An Giang đưa môn bơi vào dạy chính khóa trong môn thể dục

Thứ bảy - 13/08/2016 01:52
Thấy hiệu quả trong công tác phổ cập bơi cho học sinh năm học 2014 - 2015, mới đây Sở GD-ĐT tỉnh An Giang đã quyết định đưa môn bơi vào giảng dạy chính khóa môn thể dục ở trường phổ thông từ năm học 2016 - 2017.

Theo công văn số 1395/SGD-CTTT về việc triển khai công tác phổ cập bơi và đưa môn bơi vào giảng dạy chính khóa môn thể dục (thể thao tự chọn) trong trường phổ thông, Sở GD-ĐT tỉnh An Giang cho biết, từ năm học 2014 - 2015 đến nay, có nhiều đơn vị trường học, phòng GD-ĐT phối hợp với các tổ chức và cá nhân tổ chức thực hiện phổ cập bơi trong học sinh theo ý kiến chỉ đạo của Trung ương và tỉnh khá hiệu quả như: thành phố Long Xuyên, thành phố Châu Đốc, huyện Châu Phú, thị xã Tân Châu... Do vậy, Sở GD-ĐT yêu cầu Thủ trưởng các phòng GD-ĐT, các trường THPT trực thuộc triển khai đưa môn bơi vào giảng dạy chính khóa từ năm học 2016 - 2017.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Sở GD-ĐT An Giang yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh về tầm quan trọng của công tác phổ cập bơi cho học sinh trong nhà trường; chịu trách nhiệm giáo dục trẻ em, học sinh trong việc đảm bảo an toàn tính mạng, không để xảy ra tai nạn đuối nước trong những năm tiếp theo.

Việc đưa môn bơi vào dạy chính khóa ở môn thể dục (phần thể thao tự chọn), được tổ chức thí điểm ở các trường tiểu học, THCS của thành phố Long Xuyên và những đơn vị có điều kiện, tiến tới thực hiện đồng loạt trong những năm tiếp theo; Các trường được tăng thời lượng dạy môn bơi lội sao cho phù hợp với điều kiện tại đơn vị để giảng dạy đối với những học sinh chậm biết bơi cho thật hiệu quả khi có sự đồng ý của phụ huynh.

Tổng chi phí đầu tư cho một hồ bơi kiên cố như thế này trên 500 triệu đồng nên nhiều địa phương, cơ sở giáo dục khó lòng thực hiện được.

Các đơn vị cần phối hợp bộ phận chuyên môn thiết kế, xây dựng kế hoạch, nội dung giảng dạy môn Bơi lội dựa trên chương trình khung của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT phù hợp với đặc điểm địa phương nhằm giúp cho học sinh biết ít nhất một kiểu bơi, kỹ năng an toàn dưới nước, kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh.

Đồng thời cử giáo viên tham dự lớp bồi dưỡng, tập huấn hướng dẫn viên phổ cập bơi và phòng, chống tai nạn đuối nước do cấp trên tổ chức. Thường xuyên thống kê, theo dõi học sinh chưa biết bơi và phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các lớp phổ cập bơi và phòng chống tai nạn cho trẻ em tại địa phương trong năm học.

Mặt khác, các đơn vị cần xây dựng cơ chế phối hợp với trường Năng khiếu thể thao An Giang, Trung tâm TDTT huyện, thị, thành phố, khai thác, sử dụng có hiệu quả các công trình thể thao tại địa phương; có chính sách khuyến khích (miễn, giảm giá vé vào tập bơi) tạo mọi điều kiện thuận lợi cho học sinh được học bơi.

Tăng cường công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực hợp pháp khác mua, sắm, trang bị thiết bị, dụng cụ, tài liệu tham khảo liên quan đến công tác phổ cập bơi, cứu đuối tại thư viện để giáo viên, học sinh, sinh viên học tập; Phối hợp tổ chức các giải bơi, cứu đuối truyền thống hàng năm nhằm khuyến khích, động viên các em học sinh tham gia tập luyện môn bơi lội và tham dự các giải bơi do cấp trên tổ chức, hạn chế tình trạng trẻ em, học sinh đuối nước.

Vì tính cấp thiết của môn dạy bơi cho trẻ, nhất là vùng sông nước miền Tây, nhiều trường tại miền Tây tổ chức dạy bơi cho trẻ như thế này hoặc làm lồng bè dưới sông để dạy bơi.

Còn tại Đồng Tháp, thời gian qua, nhiều sở ngành tích cực “chung tay” phổ cập bơi cho trẻ trong đội tuổi từ 5 - 15 tuổi. Tính từ 2011, Đồng Tháp mở 1.000 lớp phổ cập bơi cho gần 20.000 trẻ. Tuy nhiên hàng năm số lượng trẻ em tử vong vì tai nạn đuối nước vẫn còn khá cao.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Thanh Liêm - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp cho biết, ở vùng sông nước như miền Tây, trong đó có tỉnh Đồng Tháp thì việc dạy môn bơi lội cho các em học sinh tiểu học và THCS là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, do môn bơi cần có hồ bơi nên nhiều địa phương chưa thể đưa môn bơi vào chính khóa. Bởi vậy, nhiều năm qua ngành giáo dục Đồng Tháp chỉ mới khuyến khích các cơ sở giáo dục nào đảm bảo điều kiện dạy bơi cho các em thì tích cực tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh để tổ chức dạy bơi cho các em. Trong năm học mới 2016 - 2017, Đồng Tháp cũng chỉ phát động và khuyến khích việc dạy bơi đối với những cơ sở có điều kiện, chưa thể áp dụng rộng rãi.

Ngoài ra, ông Liêm cũng thông tin thêm, ngành giáo dục Đồng Tháp đang nghiên cứu hồ bơi di động của một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh có giá thành khoảng 200 triệu đồng. Nếu hồ bơi này đảm bảo được một số tiêu chí cơ bản về điều kiện dạy môn bơi lội, chất lượng… và giá thành như công bố thì ngành giáo dục sẽ xin chủ trương Tỉnh ủy, UBND để trang bị cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Khi đó sẽ đưa môn bơi vào dạy chính khóa thì thuận tiện và đảm bảo an toàn hơn cho các em học sinh khi học môn này.

Nguyễn Hành

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây