Theo phong tục tập quán của người Việt, lễ hóa vàng ngày Tết chính là lễ cúng tiễn tổ tiên, ông bà, hay còn được gọi là mâm cơm cúng gia tiên. Trước đó, tổ tiên đã về ngự tại tư gia từ ngày 30 Tết để cùng ăn Tết với gia đình, do vậy khi hết Tết cũng phải làm mâm cơm tiễn các cụ về cõi âm.
Ngoài ra, lễ hóa vàng cũng chính là tỏ lòng biết ơn đến chư vị thần linh, tổ tiên, ông bà trong nhà và là lễ đón thần tài, tài lộc về với gia đình, hy vọng một năm làm ăn thuận lợi, hanh thông. Do vậy, từ xa xưa việc chọn ngày, chọn giờ hóa vàng luôn được mọi người quan tâm, thực hiện.
Chuyên gia phong thủy Nguyễn Trọng Tuệ - Viện trưởng Viện nghiên cứu Kiến trúc và văn hóa phương Đông cho biết, ngày nay khi xã hội hiện đại, việc hóa vàng ngày Tết được nhiều người làm qua loa, đại khái. Theo đó, đa số mọi người thực hiện theo cảm tính, phụ thuộc vào công việc, con cháu.
Nên làm mâm cơm cúng hóa vàng đúng ngày, không nên vì con cháu đi làm hay tiện thể mà hóa vàng quá sớm hoặc quá muộn.
Rất nhiều trường hợp vì phải khai trương, đi làm, đi trực sớm nên hóa vàng từ ngày mùng 2 hoặc có người gần mùng 10 Âm lịch mới hóa vàng. Thậm chí, nhiều gia đình còn nhân tiện ngày có đông đủ con cháu nên cũng làm hóa vàng luôn.
Nói đến hóa vàng, theo ông Tuệ trước hết phải hiểu được nghĩa, “hóa” là đốt – có nghĩa là đốt vàng mã đi. Đó cũng là thời điểm đánh dấu ngày Tết đã kết thúc. “Theo quan niệm của Đạo giáo, chỉ ngày Tết các vong hồn mới được về tại tư gia cùng các con cháu, người thân, những ngày khác không được về.
Theo kỳ hạn được về thì sẽ tính vào ngày cuối cùng của năm cũ và đến ngày mùng 3 Tết là các cụ đi. Do vậy, hóa vàng nên chọn vào ngày mùng 3 Tết”, ông Tuệ phân tích.
Ngoài ra, hóa vàng vào ngày mùng 3 còn có những lý do khác, đó là chấm dứt ngày Tết để bước sang một trạng thái mới. Không chỉ có vậy, một số nơi ngày tết con cháu ở xa vẫn mang tiền vàng đến để thắp hương cho tổ tiên nên hóa vàng sớm quá cũng không được. Mà muộn quá thì các cụ, tổ tiên ngày mùng 3 đi sẽ không có gì để mang theo.
Ngoài hóa vàng là để ông bà, tổ tiên từ gia tiên về lại cõi âm của mình sau những ngày Tết. Ảnh minh họa.
“Vì lý do đó, hóa vàng vào ngày mùng 3 để ngầm hiểu với nhau rằng đã hết Tết. Đốt vàng hôm đó cũng là để các cụ trở về thế giới người âm đi đường có cái chi tiêu”, ông Tuệ cho hay.
Mâm cúng hóa vàng thật ra cũng không có gì cầu kỳ, cũng chỉ có mâm ngũ quả, hoa tươi, tiền vàng, trầu cau, đèn nến, rượu trà. Cùng với đó là mâm cơm đầy đủ các món tết cổ truyền được chế biến mới, bày biện đầy đặn thể hiện sự trang nghiêm.
Với năm Nhâm Dân, ngày mùng 3 tết (tức ngày 3/2 Dương lịch) có thể chọn một số khung giờ tốt để hóa vàng:
Giờ Thìn (7h-9h)
Giờ Ngọ (11h-13h)
Giờ Mùi (13h-15h)
Giờ Tuất (19h-21h)
* Tư vấn trong bài thể hiện quan điểm, nghiên cứu của chuyên gia
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/nam-nham-dan-hoa-vang-ngay-gio-nao-tot-nhat-de-ca-...
Tết nguyên đán
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn