Chính “tấm lưới bị thủng” ấy đã sinh ra khá nhiều hệ lụy, từ tỉ lệ nạo phá thai cao ở tuổi vị thành niên đến cả các mối nguy hại về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em. Một vài con số thống kê của cơ quan chức năng đã không khỏi làm chúng ta giật mình và tự hỏi bao giờ việc giáo dục giới tính mới được quan tâm đúng mức?
Câu hỏi ấy mới được đặt ra trong thời gian gần đây ở nước ta. Được biết, các nước phát triển trên thế giới đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục giới tính cho trẻ em, ngay từ nhỏ, từ nhà trường đến gia đình. Mỗi đứa trẻ lớn lên đều ý thức được cơ thể mình là “bất khả xâm phạm”, điều gì là nhạy cảm, giới hạn các cử chỉ yêu thương, quan tâm ở đâu, các nguy cơ bị xâm hại cũng như cách phòng tránh… Các kiến thức về giới tính, sinh lí, tình yêu đều được trang bị một cách bài bản, khoa học trong nhà trường.
Nhìn lại thực tế ở nước ta, đã có thời chúng ta nhìn về phương Tây và không ít người khẳng định họ sống “thoáng” và khẳng định việc giáo dục giới tính của các nước chẳng khác gì “vẽ đường cho hươu chạy”. Lối sống khép kín, ngần ngại đề cập đến các vấn đề tế nhị, nhạy cảm dường như đã ăn sâu vào tâm thức người Việt. Đến bây giờ nhiều ông bố bà mẹ vẫn lảng tránh các câu hỏi tò mò của trẻ, hoặc trả lời bâng quơ: “Tự nhiên thế, lớn sẽ khắc biết…”, thậm chí là nạt nộ: “Chuyện người lớn, con nít cấm tò mò!”…
Sự lơ là, mất cảnh giác của bố mẹ và việc bỏ mặc con trẻ tự “bơi” trong những thắc mắc về giới đã sinh ra nhiều hệ lụy. Đã có trường hợp trẻ mang thai đến mấy tháng trời nhưng người mẹ chẳng mảy may hay biết. Đã có trường hợp trẻ bị lạm dụng, báo người thân nhưng chẳng nhận được sự quan tâm, niềm tin của chính bố mẹ mãi đến khi nhìn bức ảnh chụp lại cảnh nhạy cảm mới sững sờ, ân hận… Quan tâm, gần gũi, trò chuyện, tâm tình cùng con - một trong những giải pháp hiệu quả để bảo vệ con, lại bị nhiều phụ huynh bỏ qua.
Bên cạnh đó, chương trình giáo dục giới tính trong nhà trường còn quá nhiều khoảng trống. Những kiến thức thiết phải trang bị cho học sinh vẫn đang bị “né” khi đưa vào sách giáo khoa. Ngay đến thầy cô đứng lớp cũng còn mang tâm lí dè chừng thay vì trò chuyện cởi mở, thân mật như những người bạn. Thế là học sinh học về giới tính nhưng chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”.
Kiến thức giới tính bị “hổng” nhưng nỗi thắc mắc, mối hoài nghi, trí tò mò vẫn thôi thúc trẻ dò dẫm tìm hiểu, khám phá. Các con sẽ tự “bơi” trong một kho thông tin khổng lồ của mạng xã hội. Truyện tranh khiêu dâm, các trang web đen, cám dỗ và hiểm nguy luôn rình rập… Nhưng các con đã thiếu mất sự định hướng đúng đắn từ người thân, thầy cô và sẽ dễ dàng bị sa ngã.
Chính vì vậy, hãy sẵn sàng “vẽ đường cho hươu chạy”! Trang bị cho các con một vốn kiến thức đủ đầy về giới tính, tình yêu, tình dục cùng những kĩ năng sống cần thiết, xây dựng cho con một thái độ sống tích cực. Điều này cần được thực hiện qua nhiều “kênh” đắc lực như xây dựng mối quan hệ gần gũi, thân thiết giữa bố mẹ và con cái. Chắn chắn rằng bố mẹ thông minh, yêu thương con là người biết lắng nghe và làm bạn cùng con!
Mặt khác, tầm quan trọng của giáo dục giới tính phải được nhận thức một cách sâu sắc hơn trong nhà trường. Không chỉ là thay đổi chương trình, cần phải đổi mới cả tư duy nhìn nhận, đánh giá, khơi sâu các vấn đề liên quan. “Vẽ đường cho hươu chạy” đúng hướng vẫn hơn, nhất là trong trường hợp này.
Các buổi truyền thông, ngoại khóa, chuyên đề, hội thảo về tình yêu, giới tính, tình dục cần được các ban ngành liên quan tổ chức hiệu quả và sâu rộng để đánh động vào ý thức của mọi người, tăng cường kĩ năng cần thiết để trẻ biết cách tự bảo vệ mình.
Thanh Ny
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn