Ở vòng 25 vừa rồi, ngoại trừ trận Than Quảng Ninh – Hà Nội T&T, hầu như không còn trận nào khác trong số 6 cặp đấu còn lại có tính ganh đua cao. Hải Phòng dễ dàng vượt qua Long An bằng tỷ số cách biệt 5-2. Trong khi đó, SHB Đà Nẵng cũng thắng HA Gia Lai đúng như dự đoán.
Tại các cặp đấu còn lại, hầu hết các đội chủ nhà đều chiến thắng. Bởi, như đã phân tích trước đó, các đội chủ nhà dù gì vẫn còn có yếu tố cần cho khán giả nhà xem, để mùa sau họ còn đến sân. Riêng với các đội khách, thắng hay thua cũng chẳng khác nhau là mấy, vì đằng nào mục tiêu trụ hạng cũng đã hoàn thành.
Thậm chí, B.Bình Dương còn không có chiến thắng để phục vụ khán giả đất Thủ Dầu. Đội bóng miền Đông Nam bộ thua Quảng Nam 1-3. Tuy nhiên, thật ra thì B.Bình Dương làm gì có khán giả để mà phục vụ.
Nhà đương kim vô địch thi đấu mà chỉ có chừng 1.500 người đến xem (con số thông qua báo cáo của giám sát, thực tế chắc chắn thấp hơn). Tương tự như thế, tình trạng ế khán giả cũng là tình trạng chung của nhiều sân bóng hiện nay.
Sân Thống Nhất có khoảng 1.000 người dự khán trận Sài Gòn FC – Đồng Tháp. Ở sân Long An, con số của giám sát đưa ra là 2.000 người theo dõi trận Long An - Hải Phòng, cho dù theo quan sát thực tế của chúng tôi, số khán giả hiện diện trên 2 sân bóng vừa nêu có lẽ ít hơn nhiều so với con số có trong biên bản của những người làm nhiệm vụ giám sát trận đấu.
Tại 2 “chảo lửa” nổi tiếng của miền Trung là Thanh Hoá và SL Nghệ An, lượng người xem lần lượt là 4.000 và 5.000. Duy chỉ có trận đấu giữa Than Quảng Ninh và Hà Nội T&T trên sân Cẩm Phả là phủ kín người xem. Dù vậy, có thể con số thực tế cũng chưa đến 13.000 người như báo cáo.
V-League ế khách vì giải vô địch quốc gia thật ra không còn nhiều chi tiết để thu hút khách. Cuộc đua vô địch trên lý thuyết có nhiều đội còn khả năng đua tranh, nhưng trên thực tế lại có quá nhiều đội thiếu động lực. Mà điều này vốn đã được dự báo ngay từ đầu.
Đó là một Hải Phòng ngập ngừng lúc muốn tăng tốc, lúc lại “hãm phanh”, là Than Quảng Ninh chưa sẵn sàng cho ngôi đầu của giải, bởi nỗi lo về kinh phí, về lực lượng để đá cúp châu Á mùa sau (nếu... lỡ vô địch), về khả năng đón nhận sự trừng phạt của các đội giàu truyền thống, nếu Than Quảng Ninh vô địch và mang danh làm “hỗn”.
Đó là một SHB Đà Nẵng vốn dĩ vẫn phải nhìn trước ngó sau, khi họ ở cùng đường đua với người anh em cùng chủ sở hữu là Hà Nội T&T. Và rốt cuộc chỉ có mỗi mình đội bóng thủ đô là mặn mà nhất với việc xưng vương.
Giờ thì đội bóng của bầu Hiển đã đứng đầu đoàn đua và tự họ có thể quyết định đến vương miệng của chính họ ở vòng đấu cuối. Chi tiết này người ta cũng đã nói đến từ thời điểm mà Hà Nội T&T còn xếp sau hàng loạt đội.
Có nghĩa là V-League ngoài mặt thì kịch tính, nhưng thực chất lại không quá khó đoán. Mỗi vòng đấu gồm 14 đội dự tranh, với 7 cặp đấu mỗi cuối tuần, nhưng thực tế là từ đầu lượt về đến giờ lại không có nhiều trận đấu theo kiểu một mất một còn, khiến cho tính cạnh tranh vì thế không cao, chất lượng chuyên môn cũng đang dần bị chê bởi chính khách hàng (tức người hâm mộ) của giải đấu.
Kim Điền
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn