Chu Quần Phi, giám đốc điều hành 52 tuổi của công ty Lens Technology đã xây dựng một đế chế sản xuất kính cho những gã khổng lồ công nghệ như Tesla, Apple và Samsung. Nhưng chặng đường để đến đỉnh cao đối với người phụ nữ này không hề dễ dàng. "Tôi đã gặp rất nhiều khó khăn và thất bại với tư cách là một doanh nhân. Nếu tôi từ bỏ thì đã không có Chu Quần Phi hay Lens Technology", bà nói.
Sinh ra trong một gia đình nghèo tại thành phố Tương Hương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, cuộc sống thời thơ ấu của bà Chu Quần Phi vô cùng cực khổ. Bố bà là một thợ thủ công lành nghề nhưng bị mù và mất một ngón tay sau tai nạn nghề nghiệp. Mẹ Chu Quần Phi qua đời khi bà mới 5 tuổi và cô gái nhỏ khi ấy càng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thậm chí từng phải lo từng bữa ăn. Những biến cố này buộc bà phải bỏ học năm 16 tuổi và sau đó gia nhập một xưởng sản xuất kính đồng hồ nhỏ ở Thâm Quyến. Tại đó, Chu Quần Phi học nghề chế tạo thấu kính đồng hồ.
Nhận thức được giá trị của tri thức nên dù cả ngày quần quật làm việc hơn 12 tiếng, đến tối, Chu Quần Phi vẫn dành hết thời gian để học tập. Mặc dù không được vào trường đại học tốt nhất, bà vẫn đạt được thành tích tốt khi tự học.
Những năm tháng lăn lộn giữa công việc nhà máy và các khóa học đại học đã hun đúc nên sự nhạy bén và chuyên môn trong ngành chế tạo ống kính cho Chu Quần Phi. Đến khi quyết định ra mở công ty, Chu Quần Phi đã có đủ trình độ về kế toán, các thao tác máy tính, chứng chỉ hải quan và thậm chí còn có bằng lái xe ô tô thương mại.
Sau nhiều năm làm việc vất vả và tiết kiệm từng xu kiếm được, Chu Quần Phi có 20.000 đô la Hong Kong (khoảng 60 triệu đồng) và đã thành lập một cơ sở sản xuất thấu kính đồng hồ vào năm 1993 với sự giúp đỡ của người thân. Bà và 7 anh chị em họ đã làm việc và sống cùng nhau trong một căn hộ 3 phòng ngủ trong suốt 4 năm.
Khi mới khởi nghiệp, khách hàng còn chưa có, bản thân Chu Quần Phi đã tự đi đến mọi hang cùng ngõ hẻm để tìm đơn hàng. Dù bị từ chối, xua đuổi nhiều lần, người phụ nữ trẻ khi ấy nhất định không từ bỏ.
Năm 1994, Chu Quần Phi kết hôn và cùng chồng điều hành công việc kinh doanh. Cả 2 vợ chồng cùng nỗ lực, có những ngày họ thức đến tận 2-3h sáng vẫn chưa hết việc. Nhưng đến khi công ty có được tiếng tăm thì cuộc hôn nhân của bà đổ vỡ. Tuy nhiên, thất bại này lại không khiến cho Chu Quần Phi suy sụp. Khoảng thời gian sau đó bà còn chăm chỉ hơn, sáng tạo hơn, đưa công ty đến những thành công đột phá.
Trong thập kỷ tiếp theo, Chu Quần Phi đã gây dựng được một nhà máy sản xuất thấu kính đồng hồ và tuyển dụng 1.000 người. Nhưng khoảnh khắc đen tối ập đến vào năm 2003 sau khi bà đánh bại các đối thủ và giành được hợp đồng với Motorola. Lúc đó, hãng gọi điện cho bà và yêu cầu công ty thiết kế một loại kính chống xước cho chiếc điện thoại Razr V3 của họ. Theo sau đó, hàng loạt nhà sản xuất điện thoại di động khác như HTC, Nokia, Samsung đã biết đến danh tiếng của bà. Chẳng bao lâu, ngay cả Apple cũng trở thành khách hàng của kính điện thoại do Lens Technology sản xuất.
Tuy nhiên, "một đối thủ kinh doanh đã ghen tị với chúng tôi. Họ hợp tác với nhà cung cấp nguyên liệu thô và cố loại bỏ tôi khỏi cuộc chơi", Chu Quần Phi chia sẻ. Nhà cung cấp bất chấp những tiêu chuẩn của ngành, yêu cầu công ty của bà phải thanh toán đầy đủ trước khi giao vật liệu.
Chu Quần Phi lúc này đã phải bán nhà và các đồ đạc có giá trị để đáp ứng yêu cầu phía nhà cung cấp, nhưng mọi thứ đều không đủ. "Tôi đã tuyệt vọng. Tôi đứng trên sân ga ở ga Hung Hom, Hong Kong, định nhảy xuống vì nghĩ nhảy xuống rồi mọi rắc rối sẽ tan biến", nữ tỷ phú nói.
Tuy nhiên, một cuộc điện thoại của con gái đã kéo Chu Quần Phi về với hiện thực: "Tôi nhận ra đối với gia đình và nhân viên của mình, tôi không thể từ bỏ. Tôi phải tiếp tục". Sau đó, Chu Quần Phi gửi một email cầu cứu cho Motorola và với sự giúp đỡ của họ, bà đã vượt qua được khủng hoảng.
Vào tháng 3/2015, công ty Lens Technology của Chu Quần Phi lần đầu chào bán cổ phiếu trước công chúng. Đến năm 2018, công ty được định giá 11,4 tỷ USD và có hơn 82.000 nhân viên khắp Trung Quốc.
Chu Quần Phi từng nói: "Nhiều người khi gặp thất bại thì sự tự tin sẽ bị giáng đòn mạnh, nhưng chìa khóa thành công là phải kiên trì, đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn nhất".
Những người trong ngành gọi Chu Quần Phi bằng biệt danh "anh Phi" vì họ thấy được tố chất cứng rắn như đàn ông ở bên trong người phụ nữ này. Thậm chí, có người còn thấy bà mạnh mẽ hơn cả đàn ông.
Với giá trị tài sản ròng khoảng 7,4 tỷ USD năm 2018, Chu Quần Phi không chỉ là người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc mà còn được xem là nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới. Nhưng bà vẫn không ngừng nỗ lực và không mệt mỏi trong quá trình vượt qua rào cản, duy trì thành công của mình. Nhiều bài báo đưa tin bà đã xây dựng hẳn khu sinh hoạt trong văn phòng và nhà máy của mình bởi hầu như ngày nào người phụ nữ này cũng làm việc 18 tiếng và làm đến tận khuya.
Vào năm 2016, tạp chí Fortune đã đưa Chu Quần Phi vào danh sách Những người phụ nữ quyền lực nhất châu Á - Thái Bình Dương. Câu chuyện của Chu Quần Phi tiếp tục truyền cảm hứng cho hàng triệu lao động nữ ở Trung Quốc và những doanh nhân trẻ khác.
Câu chuyện của Chu Quần Phi là một bằng chứng cho thấy nghèo đói không phải là rào cản cho ước mơ nhưng ước mơ có thể chấm dứt nghèo đói. Nó tỏa sáng mang đến hy vọng cho nhiều công ty khởi nghiệp đang phải vật lộn tìm chỗ đứng trong thị trường cạnh tranh. Nữ tỷ phú chính là tiên phong của tinh thần kinh doanh. Cuộc đời bà mang đến bài học cho những người khác noi theo. Chỉ cần bạn nỗ lực vượt qua rào cản, bạn sẽ đạt được ước mơ của mình.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/tu-co-be-ngheo-chay-tung-bua-an-16-tuoi-nghi-hoc-d...
Tin tức 24h
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn