Những năm gần đây, xu hướng làm vườn trong phố ngày càng phổ biến, nhằm đáp ứng nhu cầu rau sạch của nhiều gia đình cũng như tạo khoảng không gian xanh thư giãn ở nơi dân cư đông đúc. Dù vậy, việc thiết kế và duy trì một khu vườn không hề đơn giản, là "bài toán" khó đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức lẫn tiền bạc.
Chị Phương Thảo (41 tuổi, Hà Giang) đã đúc kết được - mất khi làm vườn trong phố và nhận được sự đồng tình của cộng đồng "nông dân thành phố". Với chị Thảo, để có được khu vườn trong mơ, gia chủ cần chấp nhận thực tế vất vả và tốn kém. Dù vậy, "quả ngọt" gặt hái được thì hoàn toàn xứng đáng.
Một góc vườn xinh đẹp nhà chị Thảo.
Làm vườn trong phố vừa vất vả, vừa tốn kém
Để thoả mãn ước mơ làm vườn và tình yêu dành cho thiên nhiên, gia đình chị Thảo đã chuyển nhà từ trung tâm thành phố Hà Giang ra khu đô thị mới để có mảnh đất rộng rãi và thoáng đãng hơn. Chị nhẩm tính: "Mình vừa ra hỏi chồng, mảnh vườn 300m2 nhà mình mà bán đi, lấy tiền gửi ngân hàng thì mỗi tháng được bao nhiêu? Câu trả lời làm mình choáng váng. Bằng ấy đủ cho cả nhà sinh hoạt trong một tháng, đầy đủ cả điện, nước, thịt, cá, rau, đường sữa".
Đất trồng chỉ là bước đầu tiên trong quá trình xây dựng khu vườn mơ ước. Gia chủ còn phải đầu tư rất nhiều, từ cải tạo đất, cung cấp dinh dưỡng, phòng bệnh cho cây cho đến khâu chăm sóc. Vì khu vườn là một phần của tổ ấm gia đình nên chị Thảo luôn cố gắng chăm chút từng chi tiết nhỏ.
Từng luống rau, thảm sỏi, cụm hoa,... đều được vợ chồng chị Thảo lên ý tưởng và sắp xếp tỉ mỉ.
"Đá xếp luống phải thuê người xuống sông lấy rồi thuê xe trở về. Sỏi lối đi trong vườn cũng phải thay 2 lần để cho các con có thể dễ dàng đi lại. Đất trồng rau vì không có kinh nghiệm cũng phải thay 2 lần rồi. Mỗi lần làm thuê nhân công rất tốn kém", cô giáo Hà Giang cho biết.
Ngoài ra, chị Thảo còn làm khung giàn, mua tre làm gièo, mua dây buộc, găng tay, giấy bóng kính che luống, mua bầu ươm, chuối, trứng, sữa bột để ủ phân, mua cây giống, hạt giống,... Chỉ riêng tiền phân trâu sử dụng trong 3 tháng vừa qua đã tốn khoảng 2.300.000 đồng. Chị Thảo kết luận: "Vậy mới hiểu tại sao các sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ ở nước ngoài lại đắt đỏ như vậy. Vì mình tự làm vườn ở nhà cũng đắt đỏ không kém".
Thế nhưng công sức mới là khoản đầu tư đắt giá nhất. Để chăm chút một mảnh vườn, mẹ đảm Hà Giang thường dành 1,5 - 2 tiếng mỗi ngày để chăm sóc và tưới tiêu. Vì vườn trồng theo phương pháp hữu cơ, không sử dụng hoá chất nên càng cần sự tỉ mỉ, chịu thương chịu khó. Cứ 2 ngày/lần, chị Thảo hoà nước ngâm rau củ quả bón từng gốc cây. Toàn bộ quá trình phải xách khoảng 20 lít nước chạy khắp vườn. Sau nửa tháng, chị nhờ người đến giúp những việc nặng nhọc như chuyển đất, chuyển cây, quốc đất, trộn đất, làm giàn,... Công đoạn chăm sóc và cải tạo vườn tiếp nối liên tục không ngơi nghỉ.
Thành quả đẹp như tranh, ăn rau sạch 4 mùa
Vất vả và tốn kém là thế nhưng thành quả gặt hái được dễ dàng làm gia chủ hài lòng. Khu vườn nhà chị Thảo rộng khoảng 300m2, được phân luống cẩn thận để trồng đa dạng các loại cây trồng, tạo lối đi thuận tiện cho việc chăm sóc và các con bước vào vui chơi.
Vợ chồng chị dành riêng một khu vực làm vườn hoa, còn lại trồng đủ loại rau xanh, rau gia vị, giàn cây leo,... Ngắm nhìn toàn cảnh khu vườn nhà chị Thảo, người ta cảm tưởng như lạc vào bức tranh cổ tích với hàng rào gỗ bé xinh, lối đi trải đầy sỏi và hoa trái rạng rỡ suốt bốn mùa.
Lối ra cổng phụ đẹp như bức tranh mùa xuân với hoa lá xum xuê, nở rộ hai bên.
Hoa hồng leo khắp hàng rào vô cùng xinh yêu.
Những luống rau tươi mơn mởn, gia chủ "không nỡ ăn".
Những luống rau được phân cách bằng con đường trải đầy sỏi.
Nhờ sự chăm sóc tỉ mỉ của gia chủ mà cây trái nào cũng xanh tốt, sở hữu kích thước "khủng". Giá trị tinh thần mà khu vườn mang lại còn ngọt ngào và đáng quý hơn cả. Chị Thảo cho biết, từ ngày có vườn, chất lượng bữa ăn gia đình được cải thiện hơn hẳn vì luôn có sẵn rau xanh sạch và tươi mới. Việc làm vườn còn giúp gia chủ nâng cao sức khoẻ, giảm stress, tăng cường hệ miễn dịch và cải thiện trí nhớ.
Các con chị Thảo hào hứng phụ mẹ chăm sóc vườn.
"Hơn cả một vườn rau, vườn chính là nơi vui chơi, nơi thư giãn của cả gia đình. Vườn cũng là nơi có thể dạy cho lũ trẻ rất nhiều điều, về thực vật, về động vật, về sự sống... Các con nhờ việc tham gia làm vườn cùng mẹ mà biết được những gì có lợi hay bất lợi, các con bắt đầu hình thành khái niệm nhân quả. Con chăm chút cái cây, cái cây sẽ sinh trưởng khoẻ mạnh. Con chăm chỉ, con sẽ có những bữa ăn ngon. Cũng từ việc chăm sóc cây cối mà từ đó các con biết quý trọng sinh mệnh.
Hơn cả việc làm vườn, mình đúc rút ra được rất nhiều triết lý sống, đặc biệt là những triết lý trong việc giáo dục con cái. Làm vườn cũng giúp mình cải thiện rất nhiều sức khoẻ thể chất cũng như sức khoẻ tinh thần. Với những lợi ích tuyệt vời trên, mặc dù làm vườn trong phố rất tốn kém và vấy vả nhưng mình luôn cảm thấy may mắn vì mình có 1 mảnh vườn", mẹ đảm Hà Giang thổ lộ.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/me-dam-ha-giang-lam-vuon-pho-300m2-ton-kem-vat-va-...
Nhà - Vườn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn