Câu chuyện về hai thí sinh Lạng Sơn thi khối C được 30 điểm với nguyện vọng vào trường công an nhưng không đỗ vì cả hai đều có lý lịch nhân thân xấu đang gây chú ý cộng đồng.
Cụ thể, thí sinh Nguyễn Như Quỳnh thi THPT quốc gia với điểm Văn 9; Lịch sử 8,5; Địa lý 9,5 và 3,5 điểm ưu tiên. Với tổng điểm 30,5, Quỳnh đăng ký dự tuyển vào Học viện An ninh Nhân dân nhưng trượt vì bố từng mang án. Còn nữ sinh Tô Thị Đệ đạt kết quả thi hơn 30 điểm, nhưng không đủ điều kiện chính trị đỗ Học viện Cảnh sát Nhân dân vì ông nội theo giặc Pháp.
Sau đó, hai nữ sinh này đã gửi tâm thư đến Chủ tịch nước và Bộ trưởng Công an xin được xem xét để xét tuyển vào trường. > Xem chi tiết
Sự việc trên của hai thí sinh, VnExpress đã nhận được hàng trăm phản hồi của độc giả. Nhiều ý kiến đồng cảm với hai nữ sinh và mong Bộ Công an xem xét và linh động cho trường hợp này. "Mỗi người là một cá nhân riêng biệt và có những quyền bình đẳng. Không ai được quyền chọn mẹ sinh ra và quyền được học là bình đẳng cho tất cả. Chỉ tội thật nghiêm trọng như phản quốc, buôn bán ma túy, giết người... thì Bộ Công an mới nên cấm", bạn đọc Nguyễn Long chia sẻ.
Nhiều người cho rằng việc xét lý lịch vào trường Công an cần được linh hoạt với từng trường hợp.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đã là luật thì không thể thay đổi, vì đây là ngành đặc thù.
Bạn đọc Phạm Văn viết: "Vào công an quan trọng là cái lý lịch, cứ cầu cứu như thế này thì còn gì nữa. Bộ Công an tốt nhất không xét duyệt bất kì trường hợp nào. Các em học giỏi sao không chọn ngành nghề khác, mà cứ phải là công an?".
Còn độc giả Tin chia sẻ: "Mấy trường hợp năm trước là xét lý lịch sau khi biết kết quả đậu, vì vậy Bộ Công an mới chiếu cố. Nhưng năm nay lý lịch đã được xét trước và các em cũng đã biết có đủ điều kiện hay không rồi. Vì sao các em vẫn cố quá vậy?".
"Quy định tuyển sinh của ngành công an, quân đội đặt ra các em đều hiểu rõ. Bởi đây là ngành liên quan trực tiếp đến an ninh, trật tự xã hội và là ngành thực thi pháp luật nên mới cần những người nhân thân tốt, lý lịch trong sạch".
Giải thích về tính đặc trưng của ngành công an, bạn đọc Vu Nguyen viết: "Bản chất của việc xét lý lịch là để loại trừ sự tiêu cực, bởi môi trường xung quanh có thể tác động đến hành vi của người chiến sĩ công an sau này. Nếu lý lịch không tốt sẽ dẫn đến nhiều hệ quả, vì gia đình là nơi nuôi dưỡng và là cái gốc của mỗi cá nhân, gốc có tốt thì cây mới vững".
"Trong lịch sử và cả hiện đại, rất nhiều quốc gia (kể cả chúng ta) đã phát hiện nhiều vụ tiêu cực liên quan do lý lịch. Vì thế ở bất kì quốc gia nào cũng vậy, để vào được công an đều thẩm tra lý lịch và có những tiêu chuẩn bắt buộc".
Còn bạn đọc Huyền bình luận: "Qua việc này mới thấy, mọi người hãy sống và làm việc tuân thủ pháp luật, vì tương lai con em chúng ta. Đừng để tuổi trẻ bồng bột, thiếu hiểu biết mà tạo sai lầm để sau này có gia đình, con cái phải lãnh nhận hậu quả".
Tô Thị Đệ (trái) và Nguyễn Như Quỳnh. Ảnh: NVCC.
Bên cạnh đó, nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao Công an tỉnh Lạng Sơn không báo sớm cho các em có thời gian nộp hồ sơ nguyện vọng một trường khác? Vì thi vào ngành công an phải xét lý lịch trước đó khá lâu.
"Tôi nghĩ từ năm sau, Bộ Công an nên có quy định mới về thông báo làm thủ tục hồ sơ xét tuyển vào những ngành đặc thù này. Bởi vì tính chất của ngành, cần xem xét kỹ về lý lịch nhân thân thì các trường phải đi trước trong việc làm thủ tục đăng ký xét tuyển. Một là để thông báo sớm cho các thí sinh không đạt yêu cầu, giúp các em làm hồ sơ xét tuyển trường khác. Hai là không còn xảy ra các trường hợp đáng tiếc như trên", độc giả Quốc Anh nói.
Còn bạn đọc Đỗ Anh Tuấn cho rằng: "Các trường công an, quân đội nên làm theo quy trình cũ hay hơn, tức là xác minh hồ sơ trước nếu đủ điều kiện tiêu chuẩn chính trị thì sẽ cấp phát số báo danh cho thi. Làm vậy tuy chậm nhưng các em khi biết trước sẽ không hụt hẫng và có định hướng nghề nghiệp khác. Còn cách làm như hiện nay tuy nhanh nhưng xét về tâm lý khiến các em hụt hẫng, thất vọng rất nhiều".
"Về các quy định và điều kiện vào trường công an, quân đội như hiện nay là chuẩn xác. Những ai chưa hiểu hay cho rằng bất công, đời cha làm sao con phải chịu thì hãy dành thời gian tìm hiểu nguyên nhân sâu xa phía sau các điều kiện này sẽ rõ thôi".
>> Xem thêm: Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân lên tiếng về việc tăng học phí
Video được xem nhiều: Giảng viên đại học điêu đứng vì hất nước vào người hát rong
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây .
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn