Những câu chuyện nửa hư nửa thực về loài rắn hổ mây khổng lồ có những con dài 20m, nặng đến vài trăm kg ở rừng U Minh khiến những người yếu bóng vía thót tim hoặc dựng tóc gáy. Không ít người tò mò đã đi vào tận rừng sâu để tìm, chứng kiến tận mắt loài rắn khổng lồ này.
Rừng U Minh
Không chỉ trong chuyện kể của bác Ba Phi hay những lời đồn thổi, cách đây không lâu, thông tin rắn khổng lồ xuất hiện tại khu rừng đặc dụng Vồ Dơi, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau với sự chứng kiến trực tiếp của cán bộ kiểm lâm làm không ít người nửa tin nửa ngờ.
Trong những tác phẩm nổi tiếng về rừng U Minh, nhà văn Sơn Nam thường kể rằng, ngay từ buổi bình minh của lịch sử khẩn hoang miền Nam, dường như tạo hóa đã ban cho mỗi làng xã một bà mụ vườn, một ông thầy lang và một ông thầy rắn hổ để cứu nhân độ thế. Rắn hổ ở rừng U Minh từng là câu chuyện huyễn hoặc biết bao người. Trong số này có rắn hổ mây, một trong những loài rắn khổng lồ có mặt ở nước ta.
Không chỉ là chuyện rắn hổ mây hay "đi mây về gió", người dân U Minh còn truyền tụng, kể nhau nghe chuyện những con rắn khổng lồ hai đầu quấn vào thân cây còn phần thân thì thả võng xuống vũng, bụng dẹp lép, đong đưa tát nước để bắt cá.
Không biết sự thật của chuyện này như thế nào nhưng ông Hai Thọ, Giám thị Trại giam Cái Tàu, Cà Mau, người trên 30 năm gắn bó với rừng tràm U Minh cũng cho biết nhiều lần nghe tiếng rắn khổng lồ tát nước rào rào trong rừng. Có điều không ai có đủ can đảm đến gần để mục kích tận mắt chuyện này.
Mọi chuyện về rắn hổ mây khổng lồ ở U Minh Hạ sẽ mãi là huyền thoại nếu như không còn những nhân chứng sống, những người thợ rừng, những người gắn bó cả đời với rừng lục lại ký ức và những kỷ niệm một thời sống chết với rắn hổ mây khổng lồ.
Ông Nguyễn Văn Đã (Hai Tây), cán bộ về hưu, người gắn bó cả đời với rừng tràm chỉ tay vào cái chậu kiểng gần bên nói: "Tôi đã từng thấy và đuổi một cặp rắn hổ mây khổng lồ vào rừng, nó to bằng cái chậu có đường kính 4 tấc, dài hai ba chục mét, nặng có đến hàng trăm ký lô. Tôi chưa nghe ai nói bắt được con rắn này, có nghĩa là nó vẫn còn sống trong rừng và có thể là một trong những con rắn khổng lồ nhất U Minh Hạ còn tồn tại".
Ở Cà Mau hiện có một con rắn hổ mang gần 20 kg, dài khoảng 6 m, mang bành rộng hơn hai tấc, nhưng... vô hại vì nó đã nằm trong bình thủy tinh ngâm rượu.
Ảnh minh họa
Con rắn hổ mang như thế là đã quá to. Nhưng khi anh Chín Của, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau, kể lại việc anh đã chứng kiến một con rắn hổ mây khổng lồ cách đây vài năm, thì hóa ra con rắn ngâm rượu chỉ được liệt vào dạng... cháu chắt.
Cuối năm 2002, trong một chuyến đi thăm rừng cùng anh kiểm lâm viên Đỗ Thanh Hóa, đến đoạn gần giữa ruột rừng đặc dụng Vồ Dơi, trong khi anh Hóa đang mải mê nhìn khỉ đung đưa trên ngọn tràm hai bên đường thì anh Chín Của như quát vào tai: "Thằng nào chơi kỳ, kéo cây chắn giữa đường vậy ta?". Vì là tuyến đường chính thường xuyên có kiểm lâm qua lại, tự nhiên có một cái cây to tướng chắn ngang thì rõ ràng có người muốn hại cán bộ kiểm lâm.
Sau khi nhìn kỹ, anh Chín Của la lớn : "Rắn! Rắn, Hóa ơi". Anh Chín Của rụng rời tay chân, còn anh Hóa run lên bần bật, đạp thắng suýt té. Đường đất rộng 8 m mà con rắn bò ngang không thấy đầu, thấy đuôi, chỉ thấy đoạn giữa to cỡ cái gối ôm của người lớn. Là người chuyên nuôi trăn, anh Chín Của cho biết với kích cỡ ấy thì con rắn khổng lồ này nặng khoảng vài chục kg và dài cỡ 20 m.
Cách đây chưa lâu, khi rừng đặc dụng Vồ Dơi còn chưa được quản lý nghiêm ngặt, thợ săn còn thường xuyên vào rừng thì nhiều người đã từng chứng kiến cảnh rắn hổ mây khổng lồ lướt đi trong lau, sậy rào rào như bão tới, thậm chí có người còn chiến đấu với rắn khổng lồ để bảo vệ mạng sống của mình.
Ông Tư Nhớt ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, kể rằng khi đi săn trong rừng tràm U Minh Hạ đã phát hiện được ổ của con rắn khổng lồ nằm trên một nõng đất cao, bên trên là dây chọi, dớn chằng chịt.
Ổ của nó sạch sẽ và bóng láng, đường kính có đến vài mét. "Rắn hổ mây khổng lồ không phải là đối tượng của các thợ săn, nó vừa to, vừa độc và là chúa tể trong rừng tràm nên bất cứ người thợ săn nào cũng phải e dè, khiếp sợ và tránh xa. Tôi thấy ổ rắn là người run lên bần bật, phân của nó thải ra to bằng bắp chuối thì có nghĩa rắn phải to cả trăm ký", ông Tư Nhớt kể.
Ảnh minh họa
Chuyện của ông thợ săn, thầy rắn Hai Sanh ở Lâm trường Trần Văn Thời cũng khiến người ta giật mình. Con cháu của ông đi rừng gặp rắn hổ mây khổng lồ bỏ chạy tán loạn và về báo lại với ông. Ông Hai không tin có con rắn to như mô tả nên cắp cây mác dài và dắt bầy chó săn sáu con băng rừng vào tìm.
Trong lúc ông Hai còn chưa biết rắn ở đâu thì một con chó của ông la "cẳng, cẳng", nhìn lại thì thấy con chó nằm tuốt trên ngọn tràm cao khoảng 10m. Con rắn cắn con chó săn và ngóc đầu lên cao vút, lắc qua lắc lại, mang phùng ra thấy rợn người.
Ông Hai là một thợ rắn lành nghề nhưng lúc này mặt cắt không còn giọt máu, vù bỏ chạy khỏi rừng. Sau lần gặp rắn khổng lồ ông về bệnh mấy ngày liền, sau đó giải nghệ, không vào rừng nữa. Theo mô tả lại thì con rắn nặng khoảng 100 kg, dài chừng 20 m.
Hy hữu và buồn cười là trường hợp của hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Hoàng. Hai vợ chồng ông vào rừng tràm nguyên sinh đốn sậy về làm hàng rào, vợ đốn một nơi, chồng đốn một nơi.
Đang đốn sậy bỗng bà vợ thấy cái đuôi rắn to tướng bằng bắp chân liền nhảy vào ôm chặt rồi kêu chồng: "Con trăn bự quá ông ơi, đến tiếp tôi bắt nó". Nghe vợ kêu, ông chạy bọc đầu để chặn con trăn lại.
Tới nơi ông thấy con rắn hổ mây khổng lồ ngóc đầu qua khỏi đọt sậy phùng mang chuẩn bị tấn công, ông cắm đầu bỏ chạy, bà vợ cũng hoảng hồn chạy theo. Đến giờ, vợ ông Hoàng đã là người duy nhất từng đụng được đến thân con rắn khổng lồ.
Nguồn tin: eneoia.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn