MV "There's no one at all" gây tranh cãi, Bộ GDĐT nói gì?
Chiều 29/4, Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng các bộ, ngành tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 để cung cấp nhiều thông tin về tình hình kinh tế-xã hội trong tháng và 4 tháng đầu năm 2022.
Liên quan đến MV "There's no one at all" của ca sĩ Sơn Tùng M-TP đang gây lo ngại giới trẻ sẽ bắt chước nội dung tiêu cực, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: "Chúng tôi cũng nắm được việc này".
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ trong cuộc họp. Ảnh: VGP
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, thời gian vừa qua, các em học sinh phải học trực tuyến do dịch bệnh Covid-19 nhưng các em cũng vừa được đến trường, mới ổn định nề nếp. Có thể nói, công tác tư vấn trong nhà trường đã và đang được triển khai rất mạnh. Bộ đã chỉ đạo rà soát việc học tập trực tuyến của các em học sinh trong thời gian vừa qua, đồng thời, phát hiện những em học sinh có điều kiện học tập chưa thật tốt để tư vấn cho các em có điều kiện học tập tốt hơn.
"Bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác hướng nghiệp, tư vấn giáo dục tư tưởng cho các em để các em có đủ hiểu biết, không bị ảnh hưởng bởi những video kể trên", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.
MV "There's no one at all" do Sơn Tùng M-TP sáng tác bằng tiếng Anh vừa phát hành tối 28/4 theo hình thức YouTube Premiere (công chiếu trực tiếp) gây tranh cãi. Đa số mọi người phản đối MV vì có nội dung tiêu cực, dễ khiến giới trẻ bắt chước. Cụ thể, nhân vật chính trong MV có cuộc sống bế tắc và cuối cùng đã khóc và thả mình từ tầng cao tự vẫn.
Nghĩ về vị trí và vai trò của "thần tượng"
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên cho hay: "Từ những năm thập niên 40-50 là thời kỳ hậu khủng hoảng kinh tế thế giới, nước Mỹ đã có giải pháp vực dậy tinh thần mạnh mẽ của giới trẻ bằng cách tạo ra các siêu anh hùng như Super Man, Spider Man... và dòng nhạc Rock n Roll sôi động. Hàng triệu thanh thiếu niên Mỹ đã bắt đầu có mơ ước trở thành những nhân vật xuất chúng, trừ gian diệt bạo và giúp đỡ cộng đồng. Câu chuyện này đã là một minh chứng hùng hồn cho thấy rằng vai trò của văn hoá nghệ thuật có một sứ mệnh vô cùng quan trọng và hiệu quả đó là dẫn dắt định hướng xã hội, giới trẻ.
Một MV cũng có thể khiến một người đang buồn chán, cô đơn dễ dàng muốn kết thúc cuộc sống bằng những hình ảnh hoặc ca từ chạm vào nỗi đau của họ và khuyến khích họ buông bỏ. Vì vậy khi xem MV của Sơn Tùng M-TP, những người làm giáo dục chúng tôi đã sững sờ và vô cùng lo lắng trước thông điệp mà nam ca sĩ đang lan truyền.
Suốt MV là câu từ "Tôi cô đơn, tôi không có ai cả" với hình ảnh nổi loạn phạm pháp và tự đốt cháy mình rồi kết thúc bằng cách tự vẫn. Không phải cứ cô đơn là chỉ còn cách đập phá và tự kết liễu cuộc sống. Cô đơn nhưng tư duy tích cực sẽ giúp con người thay đổi trạng thái tinh thần và cuộc đời mình. Khi là thần tượng của các bạn trẻ, ca sĩ cần ý thức rất rõ những tác động hoặc tác hại mà mình tạo ra. Tôi không phải fan của Sơn Tùng M-TP nhưng tôi vẫn đánh giá cao sự hiểu biết cùng những nỗ lực của cậu ấy. Tuy nhiên, MV của nam ca sĩ đang trở nên nguy hiểm cho cộng đồng và sẽ tạo ra hai làn sóng: Một là tẩy chay MV độc hại này và hai là bắt chước nhân vật nổi loạn trong MV. Tình huống nào cũng sẽ trở thành cơn bão nhấn chìm sự nghiệp của Sơn Tùng M-TP. Nếu đủ lòng nhân và dũng khí, mong Sơn Tùng M-TP hãy kịp thời dừng lại trước khi MV lan rộng mất kiểm soát".
Nguồn: https://danviet.vn/mv-theres-no-one-at-all-cua-son-tung-m-tp-bi-phan-doi-bo-gddt-noi-gi...
Sơn Tùng MTP
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn