Truyền hình Trung Quốc từng chiếu bộ phim dài 30 tập kể về cuộc đời Thượng Quan Uyển Nhi (2014).
Tư tưởng trọng nam khinh nữ là điều khó có thể bàn cãi ở Trung Quốc thời phong kiến. Người phụ nữ vì vậy mà mất đi cơ hội phát triển bản thân, trở nên lệ thuộc vào đàn ông.
Vào thời Đường, Võ Tắc Thiên từng từng làm điều mà không ai nghĩ rằng phụ nữ có thể. Đó là tự lập ra triều đại riêng dù ngắn ngủi. Ở bên cạnh Võ Tắc Thiên, có một cô gái được trọng dụng nhờ có học thức, sau này trở thành nữ tể tướng duy nhất của Trung Hoa.
Từ nô tì trở thành người quyền lực bậc nhất
Người phụ nữ đó tên là Thượng Quan Uyển Nhi, xuất thân thuộc dòng dõi quý tộc từ thời Tây Hán, hậu duệ của đại thần thời Hán Chiêu Đế là Thượng Quan Kiệt.
Năm 664, ông nội cô là Thượng quan Nghi giúp vua Đường Cao Tông viết chiếu thư phế Võ Tắc Thiên. Sau này khi nắm lại quyền lực, Võ hoàng hậu quay sang trả thù. Cả ông nội và cha cô đều bị chém, mẹ của cô may mắn được tha mạng.
Uyển Nhi mới chào đời đã phải cùng với mẹ vào cung làm nô tì. Mẹ của Uyển Nhi, phu nhân Trịnh Thị là một người thông minh, trong nghịch cảnh vẫn không quên dạy con gái đọc sách, viết chữ.
Uyển Nhi từ nhỏ đã có thể thuộc chữ, lại biết ngâm thơ, tỏ ra thông minh hơn người. Năm 677, Võ Tắc Thiên triệu kiến Uyển Nhi (khi đó mới 14 tuổi), ra đề mục khó khăn bắt phải giải đáp. Uyển Nhi viết trôi chảy, chỉ trong giây lát đã hoàn thành, dùng ngôn từ phong phú, hành văn hoa lệ, khiến Võ Tắc Thiên xem xong rất ưng ý, liền phong làm phi tần của hoàng đế Đường Cao Tông để xóa bỏ thân phận nô tỳ, giao cho việc soạn thảo chiếu thư trong cung.
Thượng Quan Uyển Nhi xuất thân là nô tì, được Võ Tắc Thiên trọng dụng, dần dần trực tiếp can thiệp chuyện chính sự.
Năm 690, Võ Tắc Thiên tự xưng làm hoàng đế, cướp ngôi nhà Đường, trở thành nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc. Thượng Quan Uyển Nhi trở thành cánh tay đắc lực của vị nữ hoàng này từ lúc nào không hay.
Sự nghiệp chốn quan trường của Uyển Nhi không phải lúc nào cũng lên như diều gặp gió. Làm bạn với vua như chơi với cọp, hơn nữa lại là một nữ hoàng có tính cách thất thường như Võ Tắc Thiên, Uyển Nhi đã không ít lần suýt mất đầu vì không nghe lời.
Có lần, Uyển Nhi đem lòng yêu một người đàn ông được Võ Tắc Thiên sủng ái. Nữ hoàng vô cùng giận dữ, sai người xăm lên mặt để cho nhớ.
Đối với một phụ nữ, hình phạt này không khác gì việc hủy đi dung mạo. Uyển Nhi khắc phục bằng cách vẽ thêm bông hoa trên trán, tạo nên một xu thế mới, hình thành phong cách trang điểm đặc trưng của các nữ quý tộc nhà Đường,
Năm 698, Uyển Nhi được Võ Tắc thiên giao hoàn toàn trọng trách xử lý tấu chương, quyết định việc triều chính, nắm quyền lực bậc nhất triều đình, được coi là nữ tể tướng.
Nữ tể tướng phong lưu
Thượng Quan Uyển Nhi dù quyền lực lớn đến mức nào thì vẫn là một nữ nhân, không tránh khỏi những sinh hoạt tình cảm với người khác giới.
Năm 2013, thông qua việc tìm hiểu chữ viết trên bia mộ của cô, các nhà khảo cổ biết rằng Uyển Nhi năm 13 tuổi được phong làm tài nhân của hoàng đế Đường Cao Tông (danh nhận của các phi tần).
Uyển Nhi từng say mê nhiều người đàn ông.
Năm 42 tuổi, Uyển Nhi là Chiêu dung của hoàng đế Đường Trung Tông. Uyển Nhi tuy là tài nhân của hoàng đế Đường Cao Tông, nhưng rất có thể do Võ Tắc Thiên chỉ định để cô có một danh phận, thoát kiếp nô tì.
Vậy những người đàn ông nào từng “may mắn” có cơ hội qua lại với Uyển Nhi?
Theo trang mạng Trung Quốc Sohu, người có quan hệ với Uyển Nhi nhiều vô kể, nhưng có 4 người được Uyển Nhi thực sự đem lòng yêu.
Người đầu tiên phải kể đến Trương Xương Tông, “sủng nam” của Võ Tắc Thiên. Chuyện Uyển Nhi lén lút qua lại với người đàn ông họ Trương, Võ Tắc Thiên từ lâu đã biết. Bình thường, nữ hoàng vẫn nhắm mắt làm ngơ cho qua vì bản thân cũng tự biết mình tuổi cao không thể đáp ứng được nhu cầu cho Trương Xương Tông, nhưng ngay trước mặt Võ hậu mà Uyển Nhi dám công khai “liếc mắt đưa tình” thì là điều không thể chấp nhận được. Sự việc này để lại vết xăm trên trán Uyển Nhi.
Người thứ hai là Thôi Thực. Thanh niên này tướng mạo khôi ngô, lần đầu hai người gặp nhau, Thôi Thực mới chỉ ngoài 20 mà Uyển Nhi hơn 40 tuổi. Thôi Thực còn tiến cử cả ba người trong nhà là Thôi Lị, Thôi Dịch, Thôi Địch để phục vụ nữ tể tướng.
Người thứ ba là Võ Tam Tư, cháu ruột của Võ Tắc Thiên. Thượng quan Uyển Nhi vì Võ Tam Tư mà ra sắc nói tốt cho người tình trước mặt Võ Tắc Thiên. Sau này, vì chuyện triều chính biến hóa khôn lường, Uyển Nhi đem Võ Tam Tư đề cử cho Vi hoàng hậu (vợ của hoàng đế Đường Trung Tông).
Người cuối cùng mà Uyển Nhi có tình cảm là Đường Trung Tông Lý Hiển. Năm 16 tuổi, Uyển Nhi đã cặp kè với hoàng tử Lý Hiển. Năm 705, Đường Trung Tông lấy lại quyền lực từ tay Võ Tắc Thiên, phong người tình năm xưa làm Chiêu dung, tiếp tục cai quản việc soạn thảo văn tịch.
5 năm sau, Đường Trung Tông Lý Hiển đột ngột qua đời, quyền lực bị tranh giành bởi các thế lực trong cung. Lý Long Cơ, một hoàng tộc nhà Đường, phát động binh biến sát hại Vi hoàng hậu. Uyển Nhi vì cũng phe với Vi hoàng hậu nên cũng bị xử tội chết. Năm đó, Uyển Nhi 46 tuổi.
Nguồn: http://danviet.vn/nu-te-tuong-duy-nhat-trong-lich-su-trung-hoa-dam-yeu-ca-nguoi-tinh-cu...
Thâm cung bí sử
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn