Ngữ văn là môn học thuộc lĩnh vực giáo dục ngôn ngữ và văn học, được học từ lớp 1 đến lớp 12. Ở cấp tiểu học, môn học này có tên là Tiếng Việt, ở cấp THCS và cấp THPT có tên là Ngữ văn. Môn Ngữ văn có vai trò to lớn trong việc giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất tốt đẹp cũng như các năng lực cốt lõi để sống và làm việc hiệu quả, để học suốt đời. Đây là môn học quan trọng và bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông.
Khác với các môn Toán, Lý, Hóa cần ghi nhớ công thức và thể hiện chủ yếu bằng con số thì Ngữ văn lại được diễn đạt bằng câu từ cảm xúc có phần hoa mĩ. Tuy nhiên, có một học sinh đã sáng tạo ra cách mở bài "bá đạo" khiến ai nấy phải bật cười.
Bài văn "bá đạo của học sinh". Ảnh: MXH
Cụ thể, bài Văn này viết "Trong các loại vợ: vợ sắp cưới, vợ mới cưới, vợ chưa cưới, vợ chuẩn bị cưới, em thích nhất là vợ nhặt, tác phẩm được sáng tác bởi nhà văn Kim Lân, lấy bối cảnh nạn đói khủng khiếp năm 1945 để viết truyện". Được biết, đây là bài văn của một học sinh lớp 12 ở Hà Nội.
Chia sẻ về bài văn này, Thạc sĩ Nguyễn Tuyết Mai, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THPT Ân Thi, tỉnh Hưng Yên nhận xét: "Đây là 1 kiểu mở bài đang được các em học sinh hào hứng chia sẻ trên mạng xã hội trong thời gian gần đây.
Kiểu mở bài này dựa trên lối chơi chữ sử dụng từ đồng âm trong đời sống sinh hoạt, gây hứng thú cho các em học sinh bởi sự mới lạ so với các kiểu mở bài quen thuộc và tạo ra tiếng cười hài hước, vui vẻ. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một giáo viên, tôi khẳng định cách mở bài này sẽ không được ghi nhận và không được tính điểm. Bởi lẽ, bài văn của các em là văn bản nghị luận, cần phải tuân thủ việc sử dụng ngôn ngữ chuẩn mực, khoa học, tránh đưa ngôn ngữ sinh hoạt vào trong bài, dù chỉ là một dẫn dắt tạo sự lôi cuốn cho bài viết.
Theo Thạc sĩ Tuyết Mai, có rất nhiều cách để các em học sinh mở bài một cách sáng tạo: có thể từ một lời thơ, một câu hát hay một danh ngôn triết lý có liên quan đến vấn đề cần nghị luận hoặc có thể mở bài từ một chủ đề chung. Học sinh cũng có thể mở bài từ một chi tiết gây ấn tượng nhất trong tác phẩm... Quan trọng là dẫn dắt đó của các em phải phù hợp và logic với yêu cầu của đề bài.
"Để đạt điểm cao trong kỳ thi, các em hãy ôn tập thật kỹ kiến thức và kỹ năng cơ bản của cả 3 phần đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Hãy lắng nghe chia sẻ của các thầy cô về những yêu cầu kỹ năng, kiến thức và biểu điểm mà Bộ GDĐT đặt ra trong đáp án các năm trước.
Khi làm bài nghị luận văn học, các em cần chú ý đến việc xác định hệ thống luận điểm, luận cứ cho bài viết mạch lạc. Cần sử dụng ngôn ngữ chuẩn mực, tinh tế, giàu hình ảnh và cảm xúc", cô Tuyết Mai nêu.
Nguồn: https://danviet.vn/bai-van-ba-dao-cua-hoc-sinh-lop-12-viet-ve-tac-pham-vo-nhat-khien-co...
Bài văn lạ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn