Tôi có nên đi tìm nguồn gốc của mình sau 38 năm ra đời

Thứ ba - 10/01/2017 17:44

Tôi có nên đi tìm nguồn gốc của mình sau 38 năm ra đời

Vợ bảo dù cho việc tôi bị bỏ rơi bởi nguyên nhân gì thì biết gốc gác của mình cũng là cần thiết, để nếu cần thì phải phụng dưỡng bố mẹ ruột, đền đáp công sinh thành.

Tôi 38 tuổi, một vợ hai con, cuộc sống tạm ổn về mọi mặt. Nay tôi có một việc muốn hỏi ý kiến của các độc giả, mong nhận được nhiều ý kiến giúp cho tôi nhìn khách quan hơn trong vấn đề của mình. Tôi vốn là một đứa trẻ bị bỏ rơi và cha mẹ nuôi đã đón về nuôi dưỡng từ khi tôi còn ẵm ngửa. Đến nay tôi cũng chỉ biết có vậy về thân thế của mình. Trước khi mẹ mất có để lại một băng ghi âm, không có thông tin gì hơn. Cha mẹ nuôi hiếm muộn, hai cụ lấy nhau đã lâu mà không có con nên rước tôi về nuôi và hết mực yêu thương. Đến nhiều năm sau cha mẹ mới sinh được em nhưng luôn yêu thương, đối xử với anh em tôi như nhau, không có sự khác biệt nào. Cá nhân tôi là người nhạy cảm, sống nội tâm song cũng chưa một lần phải chạnh lòng hay buồn về tình cảm mà cha mẹ dành cho mình. Tôi được nuôi dưỡng khá đầy đủ so với chúng bạn xung quanh, nhất là giai đoạn bao cấp, bao gia đình khốn khó thì anh em tôi vẫn có gạo trắng, cơm ngon, bởi cha mẹ khá năng động và chịu khó làm thêm.

Tôi lớn lên bình an, đầy đủ cả vật chất lẫn tinh thần. Tôi cũng yêu thương, kính trọng hai cụ thật nhiều. Ngay từ khi biết suy nghĩ, tôi đã sớm hình thành quan điểm rằng mình giống như một sinh linh đã bị vứt bỏ, nay tồn tại được trên cõi đời này là do nhân duyên, lòng tốt và công dưỡng dục của bố mẹ nuôi chứ người sinh ra tôi không có ý nghĩa gì. Người ta sinh ra con thì dễ, nuôi con mới khó, xã hội đầy rẫy những chuyện con rơi con vãi đó thôi, công nuôi dưỡng dục mới đáng phải mang ơn, trả nghĩa cả cuộc đời. Tôi thấy mình thực sự không có nhu cầu nào khác ngoài phận sự làm một người con tốt của bố mẹ nuôi. Tôi lảng tránh tất cả các cơ hội có thể có được thông tin về người sinh ra mình và tuyệt nhiên chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đi tìm gốc gác của bản thân. Ngay cả bây giờ, khi cha mẹ nuôi đã khuất, tôi cũng không nghĩ đến. Mới đây, vợ nói chuyện với tôi một cách rất nghiêm túc, thuyết phục tôi đồng ý để gia đình đi tìm gốc gác hoặc chí ít cũng có thông tin về cha mẹ ruột tôi. Lý do vợ đưa ra là:

Thứ nhất để tránh chuyện con cháu lấy nhầm nhau cùng huyết thống mà không biết. Thứ hai là chuyện tâm linh, nhà tôi thờ cúng bố mẹ nuôi và gia tộc bên bố nuôi tôi sợ rằng không đúng, sái sẩm, không linh ứng. Thứ ba là tôi cần phải nghĩ đến các con vì chúng có quyền biết gốc gác của mình. Cuối cùng là "một giọt máu đào hơn ao nước lã", dù cho việc tôi bị bỏ rơi có do nguyên nhân gì thì biết về gốc gác của mình cũng là cần thiết, để nếu cần thì phải phụng dưỡng bố mẹ ruột, đền đáp công sinh thành.

Tôi phản đối kịch liệt, trừ lý do thứ ba khiến tôi suy nghĩ chút ít mỗi khi nhìn các con của mình nô đùa. Tôi dùng mọi lý lẽ cũng như tâm sự thực tâm nhưng có vẻ vợ vẫn không xuôi. Nàng nói tôi không nên quên gốc gác, biết nguồn cội vẫn hơn, sống với bố mẹ nuôi đã trọn chữ hiếu và nay hai cụ không còn nữa, mình tìm cha mẹ ruột không phải để cầu lợi thì sao không làm cho các con? Quan điểm ấy khiến tôi cũng tự hỏi không biết mình đang đúng hay sai?

Quả thực tôi đang nghĩ, giả sử vì sự tình cờ hoặc khách quan nào đó mà biết cha mẹ ruột đang đau yếu, ở hoàn cảnh cần giúp đỡ thì chắc tôi cũng giúp nhưng chẳng thể nào tôi phụng dưỡng chân thành được. Hoặc giả cha mẹ ruột vinh hoa phú quý thì tôi cũng chẳng cần trục lợi. Cơ bản là tôi thấy mình không có nhu cầu tìm cha mẹ ruột vì bất cứ lý do gì. Đó là chưa nói tôi còn thấy có lỗi với vong linh cha mẹ nuôi nếu đi tìm cha mẹ ruột. Tôi có cố chấp không? Tôi sẽ chỉ hành động khi tự mình thấy cần thiết. Tuy nhiên, tôi rất muốn nghe góc nhìn của các độc giả trong câu chuyện này. Chân thành cảm ơn mọi ý kiến.

Nguyễn Lương

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây