Cấp cứu vì detox bằng thực phẩm chức năng
Hiện nay, trên nhiều trang mạng rao bán các loại thực phẩm chức năng với công dụng giải độc, thanh lọc cơ thể. Với những dòng quảng cáo “thực phẩm chức năng detox không dùng thì tiếc”, “thực phẩm chức năng detox giúp tăng cường hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng”… người xem rất dễ bị thu hút.
Không chỉ dùng thuốc, nhiều người còn truyền nhau cách detox để đốt mỡ giảm cân bằng uống nước chanh tươi hay dùng nước mía nguyên chất với nước ớt ngọt, cà phê, bằng nước muối... mà không ăn thêm bất cứ một thực phẩm hay nước uống nào khác. Nhiều người lại áp dụng cách detox bằng dầu olive pha nước chanh...
Các phương pháp này đều được “ca tụng” là giúp đào thải các chất có hại cho cơ thể, giải độc gan, ngoài ra giảm cân rất tốt, thậm chí phòng ngừa bệnh ung thư. Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp phải vào viện vì detox theo những lời “ca tụng” này.
Mới đây, Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực (Bệnh viện ĐH Y Hà Nội) đã tiếp nhận một trường hợp nguy kịch do dùng thực phẩm chức năng thải độc. ThS.BS Vũ Việt Hà (Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực) cho biết, bệnh nhân H, quê ở Phú Thọ nhập viện trong tình trạng rất nặng, người lờ đờ, chậm chạp, mắt trũng, da khô, mạch nhanh, huyết áp tụt, bí tiểu, vô niệu.
Bệnh nhân vốn có tiền sử tiểu đường, đã nghe theo lời mách của người quen dùng thực phẩm chức năng để detox. Sau khi dùng loại thực phẩm chức năng này, bệnh nhân có dấu hiệu đi ngoài phân lỏng nhiều lần nhưng không đi khám. Tới khi đi ngoài quá nhiều (30 lần/ngày) khiến cơ thể kiệt quệ, bệnh nhân đã phải vào viện cấp cứu. Bác sỹ xác định bệnh nhân bị sốc giảm thể tích, đi ngoài phân lỏng kéo dài, rối loạn điện giải ở bệnh nhân đái tháo đường. Qua xét nghiệm, bệnh nhân đã bị suy thận cấp.
“Bệnh nhân được cấp cứu truyền dịch qua đường tĩnh mạch trung tâm, tổng cộng truyền khoảng 6 lít dịch mới bắt đầu có nước tiểu trở lại. Sau một tuần điều trị tích cực, chức năng thận của bệnh nhân mới cải thiện được nhưng vẫn chưa trở về bình thường. Trường hợp bệnh nhân H nếu tiếp tục để kéo dài sẽ dẫn đến sốc trơ, suy đa tạng, tăng kali thể dẫn đến tử vong”, ThS.BS Vũ Việt Hà cho hay.
Trước đó, Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) cũng cấp cứu một bệnh nhân tiêu chảy sau khi thực hiện các phương pháp detox trong tình trạng tụt huyết áp, chân tay bủn rủn, cơ thể mất nước nặng. Bệnh nhân bị đi ngoài khoảng 20 lần/ ngày.
Qua khai thác tiền sử bệnh nhân cho hay, thấy mọi người bàn tán nhiều về trào lưu thải độc, thanh lọc cơ thể nên chị cũng nhanh chóng áp dụng bằng cách thực hiện theo hướng dẫn. Tuy nhiên, độc chưa thải được mà phải nhập viện cấp cứu vì tiêu chảy. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định, bệnh nhân có biểu hiện suy thận cấp, rối loạn điện giải nặng và phải điều trị gần một tháng, chi phí tốn kém vài chục triệu đồng.
Dễ tử vong nếu thải độc sai cách
ThS.BS Vũ Việt Hà cho biết, với các loại thực phẩm chức năng hiện vẫn chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh thực phẩm chức năng có thể thay thế hoàn toàn được thuốc điều trị bệnh. Bởi vậy, khi sử dụng bất cứ thuốc hoặc thực phẩm chức năng nào vào cơ thể người dùng cần có ý kiến bác sỹ chuyên khoa, tuyệt đối không được lạm dụng.
Các loại thuốc vào cơ thể đều chuyển hóa qua gan, thận nếu dùng không có sự kiểm soát đều có thể dẫn đến hại hơn lợi, thậm chí các thuốc còn có sự tương tác lẫn nhau. Vì đối với từng cơ thể lại phải có cách giải độc khác nhau, không có công thức chung cho tất cả.
Hơn nữa, bệnh nhân đái tháo đường cần phải dùng thuốc đều đặn và có chế độ sinh hoạt hợp lý theo lời khuyên bác sĩ chuyên khoa tiểu đường. Các bác sĩ điều trị sẽ hiểu được khẩu phần ăn của từng bệnh nhân tiểu đường như thế nào để vừa đảm bảo năng lượng cho cơ thể làm việc, đồng thời đảm bảo đường máu luôn ở mức ổn định, tránh biến chứng như hôn mê do mất nước, do tăng đường máu quá nhiều, do nhiễm toan tăng áp lực thẩm thấu, biến chứng hạ đường huyết và biến chứng mạn tính.
Theo ThS.BS Nguyễn Trung Cấp (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), bản chất detox là chế độ nhịn ăn và chỉ dùng một số loại nước hoa quả, thường được áp dụng nhất là chế độ nhịn ăn và uống nước pha muối với 8-12 quả chanh mỗi ngày và với ớt bột hay hạt tiêu. Dù gọi là chế độ thanh lọc cơ thể nhưng các nhà khoa học không tìm thấy chất độc cụ thể nào được thanh lọc mà lại thấy nhiều chất chuyển hóa độc được sản sinh trong chế độ ăn kiêng này.
Việc nhịn ăn kéo quá dài, cơ thể khi hết nguồn dự trữ phải tiêu hủy các mô quan trọng để sinh năng lượng như mô cơ, thậm chí cả cơ tim và não thì người ta có thể tử vong. Ngoài ra, chế độ này có thể gây thiếu hụt vitamin, rối loạn nước điện giải trầm trọng hoặc gây suy giảm chức năng nhiều cơ quan.
Tình trạng nhịn đói kéo dài còn dẫn đến thiểu sản niêm mạc ruột và ngừng tiết enzyme trypsin tại tụy và ruột non. Khi người bệnh được cho ăn lại thì không tiêu hóa được protein làm tăng sinh vi khuẩn C.welchi type C tại ruột, các độc tố do khuẩn này tiết ra này không bị trypsin phân hủy sẽ gây viêm ruột hoại tử.
Các chuyên gia khuyến cáo, với trào lưu detox trong giới trẻ hiện nay, chẳng ai dám chắc tác dụng phụ lâu dài mà nó để lại, nhưng việc nhãn tiền là sự mất cân bằng điện giải cùng lượng glucose trong máu. Những người bị tiểu đường, bệnh tim, gan hoặc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai cho con bú nếu áp dụng những cách detox này càng nguy hiểm hơn.
“Muốn thải độc cơ thể tốt nhất cần duy trì chức năng hoạt động tốt cho gan. Còn nếu chỉ nhịn ăn, uống nước hoa quả hay dùng thực phẩm chức năng mà muốn thải được mọi độc tố của cơ thể là rất khó. Khi thực hiện bất kỳ phương pháp thanh lọc nào, cần có sự tư vấn của bác sỹ và điều quan trọng là bạn nên lắng nghe cơ thể mình, tham khảo ý kiến bác sỹ cho tình trạng sức khỏe cụ thể. Có thể áp dụng các cách thanh lọc cơ thể như uống nhiều nước, hạn chế ăn các loại thịt, đặc biệt là thịt đỏ nhiều cholesterol, tập trung ăn nhiều đạm từ rau quả, đậu nành, uống sữa đậu nành để cơ thể nhẹ nhàng, thanh lọc bớt chất béo”. PGS.TS Lê Bạch Mai (Phó Giám đốc Viện Dinh dưỡng Quốc gia) |
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn