Mới đây, một sự cố nhầm lẫn y tế đã xảy ra tại một bệnh viện ở Thái Lan, khiến dư luận vô cùng bức xúc. Một người phụ nữ tới bệnh viện thăm bố vừa khỏi COVID-19 thì phát hiện người nằm trên giường bệnh không phải bố mình, sau đó lại nghe tin bố mình đã qua đời từ nhiều ngày trước.
Theo trang Kapook đưa tin, vào ngày 10/3/2022 vừa qua, cô Thatsupa Wanichayakulwong, 33 tuổi, đã tới đồn cảnh sát huyện Muang, thuộc tỉnh Pathum Thani, Thái Lan, để trình báo một vụ nhầm lẫn y tế.
Cô Thatsupa cho biết bố mình là ông Teera, 66 tuổi, bị mắc bệnh Alzheimer nên đã được người thân đưa tới ở tại một trung tâm chăm sóc người cao tuổi. Gần đây, trung tâm này thông báo có nhiều người bị nhiễm COVID-19 nên đã đưa họ tới Bệnh viện Pathum Thani để điều trị sức khỏe từ đầu tháng 1/2022. Do tình hình dịch bệnh phức tạp, người thân không được vào bệnh viện thăm, chỉ có các nhân viên y tế túc trực để chăm sóc bệnh nhân.
Ông Boonna và con gái.
Tới ngày 7/3/2022, bệnh viện thông báo cho cô Thatsupa rằng bố cô vừa qua cơn nguy kịch, đã khỏi COVID-19. Nghe tin đó, cô Thatsupa và người nhà lập tức chạy tới bệnh viện để thăm bố. Tuy nhiên khi đến nơi, họ nhận thấy bảng tên trên giường bệnh là ông Teera nhưng người nằm trên giường lại không phải ông ấy. Cô Thatsupa liền gọi y tá tới kiểm tra nhưng họ một mực khẳng định đó là ông Teera, thậm chí còn nói rằng quá trình điều trị bệnh kéo dài khiến ông ấy bị suy dinh dưỡng, khuôn mặt thay đổi nên người nhà mới khó nhận ra.
Tất nhiên, cô Thatsupa không thể tin vào lời giải thích này bởi cô không thể không nhận ra bố mình. Cô Thatsupa liền liên hệ với trung tâm chăm sóc người cao tuổi. Khi người cố vấn của trung tâm đến nơi, họ xác nhận người nằm trên giường không phải ông Teera mà là một người đàn ông khác tên Boonna. Cô Thatsupa đi hỏi y tá về tình hình của ông Boonna thì trên hồ sơ lại ghi rằng ông ấy đã qua đời do nhiễm COVID-19 từ ngày 23/1/2022.
Ngay sau đó, con gái của ông Boonna cũng tới bệnh viện để tìm hiểu tình hình. Người phụ nữ này sốc nặng khi thấy người nằm trên giường bệnh là bố mình và vẫn còn sống. Trước đó, bệnh viện đã thông báo cho cô ấy rằng ông Boonna đã qua đời vào ngày 23/1. Tới ngày 24/1, thi thể ông Boonna được đem đi hỏa táng, sau đó tro cốt được trao lại cho gia đình để an táng. Vì không được nhìn mặt bố lần cuối nên con gái ông Boonna vẫn tin bố mình đã chết, không thể ngờ ông ấy vẫn sống.
Cô Thatsupa và con gái ông Boonna.
Vậy tại sao lại có sự nhầm lẫn này? Ông Teera hiện giờ đang ở đâu? Thi thể được đem đi hỏa táng kia là của ai?
Sau đó, bác sĩ Yanyong Sathiraphong, phó giám đốc của Bệnh viện Pathum Thani, đã gọi điện cho 2 gia đình để làm rõ. Ông cho biết vào ngày 16/1, bệnh viện đã tiếp nhận 2 bệnh nhân nhiễm COVID-19 là ông Teera và ông Boonna, cả 2 đều bị triệu chứng nặng và nằm liệt giường, phải cho ăn qua ống dẫn. Hai người nằm cùng một phòng, ông Teera nằm giường số 901, ông Boonna nằm giường số 902.
Tới ngày 20/1, cả 2 ông được chuyển đến một khu khác để điều trị kết hợp COVID-19. Rất có thể trong quá trình đó, nhân viên y tế đã nhầm lẫn ông Teera với ông Boonna. Tới ngày 23/1, một trong số 2 ông đã qua đời. Trên giường bệnh khi ấy ghi tên ông Boonna nên bệnh viện đã tiến hành hỏa táng rồi trao tro cốt cho gia đình ông. Người còn lại là ông Teera có chuyển biến khá hơn nhưng vẫn bị biến chứng viêm phổi, được chuyển đến khoa nội nam ngày 29/1.
Tới ngày 7/3, con gái của ông Teera là cô Thatsupa đến bệnh viện mới phát hiện ra sự cố nhầm lẫn trên. Bệnh viện cho rằng ông Teera mới là người đã qua đời ngày 23/1 và được đưa đi hỏa táng, chứ không phải ông Boonna.
Cô Thatsupa quyết định đem tro cốt đi xét nghiệm ADN.
Mặc dù đây là niềm hạnh phúc tột cùng với gia đình ông Boonna khi người thân "từ cõi chết trở về" nhưng đối với cô Thatsupa và những người thân khác lại là sự đau đớn khôn nguôi. Cô Thatsupa không thể chấp nhận sự thật này và vô cùng phẫn nộ trước hành động của bệnh viện.
Tuy nhiên, cô Thatsupa vẫn không tin rằng thi thể được đem đi hỏa táng là của bố mình. Cô cho rằng vụ việc này còn rất nhiều điều ẩn khuất. Ông Teera vốn không có bệnh nền trong khi ông Boonna bị viêm phổi, nếu có sự nhầm lẫn giữa danh tính của 2 người thì việc điều trị có nhầm lẫn hay không? Tại sao trong suốt quá trình điều trị không ai phát hiện ra sự nhầm lẫn này?
Sau đó, cô Thatsupa cũng quyết định đem tro cốt đi xét nghiệm ADN để xác định xem đó có thực sự là của bố mình hay không. Dự tính, việc này có thể mất khoảng 30 ngày.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/toi-vien-tham-bo-vua-khoi-covid-19-con-gai-soc-nan...
Tin tức 24h
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn