Đội UET Fastest đến từ ĐH Công Nghê, ĐH Quốc gia Hà Nội đã xuất sắc giành ngôi quán quân cuộc thi về xe không người lái lần thứ 2 tại Việt Nam do tập đoàn FPT tổ chức.
Vào tối hôm qua (17/5) tại nhà thi đấu Quận Tây Hồ - Hà Nội, 8 đội thi đến từ 6 trường đại học trên cả nước gồm Học viện Kỹ thuật quân sự, ĐH FPT, ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội, ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, ĐH Bách Khoa TPHCM, ĐH CNTT – ĐHQG TPHCM đã bước vào thi đấu trận chung kết cuộc thi lập trình xe tự hành - Cuộc đua số 2017 – 2018 do Tập đoàn FPT tổ chức. Tham dự sự kiện có lãnh đạo Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện các doanh nghiệp và sự góp mặt đông đảo của hơn 1.000 bạn sinh viên.
Trong vòng thi chung kết, các đội phải trải qua 2 vòng thi đấu. Ở vòng 1, 8 đội bốc thăm để chia thành 4 cặp thi đấu. Mỗi cặp thi đấu 1 lượt trên 2 đường đua độc lập. 4 đội có số điểm cao nhất (được tính dựa trên thời gian ngắn nhất mà đội đã hoàn thành 1 vòng đua hoàn chỉnh) được lựa chọn vào vòng thi đấu thứ 2. Ở vòng đấu thứ 2, 4 đội tiếp tục thi đấu theo cặp và loại trực tiếp, chọn ra 2 đội thắng cuộc bước vào trận chung kết để tìm ra nhà vô địch.
Các đội thi sẽ phải sử dụng kiến thức trong lĩnh vực lập trình, xử lý ảnh, trí tuệ nhân tạo để cho xe di chuyển với tốc độ cao nhất trên các đường đi có địa hình phức tạp như có hàng đinh, có vạch kẻ đường hoặc kẻ nét đứt…; xác định và tránh được vật cản với hình dạng bất kỳ xuất hiện trên đường; nhận dạng và đi đúng theo chỉ dẫn của biển báo rẽ trái, rẽ phải, dừng lại. Đáng chú ý, các biển báo còn tự động thay đổi ngẫu nhiên qua từng lượt chạy để đảm bảo chính xác khả năng nhận biết biển báo của từng đội.
Sau gần hai giờ tranh tài sôi nổi, đội UET Fastest - ĐH Công Nghê, ĐH Quốc gia Hà Nội gồm bốn thành viên Nguyễn Văn Tùng, Nguyễn Minh Châu, Trần Anh Dũng và Nguyễn Minh Tuấn đã trở thành đội vô địch của cuộc thi năm nay. Xe tự lái của UET Fastest được ban giám khảo và các cổ động viên đánh giá cao về kiểu dáng, độ ổn định, vững chắc và tính thông minh, qua đó giúp UET Fastest vượt qua đội về nhì - Winwin Sprial (ĐH FPT) một cách thuyết phục.
Giải ba của cuộc thi cùng thuộc về đội MTA_ Race4Fun (Học viện Kỹ thuật Quân sự) và đội Prototype (ĐH FPT). Với việc giành được giải nhất, UET Fastest đã nhận được phần thưởng với trị giá 450 triệu đồng, trong đó có 1 chuyến thăm quan và trải nghiệm trong vòng 1 tuần tại Nhật Bản, được FPT Software tuyển thẳng vào làm theo lĩnh vực mà cá nhân mong muốn.
Chia sẻ về cuộc thi, bạn Nguyễn Minh Châu, thành viên đội vô địch UET Fastest đến từ Đại học Công nghệ, ĐH QG Hà Nội cho biết: "Các môn học trong nhà trường hiện phần lớn vẫn chỉ là lý thuyết. Cuộc đua số chính là động lực để bọn em phải tìm hiểu về các công nghệ mới như xử lý ảnh, học sâu, trí tuệ nhân tạo... Dù mới chỉ tham gia trong thời gian ngắn nhưng cuộc thi đã giúp chúng em có được những kết quả ban đầu về xe tự hành. Thời gian qua cả đội đã phải tập trung để cải tiến công nghệ xử lý ảnh của mình, tính toán kỹ lực gia tốc của xe để xe có thể chạy tốt nhất trên địa hình phức tạp".
Với sự dịch chuyển chủ yếu sáng tạo từ phần cứng lên 90% thuộc về phần mềm, ô tô sẽ là một trong những ngành có sự thay đổi mạnh mẽ nhất trong cuộc cách mạng 4.0. Trong xu thế đó, Việt Nam không chỉ là nguồn cung cấp nhân lực công nghệ trẻ cho cuộc cách mạng 4.0 mà sẽ trở thành trung tâm của ngành công nghiệp phần mềm ô tô toàn cầu.
Tại FPT, trong 2 năm đầu phát triển, mảng phần mềm ô tô đã lên đến 2000 kỹ sư. Năm 2018, FPT cần tuyển thêm khoảng 1000 người làm cho các dự án về automotive trong năm 2018. Điều đó cho thấy việc tham gia Cuộc đua số, các bạn sinh viên không chỉ được học hỏi các kiến thức về công nghệ mới mà còn có cơ hội trực tiếp tham gia vào ngành công nghệ phần mềm xe tự hành.
Thành Đạt
Nguồn tin: vnreview.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn