Ảo tưởng về sự bất tử, bệnh nhân chết vì tuyệt thực
Jules Cotard (1840-1889) là người đầu tiên mô tả hội chứng "xác di động". Ảnh: Wikipedia |
Hội chứng Cotard hay "xác di động" là một dạng rối loạn tâm thần hiếm. Bệnh nhân mắc chứng này ảo tưởng rằng họ "thật sự" đã chết, cơ thể thối rữa, hay máu và các cơ quan nội tạng không còn tồn tại. Một số trường hợp người bệnh không cảm thấy tay chân hoạt động.
Jules Cotard (1840-1889), một nhà thần kinh học người Pháp, là người đầu tiên mô tả hội chứng "xác di động" trong một bài thuyết trình ở Paris năm 1880. Trong tài liệu, Cotard ghi lại trường hợp của bệnh nhân mang tên "quý bà X" với các biểu hiện bất thường: X nghĩ rằng cô không có não, dây thần kinh, ngực và dạ dày. Bệnh nhân tin rằng cô sẽ bất tử nên không ăn, uống. Cuối cùng X chết do tuyệt thực.
Bệnh án kỳ lạ của X lan truyền rộng rãi và ảnh hưởng lớn trong giới y học lúc đó. Người ta quyết định đặt tên chứng rối loạn tâm lý kỳ lạ đó theo tên Cotard.
Những người mắc hội chứng Cotard nghĩ rằng họ đã chết, rằng sự tồn tại của họ chỉ là ảo giác với cơ thể trống rỗng, hoàn toàn không có trí tuệ và quá trình nhận thức. Một số bệnh nhân còn tuyên bố, họ đã đầu độc toàn thế giới bằng hơi thở có độc hay lây nhiễm AIDS cho mọi người trên hành tinh.
Thông thường, các bệnh nhân phủ nhận sự tồn tại của thế giới bên ngoài, họ nói rằng trái đất chỉ là khối cầu rỗng và con người không có linh hồn. Ngoài những biểu hiện đó, bệnh nhân vẫn trải nghiệm cảm giác đau khổ thật sự.
Theo các bác sĩ, hội chứng Cotard là một dạng cực đoan của chứng trầm uất và người ta cũng coi nó là hậu quả phụ của các dạng rối loạn tâm thần. Nó có thể xuất hiện cùng với chứng mất trí nhớ, cũng như những trục trặc ở não. Hội chứng Cotard cũng thường xảy ra ở những bệnh nhân tâm thần phân lập.
"Xác di động" phàn nàn về vải khâm liệm và áo quan
Các bệnh nhân mắc hội chứng "xác di động" phủ nhận sự tồn tại của thế giới bên ngoài. Họ nói rằng trái đất chỉ là khối cầu rỗng và con người không có linh hồn. Ảnh:blogspot.com |
Vào năm 1788, giới y khoa ghi nhận bà Charles Bonnet là trường hợp "xác di động" đầu tiên. Theo Mental Floss, khi đang nấu món ăn, Bonnet bỗng cảm thấy tê liệt toàn thân và ngất. Khi tỉnh lại, Bonnet yêu cầu con gái mặc vải khâm liệm và đặt bà vào quan tài. Cả ngày hôm đó, Bonnet liên tục yêu cầu bạn bè, gia đình và người giúp việc hãy đối xử với bà như người chết.
Cuối cùng, người thân làm theo yêu cầu của Bonnet: mặc vải khâm liệm, đặt bà vào quan tài và than khóc để bày tỏ sự tiếc thương cái chết của bà. Tuy vậy, Bonnet vẫn phàn nàn về tấm vải liệm và màu sắc của nó. Khi Bonnet ngủ, gia đình thay quần áo và đặt bà lên giường để chăm sóc.
Nhờ phương pháp điều trị bằng "bột đá quý và thuốc phiện", chứng ảo tưởng "xác chết" của bệnh nhân đã giảm nhưng cứ vài tháng hội chứng "xác di động" lại xuất hiện ở Bonnet một lần.
Người đàn ông tưởng não đã chết
Hội chứng Cotard khiến Graham nghĩ rằng ông đã chết dù vẫn còn thở. Ảnh: Daily Mail |
Graham , một người đàn ông Anh, từng mắc chứng trầm uất nặng, thậm chí ông ta còn cố tự sát bằng thiết bị điện trong bồn tắm. Tại đưa đến bệnh viện, Graham lạnh lùng nói với các bác sĩ rằng, ông không còn não bộ nữa và thuốc men chẳng giúp được gì, Daily Mail đưa tin.
Graham còn đưa ra những dấu hiệu cho thấy não bộ không còn nữa. Chẳng hạn, ông không còn cảm giác về mùi vị, không quan tâm đến những hoạt động mà ông từng ưa thích và cũng không muốn gặp người thân.
Các bác sĩ quyết định chuyển ông đến hai nhà thần kinh học nổi tiếng thế giới là Adam Zeman ở Đại học Exeter, Anh và Stephen Laureys ở Đại học Liege, Bỉ. Sau khi chụp cắt lớp não, hai chuyên gia thần kinh ngạc nhiên phát hiện Graham đã đúng một phần. Hoạt động chuyển hóa não trong vùng thùy trán và thùy đỉnh của Graham cực thấp - hiện tượng vốn chỉ xảy ra ở người đang sống trong trạng thái thực vật.
Ông Laureys cho biết: "Trong quá trình chụp não các bệnh nhân trong 15 năm qua, tôi chưa từng thấy người nào có hoạt động não thấp như thế này mà vẫn đi, đứng, giao tiếp một cách bình thường".
Theo các chuyên gia, một phần não của Graham đã gần như chết. Nhà thần kinh học Adam Zeman tin rằng cơ chế chuyển hóa trong não giảm sút mạnh, gây ra những thay đổi trong nhận thức của Graham về thế giới bên ngoài. Vì lý do nào đó, lông chân Graham rụng hết và bác sĩ cũng không thể giải thích hiện tượng ấy. Nhưng nhờ sự điều trị tích cực bằng kết hợp thuốc men và liệu pháp tâm lý, tình trạng của Graham cũng dần cải thiện.
Hiện nay, Graham đã hoàn toàn bình phục và trở lại với cuộc sống bình thường. Ông nói rằng não đã sống lại, song đôi lúc ông cảm thấy xa lạ với thế giới bên ngoài.
Cô gái thoát khỏi chứng "xác di động" nhờ phim thiếu nhi
Những bộ phim trẻ em đã giúp Haley trở lại với cuộc sống. Ảnh: Metro |
Haley Smith - một cô gái tại bang Alabama, Mỹ - bắt đầu trải qua những cảm giác kỳ lạ từ năm 14 tuổi, khi cha mẹ cô ly hôn. “Hôm đó, khi đang ngồi trong lớp tiếng Anh, tôi đã có cảm giác rất kỳ lạ. Dường như tôi đã chết. Trên đường về nhà, tôi muốn đến nghĩa địa để có thể gần gũi với những hồn ma khác”, Metro UK dẫn lời Haley.
Cảm giác “đã chết” trở lại với Haley sau vài ngày. Cô thừa nhận rằng cô đã tưởng tượng về những buổi dã ngoại trong nghĩa địa và muốn xem phim kinh dị nhiều hơn. Những thây ma khiến cô cảm thấy thoải mái, giống như đang ở bên gia đình. Vào năm 2013, Haley quyết định gặp bác sỹ tâm lý. Bác sỹ chẩn đoán Haley mắc chứng ảo giác Cotard hay Walking Corpse Syndrome (hội chứng Xác di động).
Bác sỹ tâm lý điều trị cho Haley bằng phương pháp vật lý trị liệu kết hợp với những bộ phim của hãng Disney. Những bộ phim như "Nàng tiên cá", "Aladdin'', ''Người đẹp ngủ trong rừng'', ''Chú nai Bambi'' đã đem lại cho cô cảm giác ấm áp.
Haley khẳng định những bộ phim dành cho trẻ em đã khiến cô cảm thấy muốn sống hơn. Cô mong muốn làm việc cho Disney World khi trưởng thành.
Nguồn tin: news.zing.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn