Khó có thể phủ nhận vai trò và đóng góp của Lazada đối với nền thương mại điện tử ở Việt Nam, đáng tiếc là vấn nạn hàng giả hàng nhái đang khiến người dùng và chính doanh nghiệp này phải hao tâm tổn sức để giải quyết nhưng vẫn chưa triệt để. Vậy đâu là nguyên nhân?
Cẩn thận: iPhone X, Galaxy S9 và Oppo F5 nhái tại "đại tiệc mua sắm" Lazada
Shopee, Lazada và Sendo là 3 ứng dụng mua sắm phổ biến nhất tại Việt Nam
Đâu là bí kíp của Leflair - startup hàng hiệu giảm giá vừa nhận 3 triệu USD đầu tư?
Phải nói ngay rằng bản chất các ông lớn của ngành thương mại điện tử (TMĐT) như Alibaba, Amazon, eBay, Lazada, Jomashop,... không phải là bên bán hàng họ trực tiếp sản xuất ra, mà thực chất họ chỉ là bên trung gian cho thuê gian hàng và thu phí của người bán, mức phí này được tính dựa trên việc vận hành hệ thống logistic cũng như quy mô/khả năng kết nối giữa bên bán hàng và người mua hàng.
Nói dễ hiểu hơn, hầu hết mô hình các công ty TMĐT sẽ giống như một ban quản lý chợ, cung cấp các gian hàng cho thuê và thu phí người bán. Trong khi đó người mua và người bán phải tự chịu trách nhiệm về thương hiệu, chất lượng, xuất xứ và giá cả của hàng hóa. Tuy nhiên, cũng như việc một cái chợ mà để lọt nhiều gian hàng bán hàng nhập lậu, hàng nhái, kém chất lượng và người dân cũng hay rỉ tai nhau "đừng mua hàng ở chợ đó", thì chợ online cũng sẽ "mang tiếng" nếu để tình trạng hàng kém chất lượng tràn lan, ảnh hưởng tới chính uy tín của website.
Sự phân hóa về mô hình hoạt động của các sàn TMĐT
Với các nhu cầu và tiêu chí khác nhau, dần dần các công ty TMĐT phát triển theo ba mô hình/nhóm hoạt động, bao gồm:
1. Công ty TMĐT đứng ra gom hàng và trực tiếp bán hàng (Amazon, Tiki,... có hình thức này)
2. Cho nhà sản xuất/phân phối ký gửi kho hàng (Amazon, Leflair, Lazada, Tiki, Jomashop,..)
3. Cho phép bên bán hàng (công ty hoặc cá nhân) mở gian hàng và đăng bán trực tiếp (Alibaba và Shopee chỉ có loại hình này, Lazada có loại hình này)
Qua mô hình trên có thể thấy chỉ có mô hình đầu tiên (số 1) là công ty TMĐT có thể kiểm soát gần như hoàn toàn chất lượng hàng hóa đầu vào, qua đó đảm bảo được chất lượng hàng hóa đầu ra (bán cho khách hàng). Tuy nhiên, mô hình này đòi hỏi doanh nghiệp phải có ngân sách lớn, lượng khách hàng lớn (để tiêu thụ sản phẩm, tránh tồn kho), kho bãi lớn và nhân lực dồi dào. Nhược điểm của mô hình này là sẽ hạn chế về sự đa dạng hàng hóa, do vậy ít có doanh nghiệp hoạt động 100% theo mô hình này. Đó cũng là lý do bạn sẽ thấy hàng hóa/mẫu mã sản phẩm ở Tiki thường không phong phú bằng Lazada hay Shopee, Adayroi...
Còn mô hình thứ 2 không thực sự đảm bảo như mô hình đầu tiên nhưng nhưng vẫn có sự giám sát của doanh nghiệp TMĐT do họ là đơn vị nhập và lưu kho, chưa kể do tính chất hợp tác (thường là dài hạn) giữa bên bán và sàn TMĐT nên thường có độ uy tín khá cao. Mô hình này được nhiều sàn TMĐT lựa chọn do không phải bỏ vốn ban đầu để gom hàng và cũng không lo tồn kho như mô hình đầu tiên. Amazon là đơn vị hoạt động theo mô hình thứ (1) và thứ (2) nên hàng hóa có sự đảm bảo tốt hơn những gì mà Alibaba hay Lazada đang cung cấp.
Trong khi đó, mô hình thứ 3 là mô hình tốn ít chi phí vận hành nhất cho các sàn TMĐT do họ chỉ đứng ra cho thuê gian hàng để bên bán hàng đứng ra trực tiếp bán cho người mua, không tốn bất cứ chi phí nào về kho bãi/lưu kho, kiểm soát đầu vào. Lúc này sàn TMĐT chỉ đứng vai trò trung gian và vận hành logistic, qua đó thu phí từ bên bán hàng. Tuy nhiên, mô hình này bộc lộ rõ điểm yếu lớn nhất là không kiểm soát được độ uy tín cũng như chất lượng hàng hóa đầu vào và đầu ra của bên bán.
Trách nhiệm về hàng giả, hàng nhái trên Lazada
Hàng nhái bày bán tràn lan trên Lazada trước dịp khuyến mãi (ảnh chụp màn hình ngày 8/5/2018)
Nhìn ra thế giới, không ít báo chí trong và ngoài nước coi Alibaba (hiện là công ty mẹ của Lazada Vietnam) như là một chợ hàng giả lớn nhất thế giới và CEO Jack Ma là "trùm bán hàng giả". Thực ra điều này cũng không quá sai nhưng liệu đây là do bản chất của hình thức chợ bán hàng online này hay là vấn đề của chính doanh nghiệp?
Lazada đang hoạt động theo mô hình thứ (2) và thứ (3), tức là ký gửi và cho thuê gian hàng, nên về một góc độ nào đó Lazada không phải là bên bán hàng. Họ đóng vai trò sàn giao dịch TMĐT, đứng ra làm trung gian cho bên bán và bên mua (B2C). Nói cách khác, Lazada không phải là thủ phạm trực tiếp trong việc bán hàng giả, hàng nhái hay hàng thiếu chất lượng.
Có mô hình tương tự với Lazada, vào tháng 5/2016, Alibaba đã bị tổ chức chống hàng giả quốc tế IACC khai trừ vì "nỗ lực chống hàng giả của họ chưa đủ lớn", buộc Alibaba sau đó phải tăng cường kiểm soát các gian bán hàng hiệu trên chợ của mình, yêu cầu người bán phải chứng minh xuất xứ hàng hóa.
Như vậy, không thể phủ nhận trách nhiệm của Lazada và các trang TMĐT trong vấn đề hàng giả, hàng nhái. Có thể nói, trách nhiệm chính xác của Lazada trong các vụ việc hàng giả như VnReview đã đề cập chính là để cho người ta bán hàng giả trên chợ giao dịch của họ, nói theo quy phạm là họ có "nỗ lực chưa đủ lớn để chống hàng giả bày bán trên chợ Lazada", chứ không phải họ bán hàng giả. Đó là thứ mà người mua cần phân biệt khi có tranh chấp thương mại xảy ra.
Bài toán khó có lời giải
Chỉ có bán hàng lưu kho mới giúp Lazada kiểm soát được chất lượng hàng hóa
Có thể nói, số lượng các cửa hàng cũng như người bán trên Lazada ngày càng đông, cộng với thói quen kinh doanh chộp giật của không ít người Việt sẽ càng gây khó khăn cho nỗ lực chống hàng nhái hàng giả của các chợ TMĐT như Lazada, Shopee hay Adayroi. Trừ khi họ hoạt động theo mô hình lưu kho như Tiki, nhưng cái giá phải trả là sự đa dạng về mẫu mã và chủng loại hàng hóa - thứ làm nên thành công của Lazada.
Do vậy, có thể nói việc chống hàng giả hàng nhái trên các trang TMĐT là vô cùng khó khăn. Bản thân chống hàng giả tại các chợ/siêu thị vật lý đã khó, việc này ở các chợ TMĐT trực tuyến càng khó khăn gấp bội khi lượng hàng hóa, số lượng gian hàng và chủng loại mặt hàng không dừng ở mức con số hàng ngàn. Điều này đòi hỏi các nhà quản lý cũng như bản thân các sàn TMĐT phải sớm đưa ra các công cụ/điều khoản hiệu quả và chặt chẽ hơn.
Không thể phủ nhận bản thân Lazada đã có những nỗ lực nhất định khi tung ra công cụ phản hồi/đánh giá với cửa hàng, nhưng có vẻ như công cụ này không thực sự hiệu quả và bản thân việc "cởi mở" thu nạp các gian hàng đã phần nào làm giảm khả năng kiểm soát chất lượng gian hàng của họ. Do hạn chế về nhân sự và quản lý, nên hầu hết các phản ứng/xử lý của Lazada hiện nay mới chỉ dừng ở việc "sự đã rồi", tức là sau khi có phản hồi họ mới tạm đóng băng gian hàng/mặt hàng như vụ việc vừa phản hồi với VnReview , thay vì chủ động truy lùng các gian hàng giả. Có lẽ đã đến lúc đưa ra các công cụ quản lý tự động sử dụng trí thông minh nhân tạo để hỗ trợ yếu tố con người trong việc kiểm soát các gian hàng trên chợ TMĐT.
Tuy vậy, ngoài Lazada thì yếu tố con người và bản thân các nhà bán hàng trên sàn TMĐT này đóng vai trò quan trọng. Bởi chính họ là những người có trách nhiệm trực tiếp với khách hàng của mình. Chính các hành động vô trách nhiệm để kiếm lợi bất chấp uy tín của họ đã gián tiếp làm suy giảm niềm tin vào các hoạt động TMĐT tại Việt Nam, cũng như sàn giao dịch mà họ đang tham gia bày bán. Nói cách khác, trong khi tìm cách lừa đảo người mua thì chính các nhà bán hàng đã tự làm khó mình, tự kìm hãm sự phát triển của thanh toán online cũng như TMĐT ở trong nước.
TM
Nguồn tin: vnreview.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn