Võ Tường Kha cũng hết sức lưu ý đó là nhiều người có thói quen sau khi tập thể dục thường sẽ tắm ngay, việc làm này sẽ làm cho tình trạng co mạch tuần hoàn ngoại vi tăng lên, làm cho lưu lượng tuần hoàn trung tâm tăng lên, gây co mạch tăng huyết áp dễ dẫn đến đột tử.
“Nguyên nhân đột tử thông thường liên quan đến các bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, hoạt động tim tăng lên, hoạt động não tăng lên nhưng oxy thiếu nên dẫn đến đột tử. Hoặc thiếu oxy ở các tổ chức khác cũng gây nên tình trạng nguy hiểm sức khỏe.
Vì thế nếu có các bệnh tim, mạch, phổi mãn tính tiềm tàng rất dễ bị tái phát, gây đột tử khi trúng lạnh, khi tập thể dục thể thao thời tiết lạnh hoặc tắm ngay sau khi tập thể dục thể thao”, TS Võ Tường Kha cho hay.
TS Võ Tường Kha cho biết thêm, một số người sau khi tắm gội xong nhưng không làm khô tóc ngay cũng rất nguy hiểm, có thể gây cảm lạnh, đó là chưa kể việc môi trường ẩm ướt dễ bị các bệnh da liễu như nấm đầu hoặc hắc lào ở nếp gấp da như bẹn…
Tập thể dục ở hầm đi bộ hoặc rèn sức khỏe bằng việc đi bộ cầu thang thoát hiểm cũng tuyệt đối không nên.
Đối với việc nhiều người tận dụng mọi không gian, thậm chí cả hầm đi bộ, cầu thang thoát hiểm để tập thể dục, đi bộ là tuyết đối không nên, nhất là người lớn tuổi, có bệnh lý mãn tính. Bởi những nơi này thiết kế không phải để làm nơi tập thể dục, tại đây môi trường bí ký (yếm khí) không phù hợp để tập luyện và không tốt cho sức khỏe.
Phòng đột tử khi tập thể dục thể thao thế nào?
Để phòng chống đột tử khi tập thể dục thể thao, TS Võ Tường Kha cho biết việc đầu tiên là phải kiểm tra sức khỏe định kỳ, nếu mắc các bệnh lý tiềm tàng, mãn tính hay không (tim mạch, hô hấp, huyết áp)... thì phải lựa môn thể thao phù hợp, chọn lựa cường độ vận động phù hợp với cơ thể.
Trong quá trình tập thì cần theo dõi các dấu hiệu bệnh lý như có khó thở, tức ngực, choáng, ngất, hoa mắt chóng mặt ... Nếu có thì cần dừng lại và đi kiểm tra ngay.
Ngoài ra, trang phục tập thể dục thể thao phải phù hợp với thời tiết nơi tập. Đặc biệt ở mùa đông không tập thể dục thể thao quá sớm, ví dụ không nên tập khi chưa có ánh nắng mặt trời, không nên tập quá muộn buổi tối vì khi đó sẽ dễ làm co mạch, gây tăng huyết áp, từ đó dễ dẫn đến nguy cơ đột tử.
Sau khi tập cần nghỉ thả lỏng từ 30-40 phút trước khi tắm. Phải tắm nước ấm không được tắm nước lạnh dễ gây tăng huyết áp, dễ dẫn đến đột tử.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/giam-doc-bv-the-thao-canh-bao-thoi-quen-gay-dot-tu-li...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn