Trong thị trường smartphone quá cạnh tranh hiện nay, nhiều hãng điện thoại lớn đang dần bị bỏ lại. HTC chưa có một sản phẩm nào mới trong năm nay, LG mới chỉ ra một chiếc LG G7 ThinQ nhạt nhòa, Sony khá hơn một chút khi đã ra mắt được cả sản phẩm tầm trung (XA2) và cao cấp (XZ2).
Nếu so sánh với các hãng trên, Nokia (nay là thương hiệu thuộc HMD Global) lại đang tỏ ra sốt sắng nhất. Hãng ra mắt tới 4 điện thoại ở MWC 2018 và đã kịp mang 2 sản phẩm về Việt Nam. Có lẽ việc chiếc Nokia 8 cao cấp không thành công đã khiến hãng phải đánh giá lại và tập trung vào phân khúc tầm trung trước. Cả Nokia 6 và Nokia 7 Plus đều có giá dưới 10 triệu, nằm trong chương trình Android One và cấu hình tầm trung, cận cao cấp.
Trong hai sản phẩm thì Nokia 7 Plus nằm ở phân khúc 9 triệu đồng ít cạnh tranh hơn. Máy được trang bị cấu hình cận cao cấp với Snapdragon 660, hệ thống camera kép hỗ trợ chụp xóa phông, thiết kế theo trào lưu màn hình dài. Liệu những điểm nhấn này đã đủ để Nokia 7 Plus gây ấn tượng với người dùng?
Video mở hộp và trải nghiệm nhanh Nokia 7 Plus
Thiết kế
Những chiếc Nokia Lumia trước đây luôn gây được ấn tượng nhờ vẻ ngoài cá tính, với phần vỏ nhựa khá trẻ trung. Màu sắc trên chiếc Nokia 7 Plus thì không trẻ trung như thế, nhưng vẫn đủ để tạo nên điểm nhấn. Nokia 7 Plus có hai màu chính là đen và trắng, và cả hai phiên bản đều được phối với màu đồng để tạo nên sự khác biệt. Những đường viền màu đồng ở khung máy, quanh màn hình, camera và logo Nokia đem lại ngoại hình tổng thể khá lạ nhưng vẫn thanh lịch trên Nokia 7 Plus.
Màu sắc là một điểm khác biệt của Nokia 7 Plus
Ấn tượng thứ hai về thiết kế của chiếc điện thoại này là nó khá lớn. Nokia 7 Plus là điện thoại đầu tiên của Nokia đi theo trào lưu màn hình dài. Với kích thước màn hình 6 inch, việc sử dụng bằng một tay đôi lúc sẽ khó khăn. Tuy nhiên cảm giác cầm nắm chiếc điện thoại này khá thoải mái do mặt lưng được bo cong, các góc máy cũng tròn trịa. Ngoại hình theo trào lưu của máy cũng hiện đại, bớt nhàm chán hơn.
Mặt lưng của Nokia 7 Plus sử dụng chất liệu gốm tráng nhiều lớp. Khác với một chiếc smartphone lưng gốm khác là Mi Mix 2, mặt lưng của máy không bóng mà êm, hơi mịn và bám tay. Chất liệu này hạn chế phần nào sự mong manh, dễ xước của kính nhưng lại dễ bám vân tay, khó lau sạch. Cảm biến vân tay đặt ở vị trí hợp lý tại mặt sau, tiện dùng với cả hai tay.
Camera sau lồi khá nhiều, có thể khiến cụm camera dễ xước khi sử dụng thời gian dài
Độ hoàn thiện của máy rất tốt, các mép ghép nối những chất liệu khác nhau liền lạc, trơn tru. Những chi tiết phay kim loại ở cổng kết nối, loa cũng được làm tỉ mỉ. Điểm trừ duy nhất mà người viết cảm nhận được là phần nối giữa khung và màn hình gồm nhiều lớp vật liệu khác nhau, đôi lúc có thể tạo cảm giác hơi rối và không liền mạch.
Không chạy theo trào lưu, Nokia vẫn trang bị chân cắm tai nghe 3.5 phổ thông
Cạnh dưới có cổng USB Type C, micro và loa ngoài
Hai viền màn hình, đặc biệt là viền dưới thừa hơi nhiều do các nút ảo để trong màn hình
Có thể thiết kế của Nokia 7 Plus không nổi bật, cá tính như những chiếc Lumia trước đây, nhưng nó vẫn có nhiều điểm nhấn. Ngoại hình hiện đại, chất liệu gốm hiếm gặp và màu sắc lạ đem lại một thiết kế tổng thể cá tính, khác biệt mà không cần phải chạy theo "tai thỏ".
Màn hình
Với kích cỡ 6 inch và tỉ lệ màn hình 18:9 (độ phân giải Full HD+ 2160 x 1080), diện tích hiển thị của Nokia 7 Plus rất rộng rãi và phù hợp để hiển thị nhiều thông tin trong các ứng dụng như Facebook, lướt web… Tuy nhiên màn hình dài khiến việc hiển thị phim trên YouTube, phim truyền hình… không tràn màn hoặc bị mất một phần hình ảnh. Các góc màn hình cũng đều được vát cong phù hợp với thiết kế.
Màn hình của chiếc điện thoại này đạt độ sáng tối đa 450 nit khi đo bằng máy. Mức sáng này đủ để hiển thị ổn trong nhiều môi trường, nhưng sẽ hơi đuối khi dùng ngoài trời nắng. Máy hiển thị màu sắc không quá rực rỡ và bắt mắt, góc nhìn rộng và không bị ngả màu khi nhìn nghiêng. Nhìn chung chất lượng màn hình ở mức khá, chưa gây ấn tượng như những sản phẩm cao cấp.
Tính năng hiển thị thông tin khi màn hình khóa giống như Nokia 8 tiếp tục được đưa lên Nokia 7 Plus. Phông chữ và thông tin trên chiếc máy mới đã được điều chỉnh lớn hơn, dễ nhìn hơn so với Nokia 8. Ngoài ra máy cũng có một số tính năng màn hình khác như chế độ lọc ánh sáng xanh, hay gõ hai lần để mở màn hình.
Camera
Nokia 7 Plus thừa hưởng thiết kế camera kép từ Nokia 8, với camera chính 12MP ống kính f/1.75 và kích cỡ điểm ảnh 1.4 µm, cùng camera tele độ phân giải 13MP, ống f/2.6 và kích cỡ điểm ảnh 1 µm. Camera trước có độ phân giải 16MP. Tất cả các ống kính camera đều sử dụng của ZEISS.
Chế độ chụp chuyên nghiệp trên Nokia 7 Plus
Các chế độ chụp đáng chú ý bao gồm chụp xóa phông (Bokeh trực tiếp) kết hợp hai camera sau, chụp xóa phông với camera trước, chế độ Dualsight kết hợp hai camera trước/sau, chế độ chụp chuyên nghiệp cho phép điều chỉnh nhiều thông số như cân bằng trắng, chỉnh nét, ISO và tốc độ màn trập.
Phần mềm chụp ảnh của máy đã có chút thay đổi so với Nokia 8, tuy nhiên vẫn hơi khó hiểu và nắm bắt với khá nhiều biểu tượng không được chú thích. Hiệu năng của ứng dụng camera cũng không ấn tượng: khi chụp ở chế độ Bokeh trực tiếp hoặc bật HDR, máy vẫn có độ trễ và phải chờ đợi giữa hai lần bấm chụp.
Với điều kiện ánh sáng tốt, ảnh chụp từ Nokia 7 Plus cho độ nét tốt, tốc độ chụp nhanh, tuy nhiên cân bằng trắng tự động đôi lúc không ổn định. Khi trời nắng, đôi lúc ảnh chụp từ máy bị quá thiên về tông vàng.
Ảnh chụp ở điều kiện sáng tốt, có nắng mạnh
Ảnh chụp với ánh nắng mạnh hắt vào chủ thể nhưng độ chi tiết ở dải sáng và tối vẫn được giữ lại tốt
Giống như nhiều điện thoại hiện nay, Nokia 7 Plus có tính năng thêm "thủy ấn" (watermark) vào ảnh
Camera của máy xử lý dải sáng động ổn, nên trong những trường hợp độ sáng giữa các phần trong hình chênh nhau thì máy vẫn giữ được khá nhiều chi tiết ở cả dải sáng và tối. Tuy nhiên khi chụp ngược sáng, ở điều kiện khó thì cần chụp ở chế độ HDR. Máy có chế độ HDR tự động, tuy nhiên hiệu quả không ấn tượng và trong nhiều trường hợp tôi phải chọn bật HDR thủ công để có kết quả tốt hơn.
Ảnh chụp khi để HDR tự động (trên) và bật thủ công có độ sáng chênh lệch nhiều dù cùng đo sáng vào phần tối
Khi chụp trong điều kiện ánh sáng kém hơn, máy vẫn giữ được khá nhiều chi tiết, nhiễu được kiểm soát tốt. Tốc độ màn trập thường xuống mức 1/25 hoặc 1/20 giây, tuy không có chống rung quang học nhưng cũng không quá khó để chụp ảnh rõ nét mà không bị rung, nhòe.
Ảnh chụp ở điều kiện ánh sáng yếu, máy vẫn thu được nhiều chi tiết và ít bị nhiễu
Chế độ chụp Bokeh trực tiếp trên Nokia 7 Plus cho ảnh xóa phông ổn, ít bị xóa lỗi. Máy chỉ xóa nhầm những chi tiết khó như tóc hoặc những chi tiết nằm trong phần "bao" của chủ thể. Sau khi chụp xong, bạn có thể chỉnh sửa lại mức độ xóa mờ phông và điểm lấy nét để có bức ảnh tự nhiên và ưng mắt nhất.
Ảnh chụp với chế độ Bokeh trực tiếp
Với camera trước, máy cũng có chế độ giả lập xóa phông nhưng không chỉnh sửa được mức xóa phông như camera sau. Ảnh selfie xóa phông cũng khá chuẩn, tuy nhiên xóa hơi mạnh nên nhìn có phần không tự nhiên.
Ảnh selfie xóa phông trên Nokia 7 Plus
Khi chụp selfie, bạn cũng có thể chọn chế độ làm đẹp hoặc HDR. Chế độ làm đẹp tự nhiên, giúp làm trắng và mịn da, tuy nhiên ảnh selfie đôi lúc hơi ngả đỏ. Dù vậy đây không phải là thế mạnh của Nokia 7 Plus nếu so sánh với một số đối thủ trên thị trường, ví dụ như Oppo F7.
Ảnh chụp selfie tự động (trái) và bật chế độ làm đẹp
Máy có thêm chế độ chụp cùng lúc "hình trong hình" từ hai camera
Giống như Nokia 8, 7 Plus cũng được tích hợp công nghệ thu âm OZO Audio để ghi lại âm thanh chính xác, chân thực hơn khi quay phim. Trong trải nghiệm thực tế, tôi nhận thấy máy ghi lại âm thanh rất rõ ràng, phát huy tốt khi quay phim những bài hát: âm nhạc nổi bật, loại bỏ tạp âm hiệu quả.
Hiệu năng và pin
Nokia 7 Plus sử dụng Snapdragon 660, SoC tầm trung mạnh mẽ nhất của Qualcomm
Nokia 7 Plus là điện thoại bán chính hãng đầu tiên ở Việt Nam sử dụng chip Qualcomm Snapdragon 660. Đây là con chip tầm trung nhưng hiệu năng cao, được sản xuất trên tiến trình 14nm nên có thể tiết kiệm pin tốt hơn thế hệ trước là Snapdragon 650 (652, 653). Cùng với khả năng xử lý cao hơn, Snapdragon 660 cũng được trang bị những tính năng riêng cho AI, máy học.
Trong sử dụng thực tế, tôi nhận thấy máy đáp ứng mượt mà hầu hết các thao tác trên điện thoại. Tốc độ tải game khá nhanh, việc xử lý ảnh hay video trên các ứng dụng chỉnh sửa cũng khá mượt. Đối với game, nhân đồ họa Adreno 512 trong Snapdragon 660 đủ đáp ứng phần lớn game nặng ở mức trên 50 fps, trải nghiệm game ổn định và không thua kém nhiều so với những smartphone cao cấp.
VnReview đã có bài đánh giá chi tiết về hiệu năng của Nokia 7 Plus , mời bạn đọc tham khảo thêm.
Kết quả của Nokia 7 Plus trong các bài đánh giá pin tiêu chuẩn không thực sự ấn tượng
Thời gian sử dụng pin của Nokia 7 Plus ở mức chấp nhận được. Trong quá trình sử dụng hơn 2 tuần, máy luôn đáp ứng được trên 1 ngày sử dụng thoải mái, với các tác vụ như lướt web, Facebook, chơi game (PUBG Mobile, game khá nặng về mặt đồ họa), chụp ảnh và kết nối mạng liên tục (phần lớn thời gian là WiFi, khoảng 2 giờ/ngày là dùng 3G). Mỗi lần sạc đầy, thời gian sử dụng (sáng màn hình) của chiếc điện thoại này khoảng 6 – 7 giờ.
Báo cáo thời gian dùng pin thực tế qua quá trình sử dụng với AccuBattery
Như vậy với cường độ sử dụng thông thường của tôi khoảng 4 giờ/ngày, thì Nokia 7 Plus có thể dùng được gần 2 ngày. Có thể so với những smartphone dùng chip Snapdragon 625, Nokia 7 Plus còn kém một chút về pin, nhưng nếu xét tới hiệu năng của máy thì đây cũng là kết quả chấp nhận được. Bạn đọc có thể tham khảo thêm bài viết chi tiết về pin của Nokia 7 Plus .
Một điểm cộng ở Nokia 7 Plus là máy có tính năng sạc nhanh, với củ sạc theo máy đạt chuẩn QuickCharge 3.0. Tổng thời gian sạc đầy cho Nokia 7 Plus khoảng 1 giờ 40 phút, trong đó sau 30 phút máy sẽ sạc được khoảng 40% pin.
Phần mềm
Nokia 7 Plus cùng Nokia 6 (2018) đều nằm trong chương trình Android One hợp tác với Google, đảm bảo máy được cập nhật phiên bản Android và các bản vá bảo mật mới nhất trong vòng 2 năm. Vừa qua, khi Google công bố Android P thì Nokia 7 Plus cũng là một trong những smartphone đầu tiên nhận bản beta của phiên bản này . Ở thời điểm viết bài, máy đã có cập nhật chính thức lên Android 8.1.
Máy chạy phiên bản Android 8.1 khi bán ra, nhưng hiện đã có thể cập nhật lên Android P beta
Phần mềm của Nokia 7 Plus gần như là Android gốc, các dịch vụ và phần mềm cài sẵn cũng đều của Google ngoại trừ phần mềm hỗ trợ của Nokia. Một đặc điểm nhận biết khác là các nhạc chuông, chuông báo quen thuộc ở điện thoại Nokia trước kia vẫn được giữ nguyên trên chiếc điện thoại này.
Từ trái sang: Giao diện màn hình chính, khay ứng dụng và mục thông báo/cài đặt nhanh trên Nokia 7 Plus
Ưu điểm của Android gốc là giao diện thoáng, ít bị trùng lặp về ứng dụng, nếu muốn tùy biến cũng có thể cài đặt thêm launcher hoặc các ứng dụng ngoài. Tuy nhiên tính năng về phần mềm vẫn còn có một số điểm cải thiện được, ví dụ như ứng dụng camera có thể cải thiện để hiệu năng tốt hơn.
Kết luận
Nếu xét tới khía cạnh sử dụng, Nokia 7 Plus có nhiều điểm đáng khen: thiết kế ổn với nét cá tính vừa đủ, không phải sao chép "tai thỏ"; camera cho hình ảnh trung thực, xóa phông tốt, không nịnh mắt; hiệu năng tốt và pin đủ dùng thoải mái; phần mềm luôn được đảm bảo cập nhật nhanh nhất. Bên cạnh đó, hãng cũng cần cải thiện thêm về phần mềm camera để đem lại hiệu năng tốt hơn. Nếu nói máy "thiếu" gì, thì có lẽ là một điểm độc đáo, thực sự khác biệt, bởi tính năng chụp ảnh kép trước/sau hay chất lượng âm thanh khi quay phim tốt là những thứ người dùng hơi khó nắm bắt.
Dù vậy, với giá bán trên thị trường khoảng gần 9 triệu đồng thì sự thiếu vắng đó có thể chấp nhận được. Đây cũng là mức giá đủ xa để người dùng cân nhắc so với smartphone cao cấp đời trước. Năm nay chưa có nhiều hãng ra mắt smartphone ở tầm giá dưới 10 triệu đồng, do vậy Nokia 7 Plus là sản phẩm nổi bật và đáng cân nhắc nhất ở tầm giá này nếu bạn cần một chiếc điện thoại mới.
Tuấn Anh
Nguồn tin: vnreview.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn