Theo cảnh báo từ cơ quan khí tượng, mưa đá là hiện tượng thời tiết cực đoan nguy hiểm và chỉ giảm dần khi mùa mưa đến, tức là khoảng hết tháng 5.
Người dân có thể nhận biết được mưa đá chuẩn bị xảy ra dựa vào một vài đặc điểm như: Ban ngày có giông mạnh, mây đen kịt trên bầu trời; ban đêm có sấm sét, gió đang thổi đều bỗng lặng đi, trời lạnh đột ngột...
Nếu thấy trời nổi dông gió, mây đen bao phủ bầu trời gần như kín tầm mắt, rồi dông gió nổi lên mạnh, tạo ra tiếng "ù ù, ầm ầm" liên tục thì bạn hãy cảnh giác với mưa đá. Nếu tiếp đó lắc rắc vài hạt mưa rào, thấy nhiệt độ không khí như lạnh đi rất nhanh là lúc mưa đá đã kéo đến. Mọi người cần tìm ngay cho mình chỗ nấp an toàn.
Những hạt mưa đá to bằng ngón tay. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN).
Để giảm thiểu thiệt hại khi cơn mưa đá có thể rơi xuống bất ngờ, hãy ghi nhớ những kiến thức sau:
- Nếu đang đi ngoài đường mà gặp mưa đá, bạn nên lập tức dừng lại tìm chỗ ẩn, đội mũ bảo hiểm để tránh đá rơi vào đầu, chờ đá trên đường tan hết mới tiếp tục đi để tránh trơn ngã. Đối với những cơn mưa đá có kích cỡ đá lớn, người dân nên tìm nơi có thể "trốn" được như gầm bàn, gầm giường, tìm các vật cứng để che đầu.
- Với mái nhà, cần thường xuyên kiểm tra tình trạng của mái nhà và gia cố lại mái. Ở những chỗ trọng yếu nên sử dụng các vật liệu có thể chống chịu với va đập. Hệ kết cấu khung mái, xà gồ cũng nên sử dụng vật liệu chịu lực tốt, chống ăn mòn, được gia cố cẩn thận. Vật liệu và kỹ thuật xây dựng có thể cải thiện độ cứng của khung mái nhà và giúp giảm thiệt hại do mưa đá gây ra.
- Làm mái nhà dốc xuống hai bên: Cách dựng mái nhà này sẽ làm giảm lực tác động từ mưa đá. Mưa đá va vào mái nhà ở một góc độ 90 độ sẽ gây ra thiệt hại nhiều hơn mưa đá rơi xuống mái nhà theo một góc lệch.
- Với xe ô tô, cần đưa vào nhà xe, gara kiên cố. Nếu không có nhà xe, gara thì chuẩn bị loại bạt khí, là một bộ phụ kiện bao gồm bạt phủ xe ôtô chống thấm nước có không gian thổi khí để biến thành lớp đệm khí bảo vệ, chạy bằng nguồn điện trên xe hoặc pin dự trữ. Khi chưa kích hoạt bơm khí, bạt có thể được dùng che mưa nắng như loại thường.
Với cây trồng hoặc hoa màu dễ bị nát dập, có thể dựng giàn che dọc theo luống, và nên làm giàn dạng mái hình tam giác sẽ giúp giảm tác động của hạt mưa đá khi va chạm, đá sẽ rơi xuống hai bên luống cây mà không đâm thủng giàn che, chú ý dựng cọc chống phải chắc chắn.
Bên cạnh mối nguy hiểm trên, mưa đá còn có thể mang tới những mối nguy hại khác chẳng hạn mang theo độc tố, acid… Nếu đám mây được hình thành từ những vùng nước độc, môi trường không sạch, những chất bẩn trong nước mưa có thể làm hại da người, gây dị ứng, do đó trước khi sử dụng nguồn nước có nhiễm nước mưa đá, người dân nên lấy mẫu nước, mang tới các trung tâm để kiểm tra chất lượng nước.
- Tại sao lại có mưa đá, cách phòng tránh mưa đá
- 10 điều có thể bạn chưa biết về mưa đá