Đã 73 năm trôi qua, vụ án giết người khét tiếng bậc nhất Hollywood vẫn chưa có lời giải. Cảnh tượng thi thể một phụ nữ trẻ xinh đẹp bị xẻ làm đôi ở Nam Los Angeles đến giờ vẫn còn là ẩn số đối với những nhà tội phạm học.
Cái chết của Elizabeth Short vào năm 1947 vẫn còn nguyên vẹn sau hơn 70 năm. Nó truyền cảm hứng cho rất nhiều cuốn sách và bộ phim, trong đó có cuốn tiểu thuyết “Thược được đen” xuất bản năm 1987 và bộ phim cùng tên năm 2006.
Phát hiện rợn người
Ngày 15/1/1947, bà nội trợ Betty Bersinger và con gái 3 tuổi rời nhà đi mua đồ. Đó là một buổi sáng giá lạnh, hai mẹ con bà Betty đi dọc đại lộ Norton, thuộc công viên Leimert, phía nam Los Angeles, Mỹ. Cả hai đi qua những khu đất trống và khi đến gần góc phố 39 thì nhận thấy điều bất thường. Đó là một thân ảnh lớn màu trắng mà ban đầu bà Betty nghĩ là hình nộm bị ai đó ném ra. Nhưng khi kiểm tra kỹ hơn, bà tá hỏa phát hiện đó là thi thể một người phụ nữ. Ngay lập tức, cảnh sát được gọi đến hiện trường.
Qua kiểm tra, cảnh sát xác nhận đó là thi thể một phụ nữ bị cắt xén ngay trên eo với độ chính xác đến kinh ngạc. Nửa trên nằm cách nửa dưới vài centimet, cả 2 đều ngửa lên trong tư thế khêu gợi. Trên khắp thi thể cảnh sát tìm thấy những vết cắt, trong đó ám ảnh nhất là những vết cắt chạy từ miệng đến mang tai khiến mặt nạn nhân trông như đang cười. Dù thi thể bị tàn phá như vậy nhưng các nhà điều tra lại không tìm thấy máu tại hiện trường. Họ xác định nạn nhân đã chết ở nơi khác, loại sạch máu sau đó xác bị đem đến đây phi tang.
Tính chất rùng rợn của vụ giết người đã ám ảnh cảnh sát và công chúng. Các phóng viên và người qua đường kéo đến rất đông khi tin tức lan truyền. Các nhà điều tra thì muốn nhanh chóng xác định nạn nhân là ai. Sau khi lấy dấu vấn tay của người phụ nữ, cảnh sát nhanh chóng gửi chúng đến FBI tại Washington với sự trợ giúp của tờ Los Angeles Herald-Express. Tờ báo sử dụng công nghệ Soundphoto mới (tương đương máy fax đời đầu) để truyền các bản in. Và chỉ trong 56 phút, nạn nhân được xác định là Elizabeth Short, 22 tuổi.
Elizabeth Short là ai?
Sinh ngày 29/7/1924, Elizabeth Short lớn lên tại Massachusetts cùng bố mẹ và 4 chị gái. Bố cô đã thiết kế và xây dựng các sân golf nhưng ông rời bỏ gia đình khi cuộc Đại suy thoái xảy ra năm 1929. Mẹ của Elizabeth, bà Phoebe đã làm một số công việc để hỗ trợ cho 5 cô con gái.
Elizabeth được bạn bè thời thơ ấu mô tả là một người tốt bụng, xinh xắn và hài hước. Cô gây ấn tượng với mọi người bởi mái tóc đen và đôi mắt xanh sáng.
Năm 1943, Elizabeth chuyển đến California để sống cùng bố, tuy nhiên quan hệ của họ trở nên căng thẳng. Cuối cùng, cô quyết định chuyển ra ngoài sống vài tháng sau đó. Không lâu sau, khi đang đi chơi với một số người bạn, Elizabeth khi đó mới 19, bị bắt vì uống rượu khi chưa đủ tuổi. Dấu vân tay và ảnh chụp lúc bị bắt sau này đã giúp cảnh sát nhận dạng thi thể của cô.
Elizabeth rời California nhưng cuối cùng vẫn trở lại, làm bồi bạn tại Los Angeles và hẹn hò với một vài người đàn ông. Theo một số báo cáo, cô mơ ước trở thành diễn viên nổi tiếng nhưng cuối cùng, nghệ thuật không mang lại cho cô hào quang như ao ước. Vào ngày 9/1/1947, người ta nhìn thấy Elizabeth lần cuối khi đang làm việc tại khách sạn Biltmore ở trung tâm thành phố Los Angeles.
Báo chí thời bấy giờ nổi tiếng về việc giật gân những vụ giết người và đặt biệt danh cho hung thủ cùng nạn nhân. Một số tiêu đề ban đầu của vụ này là vụ giết người “ma sói”. Những tin đồn vẽ lên chân dung một Elizabeth hấp dẫn, với những mối tình biến cô từ một người thơ ngây thành kẻ khiến đàn ông điên dại có biệt danh “Thược dược đen”.
Người ta không biết chắc biệt danh “Thược dược đen” xuất phát từ đâu. Một số bài báo cho rằng nó bắt nguồn từ bộ phim “Thược dược xanh” năm 1946, dành cho một nạn nhân có “vẻ đẹp đen tối” và “chỉ mặc váy đen”. Những người khác thì cho biết bản thân Elizabeth được đặt cái tên này vì cô có mái tóc đen. Tờ Los Angeles Times thì viết rằng Elizabeth được các đồng nghiệp đặt cho biệt danh "Thược dược đen" theo tên một vở nhạc kịch.
Cuộc điều tra không hồi kết
Theo thời gian, cảnh sát nhận được vô số lời khuyên liên quan đến vụ án và có hàng chục người đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ giết người. Tuy nhiên, các nhà điều tra nhanh chóng loại trừ hầu hết những tuyên bố đó. Trong quá trình này, người ta nghi ngờ kẻ giết Elizabeth có kiến thức về y học bởi thi thể cô bị mổ xẻ một cách chính xác đến kinh ngạc. FBI đã điều tra một nhóm sinh viên trường ĐH Y Nam California nhưng sau đó không thu được kết quả.
Sau đó, vụ án có manh mối mới khi xuất hiện những lá thư nặc danh gửi đến cho nhà chức trách và các báo tại Los Angeles. Tờ Los Angeles Herald Examiner nhận được một cuộc gọi vào ngày 23/1 từ một kẻ tự xưng là hung thủ. Người này đề nghị gửi những đồ đạc của Elizabeth đến cho tờ báo để chứng minh những gì mình nói. Sau đó, tờ báo nhận được một gói hàng có giấy khai sinh, một số bức ảnh, danh thiếp, sổ địa chỉ của Elizabeth. Trong số này có một lá thư được chắp vá từ các chữ cắt trên tạp chí, nói rằng cái chết của Elizabeth là chính đáng và cảnh báo mọi người đừng cố tìm hung thủ.
Cảnh sát cố tách lấy dấu vân tay khỏi những lá thư nhưng tất cả đều được tẩm xăng, tiêu hủy mọi bằng chứng. Đến giữa năm 1947, cảnh sát đã loại bỏ hàng chục đối tượng khả nghi. Không còn ai để điều tra, vụ án dần đi vào quên lãng. Một cảnh sát đã miêu tả cái chết của Elizabeth bằng một câu nói ngắn gọn: "Càng tìm sâu, bạn càng chẳng biết gì về vụ án này".
Bí mật gia đình bị chôn vùi
Sau khi bố qua đời năm 1999, cựu sĩ quan cảnh sát Steve Hodel tiến hành phân loại đồ đạc của ông và phát hiện ra điều bất thường. Đó là một album ảnh nhỏ bằng gỗ được cất trong một chiếc hộp của ông George Hodel. 2 bức ảnh bên trong lọt vào tầm mắt của Steve, đó là một phụ nữ trẻ với mái tóc xoăn sẫm màu, đôi mắt nhìn hướng xuống. “Chúa ơi, trông giống như Thược dược đen”, ông Steve tự nhủ. Sau đó, ông bắt đầu cuộc điều tra kéo dài nhiều năm về mối quan hệ của bố mình với Elizabeth.
Sau phát hiện này, Steve nói chuyện với người chị cùng cha khác mẹ Tamar Hodel qua điện thoại. Bà cho biết bố của hai người là nghi phạm trong vụ sát hại "Thược dược đen". Steve bị sốc và quyết định phải tìm hiểu kỹ những gì bà Tamar tuyên bố. “Tôi bắt đầu chứng minh bố tôi không liên quan đến việc đó. Tôi có thể minh oan cho ông ấy hoàn toàn”, Steve nói. Nhưng ngay sau đó, các bằng chứng lại đưa ông đến một kết luận khác.
Ông George khi còn sống có quan hệ với những người giao thiệp rộng tại Los Angeles, chơi cùng những nhóm người liên quan đến tình dục và ma túy. Một số người cho rằng Elizabeth chính là bạn gái của ông George. Năm 1949, George bị buộc tội loạn luân nhưng sau đó được tha bổng. Tuy nhiên, vì ông là một bác sĩ phẫu thuật nên cảnh sát đã đưa vào danh sách nghi phạm vụ án "Thược dược đen". Một năm sau, cảnh sát theo dõi George tại nhà riêng. Các bản ghi âm đã ghi lại được giọng nói của ông khi đưa ra tuyên bố: “Giả sử tôi có giết Thược dược đen thì giờ họ cũng không thể chứng minh được. Họ không thể nói chuyện với thư ký của tôi nữa vì cô ấy đã chết”. Một đoạn ghi âm khác có nội dung: “Có lẽ tôi đã giết thư ký của mình”. Steve cho rằng bố mình đã giết người thư ký để diệt khẩu.
Ngoài ra, ông George còn có một người bạn là nhiếp ảnh gia theo trường phái siêu thực Man Ray. Steve khẳng định 2 trong số những bức ảnh mà người nghệ sĩ này chụp năm 1930 có nét giống với cách tạo dáng của thi thể Elizabeth tại khu Leimert. Ông lập luận rằng George đã sử dụng vụ giết người để mô phỏng nghệ thuật của Ray.
Thêm vào đó, ông Steve còn nhận ra chữ viết tay của bố trong những bức thư gửi đến chính quyền và các tờ báo sau khi Elizabeth bị sát hại. Ông còn kết nối bố mình với một số vụ giết người khác tại Los Angeles cùng thời điểm đó. Cảnh sát khi ấy muốn điều tra George nhưng không được vì ông ta trốn ra nước ngoài. Cuối cùng, George chết mà không có bất cứ cáo buộc nào.
Năm 2003, Steve đã cho xuất bản cuốn sát “Black Dahlia Avenger” để viết về những phát hiện của mình. Cựu phó công tố viên quận Stephen Kay đã thẩm tra những bằng chứng của Steve và ủng hộ kết luận của ông ấy. Nếu George còn sống, ông ta sẽ bị khởi kiện, tuy nhiên không ai chắc chắn ông có phải kẻ đã gây ra cái chết cho Elizabeth hay không.
Cho đến ngày nay, cái chết của "Thược dược đen" tiếp tục ám ảnh Los Angeles và các nhà điều tra khắp nước Mỹ. Tội ác ghê rợn và bí mật không lời giải vẫn gây tò mò cho công chúng.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/ai-da-giet-thuoc-duoc-den-vu-sat-hai-my-nu-cang-tim-s...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn