Vào ngày 15/4/1776, các thuộc địa của Mỹ đang trên bờ vực nổi dậy. George Washington đã tập hợp các nhà cách mạng tại thành phố New York còn vua George III của Anh dự đoán chiến tranh sẽ nổ ra bất cứ khi nào.
Tuy nhiên, ở London, mọi con mắt lại đổ dồn vào một góa phụ 56 tuổi tên Elizabeth Chudleigh khi bà phải ra hầu tòa vì lấy 2 chồng.
Sáng hôm ấy, bà Elizabeth xanh xao, yếu ớt, mặc một chiếc áo choàng lụa đen lịch lãm, đội mũ trùm đầu đến Westminster Hall cùng với người bào chế thuốc, bác sĩ, giáo sĩ và trưởng tòa. Họ có mặt tại đó để ngăn chuyến bay của bà.
Phiên tòa xét xử Elizabeth.
Hàng nghìn người chen lấn, xô đẩy nhau để được xem cảnh tượng đó. Điều này đã khiến một người vô tội ngã vào một chiếc xe ngựa đang chạy bên ngoài dẫn đến thiệt mạng. Một số người lang thang thì mặc cả với phe vé chợ đen để có được tấm vé dự phiên tòa công khai. Có người đã trả 1 đồng guinea chỉ để nhìn qua cửa sổ. Trong khi đó, 4.000 khán giả đã đứng chật cứng trong tòa án. Một du khách nước ngoài mô tả sự kiện này là "ngày hội của cả quốc gia". Ngay cả nữ hoàng Charlotte Sophia sắp sinh cũng đến dự.
Được biết đến với rất nhiều biệt danh như Elizabeth Chudleigh Danh dự, Nữ công tước Kingston, Nữ bá tước Bristol, bà từng là người phụ nữ khét tiếng nhất nước Anh. Người phụ nữ này tự hào về một bản lý lịch ấn tượng khi là cựu cận thần, nữ tiếp viên, người mẫu thời trang, người chưng cất rượu, quảng cáo viên... và là người phụ nữ đầu tiên bị xét xử và kết tội 2 chồng ở Anh. Bà ấy đi từ nghèo khó đến giàu sang, danh vọng, có được những ông chồng và chức tước trong hành trình này. Cuộc sống xa hoa của bà sau này đã truyền cảm hứng cho các nhà văn như Charles Dickens, Virginia Woolf và William Thackeray.
Nếu gạt những bê bối sang một bên, bà Elizabeth Chudleigh bị xã hội thời bấy giờ phỉ báng thậm tệ, có thể nói là không công bằng. Tuy nhiên, chính bà là tượng trưng cho nữ quyền, một phụ nữ có tư duy tiến bộ thời ấy. Bà điều hướng xã hội London thông qua sự quyến rũ, dí dỏm và ham muốn sống không thể kìm nén của bản thân chứ không phải qua những mưu đồ xấu xa.
Elizabeth Chudleigh sinh ngày 8/3/1721 trong một gia đình ngoại ô London. Bố bà, ông Thomas Chudleigh đã chiến đấu trong quân đội và điều hành Bệnh viện Hoàng gia ở Chelsea. Ông kết hôn với người em con chú con bác của mình, Henrietta, sau đó sinh được 2 người con là Thomas và Elizabeth.
Mặc dù gia đình xuất thân tốt, là quân nhân và có quan hệ với chế độ quân chủ nhưng lại không có nhiều tiền. Bố Elizabeth là con trai thứ nên phần lớn tài sản bố mẹ để lại đều thuộc về người anh trai. Ngay trước khi Elizabeth đón sinh nhật lần thứ 6, bố bà bị cảm và qua đời ở tuổi 38. Bà Henrietta và 2 đứa con bị đuổi khỏi căn hộ Bệnh viện Hoàng gia miễn phí tại Chelsea và chuyển đến căn nhà thuê ồn ào ở Mayfair, London.
Bà Henrietta dành số tiền ít ỏi mình dành dụm được để lo cho cậu con trai Thomas học hành. Còn Elizabeth chỉ có một hy vọng duy nhất là lấy được một người chồng giàu có.
Bà được đào tạo để gây ấn tượng với những người sành điệu, thời thượng và từ đó có được cuộc hôn nhân an toàn. Với Elizabeth đây không phải nhiệm vụ bất khả thi. Bà ấy có thể nói và viết tiếng Pháp thông thạo, biết khiêu vũ, chơi nhạc và có thể trò chuyện với bất cứ ai, ở bất cứ đâu, về bất cứ điều gì. Ngay cả những kẻ gièm pha cũng nói bà ấy có "sự thông minh tuyệt vời".
Ở tuổi 22, Elizabeth được chọn làm phù dâu cho Công chúa Augusta, vợ Hoàng tử xứ Wales. Elizabeth hoạt bát, dáng người mảnh khảnh, nước da sáng ngời, đôi mắt như sao ngay lập tức gây chú ý. Bà lọt vào mắt xanh của James Hamilton, một công tước "nóng nảy, trác táng và ngông cuồng". Hai người bắt đầu hẹn hò nhưng sau đó James bắt đầu tour du lịch lớn của mình qua châu Âu. Mối tình lãng mạn của họ tan thành mây khói, có lẽ do James đã nhiều lần ngoại tình.
Khi cung điện giải tán vào mùa hè năm 1744, Elizabeth chuyển đến nhà của người anh họ ở Hampshire. Đó là nơi bà đã gặp Augustus Hervey đáng kính. Chàng trai 20 tuổi nổi tiếng khắp châu Âu với biệt danh "Casanova của Anh". Chỉ sau vài tuần, họ kết hôn với buổi lễ dưới ánh nến bí mật trong đêm khuya. Nhưng 3 ngày sau đó, Augustus lên đường đến Tây Ấn. Elizabeth trở lại cung điện vào cuối mùa hè. Họ đã không gặp nhau trong 2 năm.
Elizabeth phải giả vờ mình còn độc thân tại cung điện, bằng không bà sẽ mất vị trí phù dâu dù đồng lương rất ít ỏi. Tại đây, Elizabeth tổ chức những bữa tiệc xa hoa cho Công chúa Augusta và 9 người con của bà, trong đó có vua George III tương lai. Bên cạnh đó, bà còn bán mỹ phẩm do dược sĩ của nhà vua bào chế cho công chúng, biến nó trở thành sản phẩm bán chạy nhất.
Elizabeth được mệnh danh là cận thần gây tranh cãi nhất nước Anh khi bà đến vũ hội hóa trang năm 1749 trong chiếc áo lót có thể nhìn xuyên thấu. Những người hầu khác cảm thấy khó chịu và không muốn nói chuyện với bà. Tuy nhiên, nhà vua lại thích điều này.
Bề ngoài, Elizabeth chẳng đoái hoài đến cuộc hôn nhân của mình nhưng trong lòng lại rất đau khổ. Bà ấy gặp nhiều vấn đề sức khỏe và từng suýt chết vì dùng ma túy quá liều. Khi Augustus trở lại sau 2 năm bỏ rơi vợ, Elizabeth đã xem như không có chuyện gì xảy ra. Sau đó, bà mang thai và người chồng lại sủi tăm. Với sự giúp đỡ của Công chúa Augusta, Elizabeth bí mật sinh con. Tuy nhiên, đứa trẻ đã không còn chỉ sau 3 tháng chào đời. Bà ấy đã không thể hồi phục sau tổn thương này.
Sau đó vào năm 1750, Elizabeth gặp Evelyn Pierrepont, Công tước của Kingston, 38 tuổi và được mệnh danh là "người đàn ông đẹp nhất nước Anh." Đến năm 1752, cả xã hội London biết đến mối quan hệ của họ và cả 2 đã dành gần như tất cả thời gian bên nhau, mặc dù Evelyn biết về cuộc hôn nhân bất chính của Elizabeth. Ông đã tài trợ cho nhiều bữa tiệc xa hoa của bà ấy, đưa bà đi du lịch khắp lục địa, cho bà tiền để mua tài sản trong nước và trang sức quý giá. Tuy nhiên, sau gần 20 năm bên nhau, Augustus quay trở về đòi ly hôn. Elizabeth đệ đơn yêu cầu hủy bỏ hôn nhân của mình và bà ấy đã thắng. Vào ngày 8/3/1769, đúng dịp sinh nhật lần thứ 48 của Elizabeth, bà và Công tước xứ Kingston đã làm lễ kết hôn.
Họ sống trong hạnh phúc viên mãn cho đến khi Công tước Kingston qua đời vào năm 1773. Lúc đó gia đình công tước chạy theo Elizabeth và số tiền mà ông đã để lại cho vợ (khoảng 4.000 bảng Anh một năm). Họ sẽ không dừng lại cho đến khi thấy Elizabeth bị trừng phạt. Đầu năm 1775, bà Elizabeth đang sống ở Rome thì nghe tin gia đình chồng quá cố khởi kiện mình. Thay vì thương lượng dàn xếp, bà quyết định hầu tòa và bảo vệ danh dự cho mình.
Phiên tòa kéo dài 5 ngày, trong đó tòa đã hủy bỏ đơn kiện của Elizabeth trước đó. Mặc dù không bị trừng phạt nhưng Elizabeth đã mất tên, chức tước và cuộc hôn nhân với Công tước mà bà yêu thương. Tuy nhiên, câu chuyện của bà không kết thúc ngay tại đó. Trong vòng vài ngày, Elizabeth lên đường tới Pháp. Thay vì xa lánh xã hội, bà đi du lịch khắp châu Âu, kết bạn với Giáo hoàng ở Rome và Catherine Đại đế của Nga. Bà được Đại đế tặng cho một điền trang ở Estonia với nhà máy chưng cất vodka hoàn chỉnh.
Bà tiếp tục mua nhà ở Pháp, tham dự các bữa tiệc, tặng tiền cho những người nghèo và túng thiếu, sống xa hoa trước khi qua đời vào năm 1788, ở tuổi 67. Ngay cả những kẻ thù của bà ấy cũng cảm thấy kỳ lạ khi Elizabeth lụi tàn như vậy.
Chính trị gia Horace Walpole, một người từng phê bình Elizabeth gay gắt đã viết: “Tôi không còn gì để nói nữa. Tôi đã quá mệt mỏi với sự ngu ngốc và phù phiếm của bà ấy từ lâu và giờ chỉ nhìn bà ấy như một quả bong bóng lớn tan vỡ”.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/chuyen-nu-ba-tuoc-khet-tieng-nhat-nuoc-anh-khien-n...
Tin tức 24h
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn